VinFast được báo châu Á đặt ngang hàng Tesla khi viết về xe chạy điện

Gia Bảo

(Dân trí) - Một bài viết đăng trên trang ASEAN Today đã đánh giá Tesla và VinFast là đang tích cực hỗ trợ cho chiến lược phát triển xe chạy điện ở các nước Đông Nam Á.

Bài viết này có tiêu đề: Đông Nam Á phát triển ngành công nghiệp xe chạy điện với sự trợ giúp từ Tesla và Vingroup.

Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang tìm cách phục hồi kinh tế sau những tác động của đại dịch Covid-19, theo trang ASEAN Today, ngành công nghiệp xe điện và pin xe điện của khu vực dường như đã sẵn sàng "cất cánh".

Dưới đây là phần lược dịch nội dung bài viết:

VinFast được báo châu Á đặt ngang hàng Tesla khi viết về xe chạy điện - 1

Đầu tư nước ngoài vào xe điện vẫn tiếp tục bất chấp đại dịch

Tại Indonesia, ngành công nghiệp xe điện và pin hiện là nguồn thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu, chiếm 70% trong năm 2020, do Indonesia là nước có trữ lượng niken (thành phần chính của pin EV) lớn nhất thế giới, chiếm 23% trữ lượng niken toàn cầu. Với mục tiêu trở thành địa chỉ sản xuất pin xe điện số 1 thế giới, chính phủ Jakarta đã khôi phục lệnh cấm xuất khẩu quặng niken kể từ tháng 1/2020.

Nhà sản xuất xe điện lừng danh thế giới Tesla đang muốn xây dựng một nhà máy sản xuất pin ô tô điện tại Indonesia nhằm cắt giảm chi phí sản xuất. Chính phủ Indonesia chưa công bố chi tiết về đề xuất của Tesla nhưng đã tìm kiếm sự hỗ trợ của công ty để phát triển ngành công nghiệp xe điện của mình. 

"Nếu phía Tesla chỉ muốn mua nguyên liệu thô thì Indonesia không mặn mà. Đề xuất này không chỉ hướng tới nguyên liệu thô." - ông Septian Hario Seto, Phó trưởng Bộ phận điều phối đầu tư và khai thác của Indonesia cho biết.

Tháng 12/2020, Indonesia cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 9,8 tỷ USD với Tập đoàn LG (Hàn Quốc) để sản xuất pin lithium cho xe điện. Đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm tích hợp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất pin. Indonesia cũng có kế hoạch tương tự với Tập đoàn công nghệ CATL (Trung Quốc). Ngoài xuất khẩu, những lô pin đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng trên xe buýt của Jakarta, trong bối cảnh thành phố nỗ lực chuyển sang sử dụng xe điện vào năm 2027.

Tại Thái Lan, Nissan đã đầu tư rất nhiều vào kế hoạch biến "xứ sở chùa Vàng" trở thành trung tâm sản xuất xe điện. Nhà sản xuất Nhật Bản đang hướng tới cuộc cách mạng sạc pin xe, phát triển công nghệ cho phép ô tô điện có thể chạy mà không cần kết nối với trạm sạc, thay vào đó là sạc không dây các nguồn năng lượng sạch như ánh sáng mặt trời, gió, sóng… Do các quốc gia Đông Nam Á có rất ít hoặc không có cơ sở hạ tầng cho xe điện, điều này có thể sẽ tác động rất lớn tới khu vực.

VinFast được báo châu Á đặt ngang hàng Tesla khi viết về xe chạy điện - 2

Mẫu VinFast Lux A 2.0 tại Triển lãm ô tô Paris 2018

Doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu xe điện 

Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu trạm sạc; tuy nhiên, công ty VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết sẽ bắt đầu xuất khẩu xe điện vào tháng 11/2021. 

Tháng 1 vừa qua, VinFast công bố sẽ sản xuất 3 mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) chạy điện để xuất khẩu sang Bắc Mỹ và châu Âu. Cả 3 được cho là sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và ít nhất một phần có thể tự lái.

Trong một thông cáo báo chí, Vingroup nhấn mạnh: "Đây là nền tảng vững chắc để VinFast vươn tới tầm nhìn toàn cầu và trở thành công ty sản xuất xe điện công nghệ cao được ưa chuộng trên thế giới, cũng như phát triển hệ sinh thái giao thông xanh và giảm thiểu khí thải".

