Vì sao Ferrari từ chối bán xe cho một tỷ phú?
(Dân trí) - Dù đã có một bộ sưu tập siêu xe đáng nể, quan hệ tốt với đại lý, nhưng một tỷ phú ngành đồng hồ và trang sức vẫn bị Ferrari từ chối bán siêu xe LaFerrari Aperta. Lý do là gì?
Tỷ phú David Lee sở hữu một gara đầy xe Ferrari, tổng trị giá khoảng 50 triệu USD, trong đó có nhiều chiếc mua trực tiếp từ nhà máy. Ông cũng có quan hệ tốt với một đại lý Ferrari lớn và vừa đặt mua 4 chiếc Ferrari mới để gây ấn tượng với hãng. Những tưởng như vậy đủ để tên ông được hãng đưa vào danh sách các nhà sưu tập VIP được quyền mua một chiếc LaFerrari Aperta mui trần.
Tuy nhiên, bất ngờ là Ferrari đã từ chối bán siêu xe này cho ông.
Siêu xe LaFerrari Aperta phiên bản mui trần sử dụng động vơ V12, có giá bán 2,2 triệu USD tại Mỹ, và chỉ có 200 chiếc được sản xuất.
Ferrari rất biết cách làm hình ảnh, gợi sự thèm muốn ở khách hàng. Hãng không chạy theo mốt làm SUV giống như Lamborghini hay Bentley; cũng không bán siêu xe giá rẻ, như Aston Martin hay Maserati. Dù cấp phép cho các hãng gắn logo của mình lên áo phông, đeo chìa khoá và các sản phẩm bình dân khác, nhưng Ferrari luôn tìm cách đảm bảo độ "hiếm" cho xe của hãng.
Không phải tất cả xe Ferrari đều đắt "choáng váng", nhưng ngay cả những mẫu xe thông thường, không hạn chế số lượng cũng không rẻ. Mẫu xe rẻ nhất của hãng hiện nay là California T, giá khoảng 210.000 USD.
Bằng việc thỉng thoảng lại ra một phiên bản đặc biệt, hạn chế số lượng, với giá bán "cắt cổ", Ferrari đánh trúng tâm lý thích chơi đồ độc và hiếm của nhiều tỷ phú. Công thức này được hãng áp dụng từ lâu và đến nay vẫn thành công.
Năm ngoái, Ferrari chỉ bán ra 8.014 xe trên toàn thế giới, nhưng có doanh thu thuần lên tới 3,4 tỷ USD từ việc bán xe, linh kiện phụ tùng và các sản phẩm khác có liên quan. Cung thấp hơn cầu, Ferrari có quyền chọn khách mua xe. Với các phiên bản đặc biệt, hạn chế số lượng, Ferrari không bán cho khách hàng lần đầu mua xe của hãng. Muốn mua loại này, trước đó, khách phải có ít nhất vài chiếc Ferrari trong gara.
Bộ sưu tập siêu xe Ferrari của tỷ phú David Lee
Vậy mà, dù sở hữu một bộ sưu tập xe Ferrari đáng nể, tỷ phú David Lee vẫn nhiều lần bị Ferrari từ chối bán cho một chiếc Aperta và không nêu rõ lý do, mà chỉ lịch sự trả lời rằng ông Lee là một khách hàng đáng quý.
Một số người hiểu chuyện cho rằng Ferrari không thích kiểu phô trương của ông Lee, dù việc ông thường xuyên khoe bộ sưu tập siêu xe của mình lên mạng đã quảng bá hình ảnh thương hiệu. Đơn giản là hãng xe Italy không thích kiểu đó.
“Ferrari không thích sự nổi tiếng mà ông ấy tạo ra,” một nguồn tin thân cận với Ferrari cho biết. "Họ ghét sự ồn ào trong khi ông ấy lại thích ồn ào, gây chú ý.”
Nhà sưu tập kiêm thành viên Bảo tàng ô tô Petersen - ông Bruce Meyer tỏ ra hoàn toàn thấu hiểu nỗ lực không ngừng của Ferrari trong suốt chiều dài lịch sử hãng nhằm giữ thế chủ động.
