Thú chơi xe “độc” thời tắc đường

Tiếng chuông reng reng của những chiếc xe đạp cổ vang lên xen giữa tiếng còi inh ỏi của xe máy, ô tô bất giác làm sống lại hoài niệm về thời đã xa. Từng vòng bánh xe quay đều chậm rãi mang tới nét bình yên cho một Hà Nội đang ngày càng bức bối...

Sống dậy thời quá vãng

 

Mỗi sáng cuối tuần, những người đi qua đường Thanh Niên lại bị cuốn hút bởi những chiếc xe đạp nghìn đô từng “vang bóng một thời”. Nhìn những hàng xe đạp hiệu Peugeot, Aviac, Mercie... lạ mắt dựng ven Hồ Tây, ai cũng trầm trồ, thích thú. Điều này cũng dễ hiểu bởi những cái tên đó khiến người ta giật mình nhớ về cái thời những chiếc xe đạp có thể đáng giá cả một căn nhà mặt phố. Hơn 5 năm nay, các thành viên trong CLB Xe đạp Hà Nội Xưa và Nay coi đây như một nơi để tìm lại những kỷ niệm trong ký ức. Mời nhau từng tách trà nóng, họ kể cho nhau nghe việc đi tìm từng chiếc ốc vít đúng đời hay chuyện vất vả đăng ký biển kiểm soát cho xe.

 
Thú chơi xe “độc” thời tắc đường
 

Chiếc Peugeot màu cá vàng từng nằm trong “tiêu chuẩn chọn người yêu” của nhiều cô gái Hà Nội một thời

 

Ông Vũ Thành Công - thành viên CLB ngẫu hứng đọc thơ nói về tiêu chuẩn kén chồng hàng đầu của các cô gái Hà Nội trước đây: “Một yêu anh có Seiko (đồng hồ đeo tay hiệu Seiko). Hai yêu anh có Peugeot cá vàng (xe đạp pơ-giô màu cá vàng)...”. Cách đây khoảng dăm chục năm vào thời bao cấp, chỉ những gia đình nào rất giàu có thì mới có một chiếc Peugeot dựng trong nhà. Thậm chí, những thanh niên mới lớn coi đây là một thứ đồ “hàng hiệu”. Ngay cả việc được ngồi sau chiếc xe cũng là một niềm hãnh diện lớn. “Cái thú chơi xe đạp cổ hay lắm! Nó làm mình được sống lại một thời gian khó, phải chờ đợi, nhặt nhạnh từng phụ kiện để lắp ráp một chiếc xe đi được,” ông Công chia sẻ.

 

Hồ hởi kể về “con ngựa sắt” Aviac màu bạc hơn 80 tuổi, ông Trần Như Tô cho biết mua chiếc xe này khi còn công tác tại Pháp với giá 200 euro. “Khám phá nguồn gốc con xe Aviac này mới đâm ra mê cuồng nhiệt tới mức ngày nào dù trời nắng hay mưa cũng phải ngồi lên chiếc xe này đạp quanh phố phường Hà Nội mới thôi”. Ông Tô cho biết, chiếc yên sau độc đáo với biểu tượng 4 chàng lực sĩ được coi là điểm nhấn của chiếc xe. Nếu tháo chiếc yên này ra bán rời, có người đã từng trả giá tới hơn chục triệu đồng còn nếu bán cả chiếc xe theo giá thị trường có thể lên tới gần 3.000 USD. Hiện tại, ông còn có bộ sưu tầm gần chục xe đạp đều là hàng “khủng” ở Việt Nam.
 

 

Đạp xe không những rèn luyện sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường

Đạp xe không những rèn luyện sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường

 

Sống chậm

 

Theo nhận định của nhiều thành viên trong CLB, xe đạp mỏng mảnh hơn và không được giữ gìn như các phương tiện khác nên chóng hỏng hơn. Do vậy việc tìm được một chiếc xe đạp còn tốt và mới là rất khó. Loại xe này mang nét mềm mại, cả người và xe đều toát lên một sự thư thái, không vội vã mỗi khi di chuyển trên đường, đúng chất người Hà Nội!

 

Những người “hoài cổ” của CLB cùng nhau đạp xe một vòng quanh hồ Tây trước khi tập trung tại đường Thanh Niên để dạo qua những tuyến phố Thủ đô. Mỗi người đều tìm thấy những niềm vui cho riêng mình. Ông Nguyễn Kim Thắng - Phó Chủ nhiệm CLB chia sẻ về thành viên cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Danh Điền, năm nay đã 88 tuổi, cụ vốn là tay đua cự phách thời Pháp thuộc. Những năm 40 của thế kỷ trước, cụ Điền còn được chính quyền thực dân Pháp mời làm đại diện cho nước An Nam sang Paris để đua xe. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi chân bị đau khớp, nhưng cụ vẫn còn nguyên niềm đam mê với xe đạp khi đều tham gia đầy đủ các buổi đi đạp xe của hội. “Chẳng hiểu vì quá yêu quý xe hay không muốn chiếc xe đạp “báu vật” khỏi rỉ, cụ Điền đã cho hẳn xe vào phòng kín, bật điều hòa cả ngày rồi mắc màn, đắp chăn cho nó”, ông Thắng cười.

 

Không chỉ có người già muốn sống lại cái thời ngồi lên chiếc Peugeot mà cả những người trẻ cũng mê mẩn với những chiếc xe đạp đáng tuổi bố mẹ mình. Bởi lẽ, chơi xe đạp cổ cũng là một cách để giúp người trẻ sống chậm lại. Giữa bon chen, bộn bề với “biển” xe động cơ đốt trong đang nhả khói, rú ga ầm ĩ khi tắc đường giờ cao điểm, những chiếc xe đạp cổ lại mang đến một cảm giác chậm rãi và bình yên.

 

Theo Ngọc Khánh

Báo GTVT