Thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô có thể lên đến 150%
Bộ Công Thương vừa có văn bản góp ý cho dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế đang được Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo.
Trong đó, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 1 do Bộ Tài chính đưa ra đối với mặt hàng ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên. Cụ thể là áp dụng mức thuế suất 15% đối với xe từ 10 chỗ ngồi đến dưới 16 chỗ ngồi; áp dụng mức thuế suất 0% đối với xe từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi. Mức thuế hiện hành của hai nhóm xe này lần lượt là 30% và 15%.
Đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh từ 2.0 lít trở xuống, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2 của Bộ Tài chính. Cụ thể là áp dụng mức thuế suất 30% kể từ ngày 1/7/2016 đối với xe có dung tích xi-lanh từ 1.5 lít trở xuống; áp dụng mức thuế suất 40% kể từ ngày 1/7/2016 đối với xe có dung tích xi-lanh trên 1.5 lít đến 2.0 lít và tiếp tục giảm xuống mức 30% kể từ ngày 1/1/2018.
Đây là các loại xe đang chịu chung mức thuế suất 45% theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng ôtô dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh trên 2.0 lít, Bộ Công Thương đề xuất các mức thuế suất cao hơn, chia nhỏ hơn và đáng chú ý là áp dụng thống nhất kể từ ngày 1/7/2016 chứ không tiếp tục điều chỉnh theo từng giai đoạn ngắn như Bộ Tài chính.
Theo biểu thuế do Bộ Công Thương đề xuất, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ ngày 1/7/2016 đối với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh trên 2.0 lít đến 3.0 lít là 70%. Mức thuế hiện hành của loại xe này là 50%.
Tiếp theo, xe có dung tích xi-lanh trên 3.0 lít đến 4.0 lít được đề xuất áp dụng mức thuế suất 90%, xe có dung tích xi-lanh trên 4.0 lít đến 5.0 lít áp dụng mức thuế suất 110%, xe có dung tích xi-lanh trên 5.0 lít đến 6.0 lít áp dụng mức thuế suất 130%, xe có dung tích xi-lanh trên 6.0 lít áp dụng mức thuế suất 150%.
Tất cả các loại xe này hiện nay đều đang chịu chung mức thuế suất 60%.
Bộ Công Thương cho biết, các đề xuất này được đưa ra dựa trên sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 18/7/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc “điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ...” và “áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ ngồi có dung tích trên 3.0 lít”.
Có thể thấy rằng đa số các đề xuất của Bộ Công Thương đều đi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp ôtô trong nước và nhằm hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp ôtô giai đoạn mới. Bởi lẽ, đại đa số các loại xe có mức thuế suất cao và “đặc biệt cao” đều là các loại xe mà các doanh nghiệp ôtô trong nước chưa sản xuất, lắp ráp được.
Đồng thời, các đề xuất này cũng cố gắng bám theo quan điểm hạn chế các loại xe có mức tiêu thụ nhiên liệu cao, xe có giá trị lớn và ít phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, dựa trên các đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, gần như chắc chắn các loại ôtô có dung tích xi-lanh thấp sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ nửa cuối năm tới, qua đó giúp giảm giá bán lẻ trên thị trường.
Ngược lại, các loại xe dung tích lớn thậm chí phải chịu mức thuế suất cao gấp 2,5 lần hiện nay khiến cho mức giá bán lẻ bị đội lên đáng kể.
Theo Đức Thọ
Vneconomy