Vì sao Fiat có thể không vui khi GM bán Opel?
(Dân trí) - Với kế hoạch rút hoàn toàn khỏi thị trường châu Âu, General Motors (GM) đang trong quá trình đàm phán bán thương hiệu Opel cho Tập đoàn PSA - Peugeot Citroen Automobile.
Đại diện của cả hai hãng xe đã xác nhận thông tin này. Nếu thành công, thương vụ này sẽ có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp xe hơi châu Âu.
Có thể nói Opel chính là quân bài chủ chốt của GM tại thị trường châu Âu kể từ khi tập đoàn ô tô Mỹ mua thương hiệu này vào năm 1929. Bên cạnh đó, Opel còn sở hữu một thương hiệu khá lớn tại Anh là Vauxhall.
Việc bán đi Opel cho thấy GM đang nghiêm túc cân nhắc việc rút khỏi thị trường châu Âu. Cả GM và PSA đều không tiết lộ việc đàm phán đã tới đâu, nhưng khẳng định đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của hai bên.
PSA đang sở hữu ba thương hiệu Peugeot, Citroen và DS. Tập đoàn hiện cũng nắm giữ cổ phần tại GM. Với PSA, việc mua lại Opel sẽ là một bước tiến lớn trong kế hoạch mở rộng thị trường tại thị trường châu Âu và là đối trọng với các nhà sản xuất Đức.
Cũng chính vì vậy, theo các nhà phân tích, nếu giao dịch này thành công, các hãng ô tô khác tại châu Âu sẽ cần phải dè chừng.
Vài năm trước, chủ tịch Sergio Marchionne của Fiat Chrysler Automobiles (FCA) từng muốn sáp nhập Fiat với GM. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại và FCA có thể bị ảnh hưởng lớn nếu thỏa thuận giữa GM và PSA thành hiện thực. Lý do là khi đó, Volkswagen, PSA và Renault-Nissan sẽ kiểm soát 54% thị trường ô tô châu Âu; trong khi đó, thị phần của Fiat hiện chỉ ở mức 6,6%.
Thị phần nhỏ làm giảm cơ hội hợp tác của Fiat với các hãng ô tô lớn. Thống kê năm 2016 cho thấy, dù tăng trưởng 7% ở thị trường nội địa nhưng tỷ suất lợi nhuận của FCA ở châu Âu chỉ đạt 2,5%. Ngoài ra, Fiat còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi có mức phát thải khí CO2 cao nhất trong số các nhà sản xuất xe hơi ở Đức. Các nhà phân tích cho rằng Fiat có thể sẽ không đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí CO2 phát thải trung bình xuống 95 g/km vào năm 2021 nếu không có những thay đổi mạnh mẽ và đầu tư hiệu quả.
Do đó, có thể nói, Fiat đang đứng trước những khó khăn rất lớn khi phải tồn tại “đơn thương độc mã”. Hiện mức dư nợ sản xuất của Fiat lên đến 4,87 tỷ USD. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai, đặc biệt là với kế hoạch sản phẩm mới rầm rộ của hãng.
Khánh Duy
Theo Carscoops