Vụ chủ xe Ranger kiện đại lý Đồng Nai Ford: Luật sư phân tích cơ sở pháp lý

Gia An

(Dân trí) - Luật sư đưa ra nhận định sau khi chủ xe Đỗ Xuân Dũng cho biết sẽ xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đại lý Đồng Nai Ford, gồm: sửa chữa, bảo dưỡng xe ô tô; cưỡng đoạt xe demo và cưỡng đoạt điện thoại.

Liên quan vụ việc chủ nhân chiếc Ranger lỗi hộp số tố bị nhân viên đại lý Đồng Nai Ford hành hung, PV Dân trí đã buổi trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về những tình huống pháp lý.

Căn cứ đòi bồi thường sửa chữa chiếc xe

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, để xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải dựa vào 3 điều kiện: có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Vụ chủ xe Ranger kiện đại lý Đồng Nai Ford: Luật sư phân tích cơ sở pháp lý - 1

Thông báo cần kiểm tra kỹ thuật trên chiếc Ford Ranger của anh Dũng (Ảnh chủ xe cung cấp).

Theo nội dung vụ việc, chủ xe Đỗ Xuân Dũng (40 tuổi, ở Đồng Nai) cho hay, ngày 2/5/2021, Đồng Nai Ford đã tự ý cập nhật phần mềm 20S10 lên xe của anh, dẫn đến việc ngày 22/8/2022, phương tiện bị hư hỏng hộp số, không thể vận hành được. 

"Nếu chứng minh hành vi trên của Đồng Nai Ford dẫn tới hậu quả chiếc xe tự động tắt máy, mất lực khi đang lưu thông trên đường Ông Binh (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) vào ngày 22/08/2022, đại lý sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường với hành vi trái pháp luật trên theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015", luật sư Tiền phân tích.

Vụ chủ xe Ranger kiện đại lý Đồng Nai Ford: Luật sư phân tích cơ sở pháp lý - 2

Theo thứ tự từ trái qua phải: bơm dầu hộp số, hộp lọc dầu hộp số, bộ body điều khiển van điện tử - 3 thiết bị mà chủ xe tố đại lý tự ý tháo rời (Ảnh: chủ xe cung cấp).

Đối với hành vi tự ý tháo thêm 3 chi tiết khác của hộp số ngoài nắp cate hộp số, gồm: cụm bơm dầu hộp số, hộp dọc lầu hộp số, bộ body điều khiển van điện từ của Đồng Nai Ford dù không được sự đồng ý của chủ xe.

Để có căn cứ được bồi thường, theo luật sư, chủ xe phải chứng minh có thiệt hại trên thực tế xảy ra như sự việc ở trên. Nếu không chứng minh được thì đại lý không có nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này.

Xem xét việc cưỡng đoạt tài sản đối với chiếc xe demo

Chủ xe Đỗ Xuân Dũng cung cấp biên bản bàn giao xe ngày 23/08/2022, nêu rõ giữa khách hàng và Đồng Nai Ford đã thống nhất thỏa thuận về việc cho chủ xe mượn xe demo trong thời gian sửa chữa xe tại hãng. 

"Để hỗ trợ bên B có phương tiện đi lại trong thời gian để xe lại bên A sửa chữa. Nay bên A đồng ý giao cho bên B xe Ranger sử dụng trong thời gian 3 ngày từ ngày 23/8 đến ngày 26/8. 

Trong thời gian để xe lại đã ký kiểm tra và sửa chữa. Bên A hỗ trợ bên B xe demo để đi lại cho đến khi bên A sửa chữa xong và bàn giao lại xe cho bên B".

Vụ chủ xe Ranger kiện đại lý Đồng Nai Ford: Luật sư phân tích cơ sở pháp lý - 3

Biên bản bàn giao xe demo cho khách hàng có ghi chú thêm về việc "hỗ trợ cho bên B một xe demo để đi lại cho đến khi bên A sửa chữa xong và bàn giao lại xe cho bên B" (Ảnh chủ xe cấp).

Luật sư cho hay, theo biên bản trên bên chủ xe được sử dụng xe demo trong 3 ngày và sau khi bên xe được hãng sửa xong xe thì phải bàn giao lại cho bên B.

Ngày 25/8, đại lý thông báo lỗi hư hỏng hộp số do kẹt bánh răng bơm dầu hộp số, đưa ra phương án thay nguyên cụm bánh răng bơm dầu hộp số. Tuy nhiên, chủ xe không đồng ý, yêu cầu ra xưởng dịch vụ xem kỹ các chi tiết của hộp số đã bị đại lý tự động tháo ra. 

Luật sư nhận định, ngay từ ban đầu, nội dung biên bản giao xe đã có mâu thuẫn các bên và không dự liệu được trường hợp. Do đó, Đồng Nai Ford có thể đã căn cứ vào thời hạn 3 ngày để yêu cầu bên chủ xe phải bàn giao lại xe demo bằng cách nhiều lần gửi thư, gọi điện, nhắn tin từ ngày 26/8 đến 5/9.

Còn bên chủ xe căn cứ vào việc bên hãng xe phải sửa chữa xong và bàn giao lại xe để làm căn cứ không trả lại xe.

