"Kobe Steelgate":

Thương hiệu “Made in Japan” bên bờ vực khủng hoảng?

(Dân trí) - Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng, đồng đều với độ bền cao. Tuy nhiên, với scandal làm giả số liệu mới đây nhất của Kobe Steel, danh tiếng của cụm từ “Made in Japan” đã không còn như trước.

Thương hiệu “Made in Japan” bên bờ vực khủng hoảng? - 1

Những ngày gần đây hàng loạt các công ty đang phải đau đầu khi hãng Kobe Steel, chuyên cung cấp thép và nguyên vật liệu cho sản xuất ô tô, máy bay, tàu cao tốc đã thừa nhận làm giả số liệu chất lượng của sản phẩm aluminum và đồng mà hãng cung cấp.

Ảnh hưởng không chỉ ở nước Nhật

Kobe đã công bố một danh sách thông tin chi tiết về những sản phẩm không đáp ứng những quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, bao gồm bột sắt, dây thép và nhiều sản phẩm khác liên quan tới thép, nhôm và đồng. Có tới 8 trong số các nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất nhì Nhật Bản cho biết đã mua vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe Steel, bao gồm: Toyota, Nissan, Honda, Suzuki, Ford, Mazda, Subaru và Mitsubishi.

Trước tình hình này, các nhà sản xuất xe hơi đã nhanh chóng tiến hành những cuộc điều tra khẩn cấp và triển khai chiến dịch thu hồi xe nếu phát hiện bất cứ sai phạm nào.

Thương hiệu “Made in Japan” bên bờ vực khủng hoảng? - 2

Suzuki khẳng định không có chiếc ô tô nào của mình sử dụng và lắp đặt các vật liệu bị ảnh hưởng nêu trên. Honda xác nhận đã sử dụng nguyên liệu của Kobe Steel trên nắp ca-pô và cửa xe.

Về phía Toyota, công ty vẫn đang đẩy mạnh điều tra để xác định những mẫu xe có thể bị ảnh hưởng từ những vật liệu được lắp đặt. Nissan tuyên bố hãng sử dụng các sản phẩm nhôm của “trùm thép” Nhật Bản trong cấu trúc mui xe và cửa trên một vài mẫu xe.

Trụ sở chính của Mitsubishi cũng có những phản hồi kịp thời và xác nhận sử dụng một số thành phần vật liệu của Kobe trong sản xuất ô tô. Hãng xe vẫn đang tích cực điều tra, tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định những sản phẩm của Mitsubishi đang lưu hành hiện nay có chứa những vật liệu này hay không.

Thương hiệu “Made in Japan” bên bờ vực khủng hoảng? - 3

Ford cho biết, chiếc Mondeo “huyền thoại” của hãng sở hữu mui xe làm từ nhôm đến từ nhà cung cấp thép Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Kobe Steel vẫn chưa xác nhận liệu thành phần này có nằm trong danh sách vật liệu không đạt chỉ tiêu chất lượng của hãng hay không. Đồng thời, Ford khẳng định với người tiêu dùng về mức độ an toàn bởi mui xe không thuộc các yếu tố cấu trúc có thể làm thay đổi chất lượng của xe.

Đây chỉ là trường hợp mới nhất trong một loạt các vụ bê bối liên quan đến việc giả mạo dữ liệu và các phương pháp gian lận khác để làm sai lệch tem chứng nhận chất lượng của Nhật Bản Những năm gần đây, nhiều vụ việc gây chấn động thế giới về chất lượng của Nhật đã gia tăng.

Trước Kobe Steel, Takata Corp đã rơi vào tình trạng phá sản sau vụ bê bối túi khí khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, đồng thời gây ra những đợt triệu hồi xe lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Phó chủ tịch của tập đoàn thép Kobe - Naoto Umehara (phải) cúi đầu trong buổi họp báo tại Tokyo
Phó chủ tịch của tập đoàn thép Kobe - Naoto Umehara (phải) cúi đầu trong buổi họp báo tại Tokyo

Tập đoàn Toshiba danh tiếng một thời hiện cũng đang đứng bên bờ vực phá sản do những yếu kém, sai phạm trong quản lý, trong đó đáng chú ý nhất là vụ bê bối kế toán gây chấn động thế giới năm 2015. Năm ngoái, Mitsubishi Motors cũng thừa nhận đã gian lận kết quả mức độ tiêu hao năng lượng xe.

