Tổng thống Mỹ ép chủ tịch GM từ chức

(Dân trí) - Rõ ràng là tổng thống Mỹ Barack Obama hoàn toàn nghiêm túc khi tuyên bố ông cần thấy sự thay đổi ở GM và Chrysler nếu hai tập đoàn này muốn có thêm sự trợ giúp tài chính từ chính phủ.

Tổng thống Mỹ ép chủ tịch GM từ chức - 1
Bức ảnh chụp ngày 26/6/2008, khi tổng thống Obama (trái) còn là ứng viên đảng Dân chủ đang trò chuyện với chủ tịch GM, ông Rick Wagoner, trong một cuộc hội thảo về tình hình kinh tế ở Pittsburgh. (Ảnh: AP)
 
Hôm qua, 30/3, Nhà Trắng đã xác nhận tin tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu chủ tịch kiêm CEO Rick Wagoner của GM từ chức, và ông này đã chấp thuận.

 

Lực lượng đặc trách ngành ô tô đã ra hai bản báo cáo về tình hình tài chính của hai nhà sản xuất ô tô, cho biết Chrysler không thể tồn tại với hình thái hiện nay và yêu cầu Chrysler phải liên kết, sáp nhập với Fiat hoặc một nhà sản xuất ô tô khác nếu muốn tồn tại. Lực lượng này đề xuất chính phủ cho Chrysler 30 ngày để hoàn tất thỏa thuận hợp tác với Fiat. Theo thỏa thuận sơ bộ, nhà sản xuất ô tô Ý sẽ nắm giữ 35% cổ phần Chrysler để đổi lại việc chuyển giao một số công nghệ và dây chuyền sản xuất ô tô.
 
Với GM, Lực lượng đặc trách đề xuất chính phủ cho họ 60 ngày để tiếp tục cải tổ sâu hơn, và vạch ra một bản kế hoạch có tính thực tiễn cao đối với tương lai sống còn của doanh nghiệp.

 

GM và Chrysler đã nhận 17,4 tỷ USD tiền cho vay khẩn cấp của chính phủ Mỹ. Chrysler đã yêu cầu được vay thêm 5 tỷ USD, còn GM cho biết họ cần thêm 16,7 tỷ USD.
 

Theo hãng tin Politico, chính quyền tổng thống Obama cho rằng ông Rick Wagoner phải chịu trách nhiệm đối với nhiều quyết sách tồi, đẩy GM tới bờ vực phá sản, và cho rằng ông phải ra đi để GM có một khởi đầu mới.

 

Ông Wagoner đã gắn bó với GM từ năm 1977 và nắm giữ cương vị CEO được 8 năm. Hội đồng quản trị GM đã nhiều lần khẳng định rằng họ ủng hộ chủ tịch kiêm CEO Rick Wagoner, dù tập đoàn đã thua lỗ hàng tỷ USD.
 
Tuy nhiên, trước sức ép từ chính phủ, sớm qua, theo giờ Mỹ, GM đã ra thông báo về việc từ chức của Rick Wagoner, và cho biết phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Fritz Henderson của GM sẽ thay ông trên cương vị CEO, còn chức chủ tịch sẽ do một thành viên trong hội đồng quản trị, ông Kent Kresa tạm thời nắm giữ cho tới đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 8/2009.
 
Trên thực tế, ông Wagoner đã đạt được những kết quả nhất định trong việc sửa chữa bộ máy GM. Ở cương vị CEO, ông đã mạnh tay cắt giảm nhân công của tập đoàn tại Mỹ từ con số 177.000 xuống chỉ còn khoảng 92.000 như hiện nay.
 
Ông cũng đã cho đóng cửa nhiều nhà máy; mạnh dạn cắt bỏ thương hiệu Oldsmobile không còn sinh lợi; toàn cầu hóa hoạt động sản xuất và thiết kế, giúp GM tiết kiệm hàng tỷ USD; và cải thiện chất lượng cũng như tính năng vận hành của nhiều mẫu xe. Năm 2007, GM đã đạt được một thỏa thuận quan trọng với Nghiệp đoàn lao động ngành ô tô Mỹ về vấn đề lương hưu và lương cho nhân viên mới, giúp GM tiết kiệm được kha khá chi phí.
 
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến, trong đó có cả các thành viên Quốc hội Mỹ, cho rằng Rick Wagoner hành đông quá chậm chạp, không giải quyết được việc cắt giảm chi phí y tế quá lớn của doanh nghiệp, và để GM lệ thuộc quá lâu vào dòng xe bán tải và SUV trong khi giá nhiên liệu tăng cao và thị trường có xu hướng chuyển sang các loại xe kích thước nhỏ hơn.
 
Trong vòng 4 năm qua, GM đã lỗ tổng cộng 82 tỷ USD.
 
Nhật Minh
Theo Politico, BBC, AP