"Tuy nhiên, phải hiểu rằng biên bản trên là biên bản bàn giao xe, không phải là hợp đồng mua bán xe demo, do đó chủ sở hữu chiếc xe demo vẫn thuộc quyền sở hữu của Đồng Nai Ford. Bên chủ xe chỉ có quyền sử dụng và phải thực hiện việc giữ gìn, bảo quản xe mà không có quyền sở hữu, do đó hành vi hãng xe lấy lại chiếc xe demo không đủ yếu tố để cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản", luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Tính chất của vụ việc cưỡng đoạt điện thoại

Theo những hình ảnh trong video quay lại được chủ xe cung cấp, do có mâu thuẫn với công ty, phía Đồng Nai Ford đã đẩy khách hàng ra khỏi trụ sở. Trong lúc tranh cãi, chị Thủy (vợ anh Dũng) đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh thì bị phía Đồng Nai Ford cho người cưỡng đoạt điện thoại.

Những người này đã khống chế chị Thủy để lấy điện thoại, mặc người phụ nữ phản đối.

Tranh cãi trong buổi làm việc giữa chủ xe Ford Ranger bị lỗi và Đồng Nai Ford trong buổi làm việc ngày 18/11 (Video chủ xe cung cấp).

Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định đây là hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu của chị Thủy. 

Tuy nhiên, ông Tiền cho biết, cần phải làm rõ mục đích của việc cưỡng đoạt điện thoại. Nếu nhóm nhân viên chỉ nhằm mục đích xóa video trong điện thoại thì hành vi này không cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Bởi theo quy định này, người vi phạm phải có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. 

"Do vậy, nếu mục đích hướng đến không phải là chiếm đoạt tài sản của chị Thủy thì không có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự về Tội Cưỡng đoạt tài sản", luật sư nói.

Ngược lại, trường hợp có căn cứ chứng minh việc nhân viên của Đồng Nai Ford khống chế nữ khách hàng là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản và mức phạt mà người này có thể đối diện thấp nhất là bị phạt tù từ 1 - 5 năm; cao nhất là phạt tù đến 20 năm. 

"Lực lượng chức năng cần nhanh chóng xác minh về việc khách hàng tố bị đại lý "thuê giang hồ hành hung", từ đó có những biện pháp xử lý thích hợp", luật sư cho hay.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, trong những tranh chấp về hợp đồng nói chung và vụ việc của chủ xe Đỗ Xuân Dũng nói riêng, các bên thường ưu tiên thỏa thuận, đàm phán để tìm "tiếng nói chung" cũng như phương án tối ưu. 

Nếu việc thỏa thuận không có kết quả, hoặc xét thấy bên còn lại trong hợp đồng có hành vi gây thiệt hại cho mình, người tiêu dùng có thể làm đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để trình bày diễn biến vụ việc, yêu cầu phía bên kia bồi thường và gửi kèm các tài liệu chứng minh thiệt hại. 

Song, theo luật sư, việc khởi kiện tại tòa không phải là phương án tối ưu, vì quá trình nộp đơn khởi kiện đến khi tòa án thụ lý và xét xử mất khá nhiều thời gian và chi phí, chưa kể đến việc khi đã có quyết định tòa án, trong đó yêu cầu phía bên kia phải bồi thường thì quá trình thi hành án cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

Hòa giải bất thành, chủ xe nói sẽ kiện ra tòa

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai, cho biết ngày 5/12, đơn vị đã tổ chức buổi làm việc giữa anh Đỗ Xuân Dũng (40 tuổi) và đại lý Đồng Nai Ford về việc "anh Dũng khiếu nại về chất lượng dịch vụ, sửa chữa xe Ranger Wildtrak".

Ngoài chủ xe Đỗ Xuân Dũng và đại diện Đồng Nai Ford (Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Tân Phát Đạt), buổi làm việc còn có sự tham gia của đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Nai và Cục Quản lý thị trường Đồng Nai.

Chủ xe đã đưa ra một số yêu cầu nhưng không được Đồng Nai Ford chấp nhận toàn bộ. Sau cùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai kết luận "buổi hòa giải không thành công" do hai bên tiến hành trao đổi nhưng chưa thống nhất được các phương án giải quyết.

Trao đổi với PV Dân trí, chủ xe Đỗ Xuân Dũng cho biết sẽ chuyển tiếp hồ sơ khiếu nại lên tòa án và "theo đuổi vụ việc đến cùng".

Trước đó, tài xế Đỗ Xuân Dũng phản ánh đến báo Dân trí về việc đại lý Đồng Nai Ford đã tự ý cập nhật phần mềm 20S10 lên chiếc Ford Ranger phiên bản Wildtrak của anh, dẫn đến việc xe bị hư hỏng hộp số, không thể vận hành từ ngày 22/8. Theo chủ xe, trong quá trình sửa chữa, đại lý đã tự ý tháo thêm 3 chi tiết khác mà chưa được sự đồng ý của khách hàng.

Sau khi xác định chiếc xe hư hỏng hộp số (mã lỗi P0868), Đồng Nai Ford đồng ý cấp xe demo cho anh Dũng cho đến khi hoàn tất bảo hành, sửa chữa và bàn giao xe. Tuy nhiên, khách hàng này cho hay, ngày 26/9, đại lý đã "cho người cưỡng đoạt xe demo" khi đó đang đậu trong Khu công nghiệp Amata (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). 

Anh Dũng nói sau đó đã làm đơn tố giác về hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đồng Nai Ford và gửi lên Công an TP Biên Hòa.

Sau nhiều lần làm việc, chiều 18/11, vợ chồng anh Dũng đến Đồng Nai Ford yêu cầu đại lý có trách nhiệm trong việc bảo dưỡng xe theo những điều khoản hợp đồng đã ký. Tại đây, hai bên đã có những tranh cãi về phương án sửa chữa. Theo anh Dũng, đại lý Đồng Nai Ford đã thuê "giang hồ" hành hung khách hàng, cướp điện thoại và đuổi anh và người nhà ra khỏi trụ sở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm