"Tây" săn lùng Vespa cổ ở Việt Nam

(Dân trí) - Dân chơi xe cổ nước ngoài đang tìm đến một địa chỉ để lùng mua scooter Ý cổ - đó chính là đất Sài Gòn.

Dưới đây là bài viết của tác giả James Hookway, đăng tải trên tạp chí Wall Street Journal, viết về trào lưu này của giới hâm mộ xe tay ga cổ nước ngoài.

 

Patrick Joynt vít ga chiếc Vespa Super Sport 1967 và mất hút vào trong đám đông trên đường phố Sài Gòn. Chiếc xe được tìm thấy ở thành phố đông đúc này, và đã được phục chế cẩn thận, sơn trắng vạch chéo thể thao. Vài tuần nữa, chiếc xe sẽ được chuyển về cho chủ mới ở tận Đan Mạch.

 

Joynt là chủ của Trung tâm Scooter Sài Gòn, nơi chuyên xuất khẩu và phục chế xe Vespa cổ. Khách hàng của ông ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến Mỹ. Tại Sài Gòn, ông còn cho khách du lịch thuê xe máy và khá am hiểu về văn hoá xe của người Việt.

 

Nghe có vẻ hơi khác thường - xe máy do Ý sản xuất lại được xuất sang Mỹ qua một nước Đông Nam Á, nhưng có lẽ Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp xe Vespa cổ cuối cùng trên thế giới.

 

Hồi thập niên 50, một số xe Vespa đã được lính Pháp thả bằng dù xuống Việt Nam để làm phương tiện di chuyển, đưa tin trên trận địa, khi các phương tiện thông tin liên lạc khác bị cắt đứt. Sau đó, nhiều xe Vespa đã được nhập vào Việt Nam dùng làm phương tiện đi lại, một phần vì giá không quá đắt.

 

Dân thợ máy lành nghề địa phương đã giúp những chiếc xe tay ga này chạy tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm.Giới hâm mộ xe Vespa ở Việt Nam đã gìn giữ những chiếc scooter của mình qua suốt nhiều thập kỷ chiến tranh và cả giai đoạn kinh tế khó khăn thời hậu chiến, t chế tạo phụ tùng thay thế cho xe.

 

Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu chiếc scooter và xe máy phân khối nhỏ, tính trung bình cứ 4 người có một chiếc. Chúng được dùng làm phương tiện vận chuyển tất cả mọi thứ trên đường phố đông đúc - từ người đến đồ vật hay vật nuôi.

 

Hầu hết xe máy tại Việt Nam là của hãng Honda hoặc các nhà sản xuất Nhật Bản khác. Tập đoàn Piaggio của Ý, nơi cho ra đời những chiếc Vespa, dự kiến sẽ sản xuất các mẫu xe scooter hiện đại tại một nhà máy mới ở gần Hà Nội vào năm 2009. Đây là một phần trong kế hoạch khôi phục lại thương hiệu đã vắng bóng trên thị trường trong suốt một thời gian dài.

 

Giữa vô vàn xe máy đời mới của Honda và Yamaha trong thành phố, đâu đó vẫn thấp thoáng bóng dáng một thời xưa cũ - những chiếc Vespa từ những năm 50-60. Không khó để bắt gặp một chiếc Vespa trên đường phố Sài Gòn, cả xe cổ lẫn xe đời mới.

 

Mặc dù Hà Nội được coi là điểm đến yêu thích nhất của khách du lịch phương Tây khi tới khám phá Việt Nam, nhưng TPHCM mới là trung tâm kinh tế - nơi để trải nghiệm nhịp đập cuộc sống trên đất Việt. Thành phố trẻ này đóng góp khoảng 30% sản lượng kinh tế và 40% kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Và đây cũng chính là thành phố của những chiếc scooter.

 

Trở lại cơ sở của ông Joynt ở quận Tân Bình, nhóm thợ đang “khám” lô xe Vespa cổ mới về xưởng để xem có thể làm gì để những chiếc xe lại nổ máy trên đường phố náo nhiệt. Nếu cần, người ta sẽ gia công một số bộ phận của thân xe rồi hàn vào khung của chiếc scooter cũ, tạo thêm chút phong cách mới. Sau đó, họ bắt đầu xem xét động cơ.

 

Là người gốc Wigan, ở phía bắc nước Anh, ông Joynt bắt đầu quan tâm đến những chiếc scooter của Anh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến năm 1997, ông tới Việt Nam. Cùng với một người bạn Việt, ông bắt đầu hành trình dọc đất nước hình chữ S, liên hệ với một số thợ cơ khí và mua gom xe Vespa để xuất sang Anh và châu Âu. Khi đã cạn nguồn cung cấp xe còn chạy được, ông thuê một nhóm thợ người Việt phục chế xe hỏng.

 

Hiện tại, ông đang dùng khung nguyên bản của một chiếc xe cổ để dựa vào đó, sản xuất những chiếc xe theo thiết kế của ông cho khách hàng nước ngoài. Những chiếc scooter của ông có giá từ 2.500 đến 5.000 USD, có thể rẻ hơn so với các xe tương tự ở Mỹ, mặc dù chi phí vận chuyển từ Việt Nam có thể lên tới 500 USD/chiếc.

 

Bộ sưu tập scooter của riêng ông Joynt hiện giờ đã lên tới con số 30, trong đó có một chiếc scooter có thể gập gọn lại, có từ thời Thế chiến thứ hai, được lính dù Anh dùng làm phương tiện di chuyển cơ động trên mặt trận.

 

Sự nuối tiếc duy nhất của ông? Đó là vài năm trước đây đã bán một chiếc Vespa Grand Sport động cơ 160cc với giá 900 USD. Bây giờ giá của chiếc xe ước tính khoảng 7.000 USD. Một chiếc khác duy nhất còn lại mà ông Joynt biết đến ở Đông Nam Á, theo ông, đang thuộc về Quốc vương Thái Lan.

 

Nhật Minh

Theo WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm