"Toyota đã chứng minh tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa của hãng là đúng đắn"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Đó là nhận định của Chủ tịch Toyota Akio Toyoda khi hãng không đặt cược hoàn toàn vào xe thuần điện mà chọn cách tiếp cận đa hướng, phát triển nhiều giải pháp xe điện hóa để cung cấp khả năng di chuyển xanh cho khách hàng.

Nhiều hãng xe thuần điện rút lui hoặc cắt giảm sản xuất khi cung vượt cầu

Năm 2021, thế giới chứng kiến sự leo thang của giá nhiên liệu, trong đó tại Việt Nam ghi nhận giá xăng đã có 16 lần tăng, đẩy giá bán lẻ xăng dầu trong nước cao hơn 41% so với cuối năm 2020. Tình trạng ấm lên toàn cầu cũng là áp lực kép đặt ra yêu cầu phải giảm lượng phát thải CO2.

Khi ấy, tất cả đều nói về xe thuần điện như một xu hướng tất yếu cho tương lai nhằm giảm sự lệ thuộc vào tài nguyên hóa thạch và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nhanh, bước sang 2023, thị trường xe thuần điện có dấu hiệu trầm lắng hơn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu với xe thuần điện cũng hạ nhiệt khi lượng tồn kho tăng cao và nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng, giảm giá nhằm tìm kiếm khách hàng.

Nhiều startup xe điện thông báo dừng hoạt động hoặc phải đóng cửa sau khi "đốt" hàng tỷ USD. Trong năm qua, một loạt startup xe điện như Evergrande, Aiways và Niutron phải đóng cửa nhà máy hoặc dừng nhận đơn hàng mới. Trong khi đó, WM Motor hay Byton với hậu thuẫn của nhiều "ông lớn" có tiềm lực tài chính mạnh cũng nộp đơn xin phá sản.

Trên thế giới, gần đây Honda và MG cũng dừng hợp tác trong kế hoạch phát triển xe điện. Sau khi báo lỗ 1,3 tỷ USD trong quý III, Ford thông báo cắt giảm sản xuất xe điện Mustang Match-E và F-150 Lighting, đồng thời trì hoãn việc mở nhà máy sản xuất pin ở Mỹ. Lý do được Ford đưa ra là để "cân bằng hợp lý tốc độ đầu tư xe điện với tốc độ nhu cầu của khách hàng" mà hiểu đơn giản thì đó là cung vượt quá cầu.

Toyota: Từ bị chỉ trích đến sự công nhận của thế giới

Khi người người, nhà nhà nói về xe thuần điện, cả thế giới cho rằng tương lai của di chuyển là xe thuần điện thì Toyota với vị thế của hãng xe hàng đầu thế giới lại không đánh cược tất cả vào đó. Thậm chí đã có những bình luận hay nhận định cho rằng hãng xe Nhật Bản già cỗi, chậm chân, khi Toyota không cuốn theo vòng xoáy này.

Để rồi trong năm 2023, khi nhiều hãng phải chật vật "sửa sai" bằng những quyết định từng được coi là đột phá khi dồn lực cho xe điện thì Toyota lại có phần bình thản.

Toyota đã chứng minh tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa của hãng là đúng đắn - 1
Chủ tịch Akio Toyoda cho rằng, Toyota đã chứng minh tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa của hãng là đúng đắn khi không đặt cược hoàn toàn vào xe điện (Ảnh: Toyota).

Trong khuôn khổ Triển lãm Japan Mobility Show (JMS) 2023 được tổ chức cuối tháng 10, khi được hỏi về những thách thức đối với xe điện trong tương lai, chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã nói rằng: "Mọi người cuối cùng cũng nhận ra thực tế". Câu trả lời ngắn gọn nhưng lại cho thấy tầm nhìn đúng đắn và tầm vóc của hãng xe Nhật Bản trong việc định hình ngành công nghiệp di chuyển.

Thực tế, Toyota không "tất tay" vào xe điện không có nghĩa là hãng đứng ngoài sân chơi này. Thậm chí Toyota là thương hiệu ô tô được xếp hạng tốt nhất toàn cầu năm 2023 theo Interbrands, rất tích cực trong việc hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Tuy nhiên, Toyota chọn cách tiếp cận của một "ông lớn" thay vì chạy theo trào lưu và đến nay thế giới đã nhận thấy sự đúng đắn của hãng.

