Trái khoáy quy định ô tô phải có bình chữa cháy

Ô tô xuất xưởng đến tay người tiêu dùng được xem là một sản phẩm đảm bảo mọi yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, kể cả chống cháy, nổ. Tuy nhiên, Bộ Công an mới yêu cầu thêm: Các phương tiện lưu thông phải có bình cứu hỏa. Một quy định được cho là trái khoáy từ cơ sở pháp lý ban hành cho đến thực tiễn áp dụng.

Thêm “việc” cho CSGT

Anh N.C Hoàng (Cầu Giấy- Hà Nội), người đang sở hữu chiếc xe Huyndai Getz cho hay: Quy định ô tô phải có bình chữa cháy của cơ quan chức năng là điều có thể hiểu được sau một loạt vụ cháy nổ mấy năm qua. 

“Điều này nghe qua sẽ cảm thấy quy định làm tăng thêm tính an toàn cho xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, nếu tính kỹ, thực tế chưa hẳn đã vậy”, anh Hoàng băn khoăn. Anh giải thích thêm, bình chữa cháy bản thân là một bình có áp suất và phải cố định để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi bình này để trên xe di chuyển sẽ tạo rung lắc, bình sẽ chịu tác động ngoại lực, gây nguy hiểm.

Cùng quan điểm, anh Thắng (Hai Bà Trưng), chủ chiếc Toyota Fortuner cho biết, cá nhân đã trang bị bình chữa cháy sau nhiều vụ cháy xe trước đây. Tuy nhiên, anh tỏ ra lo lắng vì khả năng bình phát nổ do để trong xe dưới trời nắng nóng mùa hè. Trên diễn đàn ô tô xe máy otofun từng nêu hiện tượng nổ bình chữa cháy trong xe. 

Các chủ xe băn khoăn với bình chữa cháy để trong xe. Ảnh: Đức Huy.
Các chủ xe băn khoăn với bình chữa cháy để trong xe. Ảnh: Đức Huy.

“Xe đỗ trước nhà, bình chữa cháy tự nhiên phát nổ làm phía sau xe hư hỏng khá nhiều”, một thành viên diễn đàn này kể. Công ty bảo hiểm biết được nguyên nhân nổ do bình cứu hỏa đã không đền bù, hãng xe cũng không đền vì cho rằng lỗi tại người tiêu dùng (để bình chữa cháy tại khu vực nóng nhiều ánh sáng).

Một chuyên gia chăm sóc, an toàn ô tô nói: Về nguyên tắc, bình chữa cháy phải được bảo quản ở nhiệt độ dưới 40 độ C. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, đặc biệt vào mùa hè, nhiệt độ xe để ngoài trời có lúc lên tới 80 độ C, nguy cơ bình cứu hỏa tự nổ rất lớn. “Người tiêu dùng lại có thói quen mua bình trôi nổi trên thị trường, tính an toàn lại không được đảm bảo. Có bình trong xe lại dễ dẫn tới nguy cơ cháy nổ nhiều hơn là không có”, vị này cho biết.

Trước đó, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 57 (2015) hướng dẫn trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với ô tô từ 4 chỗ trở lên và một số phương tiện khác. Theo đó, ô tô phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg. 

Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành sẽ bị xử phạt theo Nghị định 167 (2013) với mức phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và chủ tịch UBND cấp xã, phường. Thông tư có hiệu lực từ 6/1/2016.

Đi ngược xu thế hội nhập?

Khi Thông tư 57 của Bộ Công an còn là dự thảo, cơ quan quản lý nhà nước phụ trách về chất lượng xe cơ giới đã có ý kiến không đồng tình. 

Cụ thể, trong văn bản tham gia ý kiến cho dự thảo, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an xem xét lại cơ sở pháp lý dự thảo. Trong công văn số 13422 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ: Đề nghị xem xét thêm đối với thẩm quyền ban hành. Việc ban hành thông tư của Bộ Công an hay thông tư liên tịch cần căn cứ theo pháp luật về giao thông đường bộ và phòng cháy chữa cháy. 

Cụ thể, công văn nêu rõ: “Theo khoản 5 Điều 53 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ trưởng GTVT quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông, trừ xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh”.

Bộ GTVT cũng cho rằng, những vấn đề yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới tham gia giao thông tại nước ta hiện nay (trong đó có quy định về thiết bị phòng cháy chữa cháy) đã được quy định cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau. 

Điển hình các văn bản, như: Quy chế kỹ thuật quốc gia, Thông tư số 10 (2009) của Bộ GTVT. Ngoài ra, hiện xe cơ giới đã được kiểm soát chất lượng ngay khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, trong đó có yêu cầu đối với kỹ thuật trong phòng cháy chữa cháy, sử dụng vật liệu có khả năng chống cháy.

Chưa hết, Bộ GTVT từng đề nghị nghiên cứu không áp dụng quy định của thông tư đối với xe nhập mà tại các quốc gia sản xuất không có quy định phải có phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Lý do là Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, trong đó có quy định cho phép nhập khẩu các xe cơ giới đã được kiểm tra, chứng nhận. 

Ngoài ra, việc lắp đặt thêm phương tiện phòng cháy và chữa cháy lên các xe không có sẵn vị trí lắp đặt có thể ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái xe, an toàn của người đi trên xe hoặc không đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy.

Trên thế giới, chỉ một số ít quốc gia quy định ô tô phải có bình chữa cháy và chủ yếu tại các nước châu Phi: Nam Phi, Nigeria, Kenya,… Các nước này cũng chỉ áp dụng đối với với các phương tiện công cộng.

Theo Tuấn Đức

Tiền Phong