Volkswagen "soi" mẫu xe Trung Quốc nhái huyền thoại Beetle
(Dân trí) - Dù không còn sản xuất mẫu Beetle từ năm 2019, nhưng Volkswagen cũng không có ý định nhắm mắt làm ngơ khi thiết kế huyền thoại này của mình bị sao chép bất hợp pháp.
Việc ô tô Trung Quốc "mượn" kiểu dáng của các mẫu xe nổi tiếng không còn xa lạ. Từ Porsche Macan cho tới siêu xe McLaren 570S, tất cả đều có hàng nhái từ Trung Quốc. Mới đây nhất là mẫu ORA Punk Cat của hãng Great Wall (ảnh trên) trưng bày tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2021 có hình dáng na ná huyền thoại Volkswagen Beetle.
Đây là mẫu xe 4 cửa chạy hoàn toàn bằng điện, với thiết kế 4 cửa.
Mẫu xe này lập tức khiến Volkswagen chú ý. Nhà sản xuất ô tô Đức cho biết họ đang xem xét vấn đề này và nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp thì Volkswagen sẽ khởi kiện.
Với việc Volkswagen đã đăng ký sở hữu tên gọi e-Beetle vào năm ngoái cho thấy "Con Bọ" huyền thoại có thể sẽ trở lại dưới hình thức xe chạy điện. Volkswagen đã khai tử dòng xe này vào năm 2019 do doanh số thấp, xe không đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải mới...
Luật pháp đứng về phía ai?
Một điều có thể nhận thấy là dù Punk Cat nhái kiểu dáng Beetle, nhưng không phải 100%. Vậy liệu Volkswagen có thể kiện gì? Hồi năm 2018, tạp chí Auto Express đã hỏi một luật sư chuyên về quyền sở hữu trí tuệ rằng liệu có biện pháp nào để các nhà sản xuất ô tô có thể chặn đứng việc các hãng xe Trung Quốc sao chép kiểu dáng.
"Không có một bộ luật quốc tế nào về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng có các thỏa thuận quốc tế, như Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật," luật sư Oliver Tidman của văn phòng luật BRIFFA của Anh trả lời.
"Công ước này yêu cầu các nước phải tôn trọng luật sở hữu trí tuệ của nhau. Luật bản quyền của mỗi nước khác nhau, nhưng nguyên tắc chung thường giống nhau.
Không dễ thắng kiện
Ngay cả khi thấy một công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhái sản phẩm của công ty bạn, thì việc chạy theo các thủ tục pháp lý cũng không đơn giản.
Tuy nhiên, việc này khó chứ không phải không thể được. Một trong những mẫu xe Trung Quốc nhái trắng trợn nhất là Jiangling Land Wind X7, với thiết kế giống Range Rover Evoque.
Land Rover đã bắt đầu theo kiện từ năm 2016, và sau mấy năm "trầy vi tróc vẩy", đến năm 2019, công ty cũng đã thắng kiện. Tòa kết luận rằng 5 mặt quan trọng trong thiết kế của X7 đều sao chép trái phép và khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Kết quả là tòa đã yêu cầu Jiangling phải dừng bán mẫu Land Wind X7 và phải bồi thường cho Jaguar Land Rover. Vì sự việc này, nhà sản xuất ô tô Anh quốc cho biết, giờ đây họ rất thận trọng trong việc giới thiệu các mẫu concept vì có thể một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lại sao chép kiểu dáng ngay và tung xe ra thị trường trước cả JLR.