Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam?

Nguyễn Lâm

(Dân trí) - Việc đầu tư nhà máy lắp ráp cần số vốn không nhỏ. Chưa kể, Volkswagen vẫn còn lựa chọn khác là chuyển sang nhập xe từ thị trường có chi phí thấp hơn châu Âu hay Ấn Độ.

Nhắc đến các dòng xe Đức tại Việt Nam, Volkswagen là một cái tên không thể bỏ qua. Hãng định vị thương hiệu ở mức "tiệm cận sang", chưa cao cấp hẳn như Mercedes-Benz hay BMW, nhưng vẫn có vị trí nhất định trong lòng những người dùng.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 1

Dải sản phẩm của Volkswagen Việt Nam đang tập trung vào xe gầm cao, đúng theo xu thế của thị trường (Ảnh: Volkswagen Việt Nam).

Tuy nhiên, các mẫu xe đang được Volkswagen mở bán tại Việt Nam chưa thực sự trở thành lựa chọn của số đông. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu hoặc Ấn Độ, chi phí thuế nhập khẩu cao ảnh hưởng đến giá bán lẻ đề xuất.

Đơn cử như Volkswagen Tiguan. Mẫu xe này cùng cỡ với nhóm SUV/crossover hạng D như Ford Everest, Toyota Fortuner hay Hyundai Santa Fe nhưng có giá bán lẻ đề xuất lên tới 1,999 tỷ đồng, thường xuyên cần chương trình ưu đãi lớn để kích cầu.

Điều này không khỏi khiến nhiều người dùng thắc mắc: Tại sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam?

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 2

Trong tháng 11, Volkswagen Tiguan được giảm tổng cộng 500 triệu đồng tại đại lý, hạ còn 1,499 tỷ đồng, ngang giá niêm yết bản cao nhất của Everest (1,499 tỷ đồng) hay Fortuner (1,47 tỷ đồng (Ảnh: Thắng Dương).

Nhìn vào phân hạng xe sang, Mercedes-Benz nắm giữ phần lớn thị phần nhờ lắp ráp trong nước nhiều sản phẩm, đem lại mức giá hấp dẫn hơn các đối thủ. Để thêm sức cạnh tranh, gần đây, nhiều dòng xe của BMW như 3-Series, 5-Series hay X3 cũng được Thaco chuyển từ nhập khẩu châu Âu sang lắp ráp.

Sự chuyển đổi này giúp giá bán của các mẫu xe kể trên hạ tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí còn rẻ hơn cả Mercedes-Benz C-Class, E-Class và GLC. Tuy BMW không công bố doanh số, nhưng theo chia sẻ của tư vấn bán hàng, tình hình kinh doanh có cải thiện rõ rệt.

Thị phần còn nhỏ

Có thể thấy việc chuyển sang lắp ráp trong nước sẽ đem lại cho các hãng xe sự chủ động và linh hoạt trong việc chốt giá. Đồng thời, nguồn cung dư dả hơn cũng sẽ tạo điều kiện cho đại lý áp dụng các chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhằm thu hút sự quan tâm của người dùng.

Thế nhưng, việc xây dựng nhà máy, hệ thống dây chuyền lắp ráp và trang bị máy móc hiện đại cần đến số vốn đầu tư không hề nhỏ. Đứng trên góc độ kinh doanh, đây là nước đi mang tính "đánh bạc" nếu phản ứng của thị trường chưa đủ tốt.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 3

Gần đây, Tập đoàn Geleximco và Omoda & Jaecoo (thuộc hãng xe Chery, Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng hợp tác, dự kiến xây dựng nhà máy lắp ráp tại Thái Bình (Ảnh: Hồ Sỹ Quang).

Trường hợp của Volkswagen tại Việt Nam cũng vậy. Dù các sản phẩm được đánh giá cao, nhưng với mức giá lên tới 2 tỷ đồng, người dùng có nhiều lựa chọn khác.

Nếu không lắp ráp, hãng xe Đức vẫn còn một hướng đi có thể giúp hạ giá bán so với hiện tại. Đó chính là chuyển sang nhập khẩu xe từ một thị trường khác có chi phí "mềm" hơn châu Âu hay Ấn Độ.

Có sẵn hệ thống nhà máy dày đặc, đạt chuẩn toàn cầu tại Trung Quốc

Giải pháp cho vấn đề trên có thể nằm ở Trung Quốc. Cuối năm nay, Volkswagen Việt Nam sẽ giới thiệu một sản phẩm hoàn toàn mới là mẫu MPV Viloran, nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, và tất nhiên, đây sẽ không phải là mẫu xe duy nhất được hãng xe Đức đem về nước láng giềng Việt Nam.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 4

Volkswagen Viloran có giá dự kiến từ 1,9 tỷ đồng, nằm ở giữa xe sang (Mercedes-Benz V-Class) và xe phổ thông (Kia Carnival, Hyundai Custin) (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Volkswagen, nơi đã bàn giao 2,4 triệu xe vào năm 2021. Tính đến nay, Tập đoàn Volkswagen tại Trung Quốc đã thành lập 33 nhà máy, chiếm 1/4 tổng số nhà máy của hãng trên toàn thế giới.

Viloran nhập về Việt Nam được lắp ráp tại nhà máy Ninh Ba, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, theo tiêu chuẩn toàn cầu của Volkswagen. Đây cũng là nơi xuất khẩu Viloran ra nhiều thị trường như: Nga, Australia, Qatar, Oman, Israel, Palestine, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Đài Loan…

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 5

Viloran là sản phẩm của liên doanh SAIC và Volkswagen, lần đầu được ra mắt thế giới vào năm 2020 (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Nhà máy Ninh Ba là chi nhánh lớn nhất được liên doanh SAIC Volkswagen xây dựng bên ngoài Thượng Hải (trụ sở chính), bắt đầu xây dựng từ ngày 7/1/2012 và chỉ mất 22 tháng để hoàn thiện. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn đầu là 11,759 tỷ nhân dân tệ, tương đương với mức đầu tư xây dựng cầu vượt biển Vịnh Hàng Châu.

Đến năm 2014, nhà máy này được mở rộng với tổng vốn đầu tư lên đến 19,06 tỷ nhân dân tệ. Hiện tại, nhà máy Ninh Ba có diện tích 2,62 triệu mét vuông, với tổng diện tích xây dựng là 920.000 mét vuông, có thể sản xuất 600.000 xe mỗi năm.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 6

Nhà máy Ninh Ba được xây dựng theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa của hãng xe Đức, sản xuất nhiều thương hiệu như Volkswagen và Audi. Các sản phẩm xuất xưởng có thể kể đến: Teramont, Teramont X, Viloran và Tharu (Ảnh: Volkswagen).

Nhà máy Ninh Ba có 4 xưởng chính: dập, thân xe, sơn và cuối cùng là lắp ráp. Ngoài ra, nơi đây còn được trang bị trung tâm công nghệ, trung tâm năng lượng, trung tâm đào tạo, trung tâm trưng bày, trung tâm hoạt động nhân viên…

Phía Tây của nhà máy là trung tâm vận chuyển phương tiện, có diện tích 750.000 mét vuông, thuộc hàng lớn nhất ở miền Đông Trung Quốc và có thể đỗ khoảng 20.000 xe. Tất cả các xe do nhà máy Ninh Ba sản xuất sẽ được tập hợp tại đây và vận chuyển đi các nơi cũng như xuất khẩu.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 7

Dây chuyền máy ép tốc độ cao tại nhà máy Ninh Ba được trang bị hệ thống BDE, điều khiển thông minh toàn bộ quá trình sản xuất và được kết nối mạng, số hóa. Trung bình mỗi phút có thể sản xuất 18 thành phẩm (Ảnh: Volkswagen).

Xưởng chế tạo thân xe có diện tích khoảng 120.000 mét vuông và áp dụng công nghệ nền tảng MQB mới nhất của Volkswagen. Tần suất sản xuất của xưởng là 51 giây, với tổng số hơn 1.100 robot. Đây hiện là xưởng thân xe có số lượng robot lớn nhất và tỷ lệ tự động hóa xưởng là 78%.

Khu vực lắp ráp có 4 dây chuyền sản xuất với hệ thống robot dẫn hướng được sử dụng để định vị các vị trí lắp đặt phần trần xe. Hệ thống này sử dụng các cảm biến quang điện, có khả năng đo nhanh, độ lặp lại cao và ít bị ảnh hưởng bởi ánh sáng bên ngoài.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 8

Trạm làm việc này có thể đảm nhiệm việc sản xuất dây chuyền 3 mẫu ô tô và 8 bộ trần xe với các cấu hình khác nhau cùng lúc (Ảnh: Volkswagen).

Có 4 dây chuyền chuẩn bị lắp ráp, gồm: mô-đun dụng cụ, mô-đun nắp, mô-đun bốn cửa và mô-đun khung gầm. Trong dây chuyền chuẩn bị sẽ lắp đặt 4 bộ phận của hệ thống khung gầm chính: hộp số, hệ truyền động, hệ thống lái và hệ thống phanh để tạo thành cụm mô-đun khung gầm.

Sau đó, mô-đun khung gầm được vận chuyển đến trạm lắp ráp thông qua một thang máy, nơi khung và thân xe được lắp ráp lại với nhau. Có tới 35 súng siết có độ chính xác cao được sử dụng trong toàn bộ quá trình, siết chặt tổng cộng 52 bu-lông.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 9

Dây chuyền lắp ráp hệ thống khung gầm của Volkswagen (Ảnh: Volkswagen).

Một trong những điểm nổi bật về kỹ thuật của nhà máy Ninh Ba là công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến. Các thông tin khác nhau sẽ được đăng ký trong chip RFID, bao gồm kiểu dáng, cấu hình...

Khi con chip đi qua đầu đọc mã phía trên dây chuyền sản xuất, hệ thống sẽ tự động nhận dạng thông tin và kích hoạt các chương trình khác nhau hoạt động.

Vì sao Volkswagen không có nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam? - 10

Khu vực kiểm tra lại và hoàn thiện (Ảnh: Volkswagen).

Thách thức và cơ hội

Do những trải nghiệm không ổn trong quá khứ, người dùng Việt thường e ngại về chất lượng với những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhiều khách hàng đã mở lòng hơn với những mẫu xe đến từ thị trường này.

Do đó, Volkswagen sẽ gặp thách thức không nhỏ khi đem Viloran về Việt Nam, nhưng ngược lại đây cũng là cơ hội. Nếu mẫu MPV này được đón nhận, hãng sẽ đem về nhiều sản phẩm từ Trung Quốc hơn, giúp giá bán dễ chịu hơn so với xe nhập khẩu từ châu Âu hay Ấn Độ, từ đó có khả năng mở rộng thị phần.

Nhìn vào nhà máy Ninh Ba nơi sản xuất Viloran, việc tỷ lệ tự động hóa cao và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại hứa hẹn sản phẩm có chất lượng cao do ít có sai số. Thương hiệu Đức lâu đời cũng có thể xem là yếu tố bảo chứng cho chất lượng nhưng vẫn cần trải nghiệm thực tế để đánh giá.