"Có nhiều cách trèo lên ngọn núi để đạt mục tiêu trung hòa carbon", ông Akio Toyoda nói về hướng đi của hãng với giới truyền thông. Điều này được cụ thể hóa bằng chiến lược tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa ô tô. Trong đó, Toyota nghiên cứu, phát triển và kinh doanh nhiều giải pháp xe điện hóa, bao gồm xe thuần điện (BEV), xe điện dùng pin nhiên liệu (FCEV), xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), xe nhiên liệu hydro (H2)… Toyota đã chứng minh cho thế giới thấy rằng xe điện không phải cách duy nhất để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Lựa chọn nào cho mục tiêu trung hòa carbon tại Việt Nam?

Với đặc thù là quốc gia đang phát triển, hạ tầng giao thông nói riêng còn hạn chế, Toyota Việt Nam đã sớm bắt tay vào mục tiêu trung hòa carbon thông qua việc phổ cập các dòng xe hybrid.

Toyota đã chứng minh tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa của hãng là đúng đắn - 2
Toyota hybrid được khách hàng Việt ưa chuộng (Ảnh: Toyota).

Corolla Cross hybrid ra mắt vào tháng 8/2020 đã khai mở thị trường "xe lai" tại Việt Nam, tiếp đó là Camry hybrid và Corolla hybrid. Nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, trong tháng 9 vừa qua, hãng đã giới thiệu Yaris Cross hybrid thuộc phân khúc xe gầm cao đô thị, Innova Cross hybrid ra mắt trong tháng 10, Alphard hybrid được giới thiệu vào tháng 11 đã đánh dấu bước ngoặt của Toyota Việt Nam trong cuộc cách mạng xe xanh.

Tính đến tháng 10/2023, doanh số tích lũy xe Toyota hybrid đã đạt mốc 7.347 chiếc. Sự tiên phong của thương hiệu Nhật Bản cũng kéo các đối thủ tham gia vào cuộc chơi này, mang đến nhiều hơn lựa chọn xe xanh cho khách Việt.

Bên cạnh đó, Toyota còn tiếp cận theo phương diện nhiên liệu xanh với giải pháp nhiên liệu sinh học. Tháng 3/2023, hãng xe Nhật hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn thực hiện dự án nghiên cứu hiệu quả ứng dụng xăng sinh học trên phương tiện giao thông tại Việt Nam.

Toyota đã chứng minh tiếp cận đa chiều trong điện khí hóa của hãng là đúng đắn - 3
Dự án nghiên cứu xăng sinh học cho kết quả tích cực (Ảnh: Toyota).

Kết quả của giai đoạn 1 cho thấy ở hầu hết điều kiện vận hành tại Việt Nam thì xe hybrid và xăng sinh học đều chứng tỏ khả năng tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải tốt hơn xăng thông thường. Đặc biệt, nếu sử dụng xăng sinh học E5, lượng tiêu hao nhiên liệu có thể giảm 37,86 lít/năm đối với xe HEV và 7,28 lít/năm đối với xe động cơ đốt trong.

Ngoài ra, Toyota cũng thúc đẩy các nỗ lực bảo vệ môi trường, hoàn thiện chu trình xanh khép kín trên toàn bộ hệ thống, từ nhà cung cấp, vận chuyển, nhà máy đến đại lý bằng nhiều giải pháp như: đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, lắp đặt và sử dụng pin năng lượng mặt trời, dùng nhiên liệu sạch, cải tiến thiết bị để tối ưu hóa công suất, áp dụng phương thức vận chuyển milkrun,... Tính riêng năm 2022, Toyota cho hay, toàn hệ thống của hãng đã cắt giảm được 11.221 tấn CO2.

Từng có những nhận định cho rằng các hãng xe Nhật Bản có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua xe điện. Nhưng rõ ràng thực tế lại chứng minh điều ngược lại khi Toyota, hãng xe hàng đầu Nhật Bản, không chạy theo một xu hướng nhất thời mà chọn cách tiếp cận đa hướng để cung cấp khả năng di chuyển xanh cho tất cả mọi người, vì mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.