Ô tô Trung Quốc tiếp thêm năng lực cho ngành công nghiệp xe điện Thái Lan

Great Wall (GWM) - nhà sản xuất SUV lớn nhất Trung Quốc và là một trong những nhà sản xuất xe bán tải lớn nhất - tuyên bố sẽ tung ra 9 sản phẩm tại Thái Lan trong vòng 3 năm tới, "gần như tất cả" sẽ là xe điện. GWM Thái Lan được thành lập từ năm 2020 và đã bắt đầu sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Rayong mà GWM đã mua lại từ General Motors hồi tháng 2/2020. GWM coi Thái Lan là điểm thâm nhập đầy hứa hẹn, trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong kế hoạch mở rộng hiện diện của hãng tại Đông Nam Á.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu vào năm 2030, 30% sản lượng ô tô do nước này sản xuất lắp ráp, tương đương 750.000 chiếc, sẽ là xe điện. Khoản đầu tư "bạo tay" gần 700 triệu USD của GWM vào Thái Lan được kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, hiện tại, số lượng xe điện lăn bánh tại Thái Lan vẫn còn rất thấp, chỉ hơn 2.000 xe trong năm 2020.

Theo nhiều nhà phân tích, các mục tiêu của chính phủ Thái Lan xung quanh lĩnh vực xe điện vẫn còn nhiều thiếu sót so với những gì cần thiết để có thể tác động tích cực đáng kể đến môi trường hoặc chuyển đổi sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ Thái Lan cũng đã nhận được không ít phản hồi tiêu cực sau khi Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia chi tới 2,7 triệu USD để thuê 7 chiếc Tesla Model 3 làm xe tuần tra.

Mặc dù hiện có rất ít người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện nhưng các công ty Thái Lan đang chuyển hướng tiếp cận rộng rãi đối với các phương tiện giao thông công cộng, bắt đầu sản xuất những chiếc xe tuktuk và phà chạy điện. Xe tuk tuk chạy điện đã trở nên phổ biến ở thành phố Chiang Mai từ hai năm trở lại đây. Công ty khởi nghiệp Power Up TukTuk (Thái Lan) cũng đang chế tạo xe ba bánh chạy điện để những người có vấn đề về di chuyển dễ tiếp cận hơn.

Ông Somchai Chokmaviroj - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và đổi mới của Cơ quan Điện lực Thái Lan nhấn mạnh: "Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2037 sẽ có khoảng 2,5 triệu ô tô EV và để đạt được mục tiêu này, chính phủ phải hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi tư duy và khiến người dân tin tưởng rằng nếu họ sử dụng xe điện sẽ rất an toàn." 

VinFast được báo châu Á đặt ngang hàng Tesla khi viết về xe chạy điện - 3

Chính sách quốc gia

Tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô và chính phủ cho tới nay vẫn chưa sản xuất được xe điện với giá thành đủ rẻ để phục vụ phần lớn người dân. Yếu tố thân thiện với môi trường đòi hỏi mức thu nhập cá nhân khả dụng đáng kể. Ở hầu hết các thị trường Đông Nam Á, giải pháp có thể nằm ở việc các nhà sản xuất tung ra hàng loạt các mẫu xe máy điện.

Theo số liệu của Tổ chức nghiên cứu Pew Research từ năm 2014, hơn 80% hộ gia đình ở Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia sở hữu một chiếc xe gắn máy hoặc xe tay ga. Về tỉ lệ sở hữu ô tô, bức tranh có sự tương phản rõ nét: trong khi hơn 80% hộ gia đình Malaysia sở hữu ô tô, con số này giảm xuống 51% ở Thái Lan, 4% ở Indonesia và 2% tại Việt Nam.

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đang làm việc với khu vực tư nhân tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan để tìm cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe máy điện.

Tại Thái Lan, công ty địa phương Edison đã tung ra một dòng mô tô điện, qua đó phản ánh nhiều khía cạnh trong chiến lược thị trường của Tesla.

Ông Nataphat Lertviriyasawat - Giám đốc điều hành Edison: "Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy xe máy điện (e-bike)  trên đường phố Thái Lan. Đây là lý do tại sao chúng ta bắt đầu thử và tìm hiểu vấn đề này là gì. Tại sao xe máy điện không thể gia nhập thị trường? Chúng tôi đã thu hẹp lại thành 4 vấn đề chính tại thời điểm đó: hiệu suất thấp so với xe chạy bằng xăng, phạm vi hoạt động quá ngắn, thời gian sạc quá lâu và khả năng phục vụ không thiết thực."

Chính phủ Thái Lan cũng đang có kế hoạch khởi động một kế hoạch thương mại  tặng phiếu mua xe ô tô điện trị giá 100.000 baht (76 triệu đồng) cho các chủ xe sử dụng trên 15 năm muốn đổi xe mới, mặc dù kế hoạch này đang bị tạm dừng.

Với những khoản đầu tư lớn như của Tesla vẫn tiếp diễn, Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến bước phát triển của ngành công nghiệp xe điện và pin khi khu vực này vượt qua những tác động kinh tế tiêu cực của dịch Covid-19.