Toyota và lối đi riêng hướng đến tương lai xanh
(Dân trí) - Khi hầu hết các hãng xe đặt cược tương lai của mình vào xe điện chạy bằng pin, Toyota xem đây là một trong nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu giảm phát thải carbon về 0.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 26 triệu ô tô điện đang lưu thông trên các con đường toàn cầu vào năm 2022, tăng 60% so với năm 2021. Doanh số bán xe điện toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc.
Các chính trị gia tại nhiều nước, nhất là châu Âu kêu gọi loại bỏ ôtô xăng, dầu vì cho rằng xe điện mang những lợi ích ưu việt hơn cho môi trường. Nhưng điều đó chỉ tồn tại khi khía cạnh lượng carbon tạo ra từ quá trình sản xuất điện năng không được tính đến.
Những tập đoàn lớn hàng đầu ngành ô tô như General Motors, Stellantis, Volkswagen… cho biết sẽ loại bỏ xe dùng động cơ đốt trong trong danh mục sản phẩm từ 2035 hoặc sớm hơn.
Trong khi đó, Toyota là số ít thương hiệu đứng ngoài làn sóng ngưng sản xuất ô tô xăng, dầu để dồn toàn lực cho xe điện chạy pin (BEV). Nhưng điều này không đồng nghĩa tập đoàn ô tô lớn nhất Nhật Bản thờ ơ với xe điện.
Chiến lược của Toyota và hãng con Lexus là bán khoảng 3,5 triệu xe điện tính đến hết 2030. Từ nay đến mốc thời gian ấy, hãng sẽ giới thiệu tổng cộng 30 mẫu xe điện mới chạy pin.
Toyota cho biết hãng cũng đang phát triển loại pin thể rắn với khả năng sạc đầy trong 10 phút, con số được xem là cách mạng của ngành xe điện hiện nay. Công nghệ chế tạo pin này được hãng kỳ vọng ứng dụng thương mại sớm nhất vào năm 2027.
Nhưng với Toyota, xe điện không phải là giải pháp duy nhất cho tương lai không phát thải.
"Kẻ thù là carbon, không phải động cơ đốt trong, v. Đây là cách để hướng đến mục tiêu trung hòa carbon đầy thách thức của tương lai", ông Akio Toyoda, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ô tô Toyota nói.
Toyota chọn con đường đi đến mục tiêu trung hòa carbon là định hướng tiếp cận đa chiều.
Vì vậy, hãng xe Nhật phát triển nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, bao gồm: xe điện chạy bằng pin, sạc ngoài (BEV) hoặc pin nhiên liệu (FCEV); xe chạy bằng hydro; xe hybrid.
Hồi tháng 4, S&P Global cho biết nhu cầu lithium để sản xuất pin xe điện toàn cầu sẽ vượt khoảng 3% so với sản lượng lithium có thể cung ứng trong 2023. Albemarle cho biết dự kiến nhu cầu lithium toàn cầu sẽ vượt quá nguồn cung 500.000 tấn vào năm 2030.
Những điều này cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều vào một công nghệ, cũng như đòi hỏi lượng lớn nguyên liệu thô khai thác ào ạt, có thể dẫn đến khủng hoảng về nguồn cung pin cũng như tác động xấu đến môi trường.
Căn cứ vào điều kiện tại Việt Nam, bên cạnh đẩy mạnh phát triển xe hybrid, hãng còn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các xe động cơ đốt trong (ICE) bằng nghiên cứu nhiên liệu sinh học mới.
Khi hạ tầng trạm sạc vẫn còn nhiều hạn chế, hãng chọn giải pháp xe hybrid để phù hợp với điều kiện sử dụng thực tế của người Việt. Xe hybrid vận hành như xe xăng nhưng giảm phát thải nhờ sử dụng kết hợp động cơ xăng và điện, nhất là không cần sạc điện từ bên ngoài. Tính đến tháng 5/2023, 6.621 xe hybrid được trao đến tay khách hàng.
Toyota Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu nhiên liệu sinh học mới để cải thiện hơn mức độ giảm phát thải. Theo đó, hãng kết hợp với các chuyên gia của Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn triển khai dự án nghiên cứu hiệu quả ứng dụng nhiên liệu sinh học đối với phương tiện giao thông tại Việt Nam. Dự kiến, kết quả dự án giai đoạn 1 sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2023.
Theo Toyota Việt Nam, một mẫu xe không phát thải và được gọi là xe "xanh" chỉ khi toàn bộ vòng đời xe, từ khi sản xuất đến sử dụng và tái chế đều có lượng carbon thải ra bằng 0. Vì thế, ngoài công nghệ, con người cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình tạo ra tương lai không phát thải.
Hoạt động trồng cây xanh, cùng các em học sinh tạo dựng không gian sống thân thiện với môi trường, tái chế lốp xe đã qua sử dụng thành sân chơi cho trẻ em được triển khai nhiều năm qua, cũng có thể xem là một trong những nỗ lực cho điều đó.
Tính đến năm 2022, 95% đại lý và 100% nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn ISO về bảo vệ môi trường. Với việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, các đại lý Toyota đã chung tay cắt giảm tổng lượng điện đạt 1,214,960 kWh, tương đương giảm thiểu 437,386 tấn CO2.
Cũng trong năm này, hệ thống nhà cung cấp đã chung tay giảm thiểu 6.462 tấn CO2. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, giảm chất thải, giảm nước thải cũng được đề xuất, đóng góp vào sự nghiệp hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.