“Họ luôn cố gắng bán xe cho đúng người, và họ đã rất thành công trong việc xây dựng và duy trì một thương hiệu "hiếm",” ông Meyer nói. Bản thân ông sở hữu rất nhiều siêu xe Ferrari có giá trị cao.
Nhiều ý kiến cho rằng chính việc tỷ phú David Lee cố gắng gây ấn tượng với Ferrari bằng một chiến dịch ồn ào đã phản lại ông.
Trên Instagram, ông Lee gần như ngày nào cũng đăng ảnh siêu xe, đồng hồ và rượu mà mình sở hữu, cùng với hình ảnh những chuyến du lịch xa xỉ. Tài khoản của ông có hơn 715.000 người theo dõi (follower).
Các cố vấn khuyên tỷ phú David Lee nên giảm bớt hoạt động trên mạng xã hội, nhưng ông không nghe.
Ông cho rằng tình yêu của mình dành cho Ferrari và niềm vui ông có được từ việc chia sẻ bộ sưu tập đặc biệt của mình với mọi người chẳng làm hại gì đến thương hiệu, mà còn có lợi trong tương lai. "Tôi không thể chấp nhận việc Ferrari cho rằng đó là khoe khoang,” ông Lee nói.
Người cha quá cố của ông - Hing Wa Lee mới là người đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động sản xuất và kinh doanh đồ trang sức của gia đình, với xuất phát điểm chỉ là một nhà chế tác ngọc thạch ở Hồng Kông và di cư sang Mỹ vào thập niên 70.
Nhưng David Lee mới là người biến công ty gia đình này thành một đế chế hùng mạnh, cho ra đời công ty trang sức Hing Wa Lee Jewelers chuyên bán lẻ đồng hồ và trang sức. Gần đây, tạp chí Forbes định giá tài sản của gia đình ông là khoảng 300 triệu USD.
Dù sở hữu nhiều loại siêu xe khác nhau, từ Porsche Speedster cổ, Rolls-Royce và cả Pagani Huayra, nhưng ông Lee vẫn thích siêu xe Ferrari nhất.
“Tôi muốn ngày nào cũng lái xe Ferrari," ông Lee nói.
Từng bị Ferrari từ chối bán xe LaFerrari giá 1,4 triệu USD, ông Lee đã tìm cách mua xe "đã qua sử dụng". Và ông đã lách được quy định cấm bán xe trong vòng 18 tháng mới mua của Ferrari.
Một chủ xe nằm trong danh sách khách hàng được quyền mua xe LaFerrari ở Bắc Mỹ chuẩn bị ly hôn, không muốn đưa một chiếc xe chưa được bàn giao vào thoả thuận chia tài sản, nên đã chuyển nhượng chiếc xe "còn đang trong nhà máy" cho ông Lee nhưng chưa làm thủ tục sang tên nên về hình thức là không vi phạm quy định hạn chế chuyển nhượng của Ferrari.
Ông Lee thừa nhận rằng đã trả nhiều hơn mức 1,4 triệu USD niêm yết của công ty, nhưng khẳng định rằng giờ đây giá trị xe đã cao hơn mức ông bỏ ra rồi.
"Gía xe trên thị trường hiện nay là 4 triệu USD," ông nói. "Khoản đầu tư của tôi thật ấn tượng."
Tuy nhiên, người của Ferrari đã nhìn thấy ông lái chiếc xe này đến một sự kiện ở Pebble Beach và không mấy hài lòng. Họ đã buộc ông phải cam kết không bán xe trong ít nhất 18 tháng.
Dù Ferrari không vui, tỷ phú Lee cho biết ông sẽ vẫn khoe siêu xe trên mạng và lái chúng ra đường bất cứ khi nào ông thích. "Tôi thấy việc các nhà sưu tập giấu kín xe trong gara và không bao giờ lái chúng ra đường thật tệ. Đó mới là điều đáng hổ thẹn,” ông nói.
Nhật Minh
Theo Los Angeles Times