Thân phận trôi nổi của một mẫu xe huyền thoại
(Dân trí) - Đó là Silver Arrow - chiếc xe đua cự phách thời Đức quốc xã đã từng bị giấu kín trong hầm trú bom suốt những năm Thế chiến. Với vận tốc cực đại 300 km/giờ và thiết kế đặt người lái trước động cơ, Arrow có công đầu trong việc cách mạng hóa dòng xe đua hiện đại.
Chiếc D-Type ánh bạc do Auto Union (tiền thân của Audi) sản xuất trong những năm thế chiến và bặt vô âm tín suốt từ đó đến nay, đã có dịp ra mắt công chúng hôm thứ Năm (25/1) tại showroom của Audi trên đại lộ Park, New York. Được biết ngày 17/2 tới đây, Christie’s Retromobile sẽ đem Silver Arrow ra bán đấu giá tại Paris, với khoản dự tính thu về từ 12-15 triệu USD.
Mặc dù trên thực tế chính Adolph Hitler là người bỏ ra 500.000 mark Đức để yêu cầu Auto Union và Mercedes-Benz quảng bá và phát triển công nghệ xe đua, nhưng có thể khẳng định Silver Arrow tuyệt nhiên không có liên hệ nào đặc biệt với Đệ tam Quốc xã.
“Chiếc xe này thực sự là đỉnh cao của công nghệ thời đại” - Rupert Banner, Giám đốc phụ trách mảng Xe hơi quốc tế của nhà đấu giá Christie nhận xét. “Nó là bước đột phá mang tính cách mạng. Nó làm thay đổi toàn bộ diện mạo môn đua xe”. Chiếc xe này có động cơ tăng nạp kép công suất lên tới 485 mã lực và tốc độ cực đại trong đường đua 300 km/h và một lần lập kỷ lục tốc độ mặt đất trên 400 km/h!
| |
Mẫu xe có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất trong |
Trong số hơn 20 mẫu xe đua của Auto Union suốt những năm 1933-1939, Silver Arrow là mẫu xe duy nhất do chính tay Ferdinand Porsche thiết kế. Với kiểu dáng đặc biệt (thuôn dài như thân máy bay), người điều khiển như chìm nghỉm đằng sau tay lái. Đằng sau mỗi bánh xe - nhìn giống hệt lốp xe đạp ngoại cỡ - đều có một bộ giảm xóc riêng biệt.
“Không may nó đã rơi vào quên lãng suốt những năm thời hậu chiến” - chuyên viên Thomas Erdmann của Audi tỏ ý tiếc rẻ. “Mãi đến thập kỷ 60 đến 80 sau này ngành xe hơi mới bắt kịp trình độ thiết kế đỉnh cao như vậy”.
Những năm trước Thế chiến thứ Hai được coi là thời kỳ hoàng kim của môn đua xe Công thức 1. Sau khi Silver Arrow cũng đã giành ngôi vị dẫn đầu trên đường đua Grand Prix Pháp vào năm 1939, ánh bạc nghiễm nhiên trở thành màu biểu tượng của xe đua Đức, trong khi xanh da trời là biểu tượng của Pháp và xanh lá thuộc về người Anh.
Chiến tranh bùng nổ, công nhân của Auto Union đã giấu biệt những chiếc xe quý trong 1 hầm trú bom để tránh bị thu hồi làm nguyên liệu. Sau này, người Nga đã phát hiện ra bộ sưu tập kếch xù này và đưa toàn bộ về nước cùng với các nhà máy Auto Union đã giải thể với mục đích tái tạo môn thể thao đua xe.
“Để rồi sau đó tất cả lặn mất tăm không dấu vết” - theo lời Thomas Erdmann.
Đoạn kết số phận của những chiếc xe khá bi thảm: chúng bị tháo tung ra từng bộ phận và bị ném vào xó xỉnh trong những bãi thải phế liệu ở Ukraine. Mãi gần đây, một nhà sưu tập xe người Mỹ tình cờ phát hiện và đưa tất cả về Anh, sau đó đã nhờ các chuyên gia của Crosthwaite & Gardiner khôi phục lại như nguyên mẫu ban đầu.
Khôi Vinh
Theo AP