"Thương vụ" mua nhanh, bán vội và bài học cho nhiều người về giấc mơ 4 bánh
(Dân trí) - Khi mua chiếc ô tô đầu tiên trong đời, tôi háo hức bao nhiêu thì lúc bán lại vội vàng,chán nản bấy nhiêu, bởi chiếc xe để che mưa che nắng, để bằng bạn bằng bè bỗng trở thành "gánh nặng".
Vì quá nôn nóng muốn sở hữu một chiếc ô tô cho thỏa niềm mơ ước, tôi đã không "giải toán" cẩn thận trước khi quyết định mua xe.
Trước tiên, tôi muốn nói sơ qua về tình hình kinh tế của gia đình. Tôi làm môi giới cho một công ty chứng khoán tại Hà Nội. Thu nhập không cố định mà phụ thuộc vào hoa hồng thông qua doanh thu từ giao dịch của khách hàng. Khi thị trường chứng khoán sôi động, có tháng tôi kiếm được cả trăm triệu đồng.
Vợ tôi là giáo viên mầm non ở một trường tư thục cách nhà 6 cây số, thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng hiện có một con trai 5 tuổi và con gái 3 tuổi, cả hai đang học mầm non ngay tại trường mà vợ tôi dạy.
Tính đến cuối năm ngoái, vợ chồng tôi đã có thể trả hết khoản vay trả góp mua nhà trước đó và dành dụm được khoảng 600 triệu đồng.
Mỗi dịp cuối tuần, loanh quanh ở Hà Nội mãi cũng chán nên chúng tôi muốn đưa các con đi chơi xa để thay đổi không khí. Thêm vào đó, bạn bè xung quanh ngày càng nhiều người sắm ô tô.
Do đó, vợ chồng tôi cũng hào hứng lên kế hoạch mua chiếc xe 4 bánh đầu tiên, vẽ ra viễn cảnh sáng sáng chồng chở vợ con đi làm đi học, rồi đến cuối tuần khi thì đi Mộc Châu, khi thì đi Hòa Bình..., lại có thể chủ động phương tiện khi muốn về quê ở Quảng Ninh.
Ngoài những tiện ích như vậy, vợ chồng tôi thấy việc có ô tô cũng giúp tăng thêm sự tự tin trước bạn bè, đồng nghiệp; mỗi lần về quê cũng khiến bố mẹ thấy tự hào với xung quanh.
Quyết là làm, vợ chồng tôi chốt mua một chiếc sedan hạng B thương hiệu Nhật Bản có giá lăn bánh rơi vào khoảng gần 650 triệu đồng. Do muốn giữ lại 200 triệu đồng để dự phòng nên vợ chồng tôi chọn phương án mua xe trả góp. Với 400 triệu đồng có sẵn dành cho việc mua xe, chúng tôi phải vay thêm 250 triệu đồng, dự kiến trả góp mỗi tháng 9 triệu đồng trong vòng 3 năm.
Với mức thu nhập vào thời điểm cuối năm ngoái, tôi thấy mình hoàn toàn có khả năng cân đối chi tiêu để trả nợ trong 3 năm. Thậm chí, nếu thị trường chứng khoán sôi động hơn, tôi có thể trả nợ sớm.
Tuy nhiên, đầu năm nay, thị trường chứng khoán liên tục "đỏ sàn", khiến thu nhập của tôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Cộng thêm việc đầu tư thua lỗ, tôi không còn "rủng rỉnh" như trước.
Thu nhập hiện tại của tôi là khoảng 30 triệu đồng/tháng, cộng thêm lương của vợ, tổng thu nhập của hai vợ chồng trên dưới 40 triệu đồng/tháng.
Tiền nuôi con rơi vào khoảng 12 triệu đồng (bao gồm học phí, quần áo, đồ chơi, sữa thuốc...). Tiền trả góp vay mua xe 9 triệu đồng, tiền "nuôi" xe khoảng 5 triệu đồng (bao gồm tiền xăng khoảng 2,5 triệu đồng và phí gửi xe 2,5 triệu đồng/tháng ở tầng hầm chung cư và ở cơ quan).
Như vậy là hai vợ chồng còn khoảng 15 triệu đồng để trang trải các chi phí ăn uống và sinh hoạt. Nếu tính thêm cả các chi phí khác, như hiếu hỉ sinh nhật, bảo hiểm thân vỏ xe, phí cầu đường mỗi khi lái xe về quê, con ốm phải nằm viện..., thì 15 triệu đồng/tháng thật sự không đủ.
Bên cạnh đó, việc lái ô tô đi làm hằng ngày cũng có những bất tiện. Nan giải nhất là tình trạng đường đông và tắc, di chuyển bằng ô tô không linh hoạt và nhanh bằng xe máy. Việc gửi xe ở cơ quan cũng ngày một khó khăn hơn, nếu muốn giữ chỗ thì phải trả thêm tiền.
Áp lực về kinh tế, cộng với trải nghiệm thực tế sử dụng ô tô không chỉ có "màu hồng" đã khiến tôi nhanh chóng quyết định bán xe, nghĩ rằng càng để lâu, xe sẽ càng mất giá. Tôi đã lỗ khoảng 150 triệu đồng cho "thương vụ" mua nhanh bán vội này.
Kể tất cả như trên không phải nhằm mục đích "gàn" các bạn đừng mua ô tô. Dù đã phải bán xe, tôi vẫn thấy rằng nếu có thể đi lại hằng ngày bằng ô tô là điều rất tốt.
Xe vừa giúp tránh được nắng mưa, khói bụi ô nhiễm, vừa thuận tiện cho cả gia đình khi cần đi xa, như về quê hoặc đi dã ngoại. Tuy nhiên, quyết định có nên mua ô tô vào một thời điểm nào đó hay không phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập, tính chất công việc, nhu cầu đi lại... của mỗi người, mỗi gia đình.
Tôi chỉ muốn chia sẻ trường hợp của bản thân (mà tôi nghĩ cũng khá phổ biến) để những ai có điều kiện kinh tế tương tự mà chuẩn bị mua ô tô có thể tham khảo, tránh phải "trả học phí cao" cho một quyết định tài chính sai lầm.
Với cá nhân tôi, sau khi bán xe, tôi dành số tiền thu hồi được, cộng với khoản chi phí nuôi xe và trả góp không nhỏ hàng tháng trước đây dồn thành một khoản vốn, tìm kiếm cơ hội đầu tư, với hy vọng sớm tích lũy đủ để có thể một lần nữa sắm ô tô.
Độc giả Tiến Đạt
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.