Tháng 3/2017, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber thú nhận làm giả dữ liệu về cao su dùng trong các tòa nhà có khả năng chịu động đất.

Tuần trước, Nissan cũng phải thu hồi 1,2 triệu xe vì sai phạm trong quá trình kiểm soát chất lượng.

Dường như uy tín xây dựng trong nhiều thập kỷ đang bị suy giảm, niềm tin vào quản lý chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản đang lung lay.

Vậy nguyên nhân là do đâu?

Theo các chuyên gia, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã đẩy mạnh việc cải cách quản trị doanh nghiệp, tuy nhiên trọng tâm chủ yếu lại nhằm vào việc nâng cao lợi nhuận hơn là ngăn chặn các sai phạm. Hệ quả là trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên, số vụ bê bối bị phát hiện đối với các công ty được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán cũng đã tăng gấp đôi.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân gốc rễ khiến các nhà sản xuất Nhật Bản không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện nay là do phải vật lộn cạnh tranh ở cả thị trường nội địa và toàn cầu.

Cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà sản xuất Nhật phải nỗ lực giảm thiểu chi phí và phải phấn đấu đạt hạn ngạch sản xuất rất cao. Theo Ông Hitoshi Kaise, chuyên gia tư vấn của Roland Berger, khi thị trường trở nên cạnh tranh hơn, các nhà sản xuất ô tô đầu tư ít tiền hơn đồng thời cũng dành ít thời gian hơn để kiểm tra quy trình sản xuất của các nhà cung cấp.

Cổ phiếu của Kobe tính đến thời điểm này.
Cổ phiếu của Kobe tính đến thời điểm này.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng kém trong những năm gần đây, sự vươn lên mạnh mẽ của các nước láng giềng đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản.

Hiện giới quan sát vẫn đánh giá chất lượng sản phẩm và mức độ tuân thủ quy định tại Nhật Bản thuộc top thế giới. Tuy nhiên, scandal liên quan đến giả mạo số liệu và làm sai quy trình vẫn có thể xuất hiện nhiều trong tương lai.

Hiroya Kawasaki lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel trong buổi công bố thông tin bê bối tại tập đoàn này.
Hiroya Kawasaki lãnh đạo cấp cao của Kobe Steel trong buổi công bố thông tin bê bối tại tập đoàn này.

Nobuo Gohara, một luật sư từng tham gia đợt kiểm toán tại Olympus Corp sau vụ bê bối kế toán năm 2011 cho biết, trong 15 năm qua các quy tắc tuân thủ đã trở nên khắt khe hơn nhưng nhiều công ty Nhật Bản vẫn tiếp tục với những thông lệ phổ biến trong quá khứ. Cách quản trị trong các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bị cho là còn nhiều bất cập. Sự tôn trọng những thành viên kỳ cựu tạo ra một môi trường khiến những quyết định quản lý yếu kém tồn tại suốt nhiều năm. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật cần phá bỏ tư duy cũ, phát triển văn hóa doanh nghiệp mới, trong đố người lao động có nhiều tiếng nói hơn và có thể nói không với giới chủ.

Trước tình hình này, Giáo sư Thomas Clarke, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thị phần khi các nền kinh tế châu Á khác, gồm cả Trung Quốc, dần dần nâng cao chất lượng và độ tin cậy của các sản phẩm do họ làm ra. Chính vì thế, không ít chuyên gia đã đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp muốn tránh scandal rằng, đã đến lúc mỗi công ty cần ngừng quảng bá mình là hàng Nhật Bản. Thay vào đó, họ nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Khánh Duy
Tổng hợp