Taxi điện ngày một phổ biến trong lĩnh vực vận tải công cộng

Trường Thịnh

(Dân trí) - Điện hóa taxi là xu hướng tất yếu, nhờ hiệu quả kinh tế và những giá trị bền vững với môi trường và cộng đồng mà xe điện mang lại.

"Lợi nhuận công ty tăng 10%"

Bắt đầu triển khai dịch vụ taxi điện từ tháng 10/2023, Taxi Xanh Sapa (Công ty MTV Thanh Thủy) cho hay đã ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng là người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Hầu hết khách hàng đều hài lòng với hình thức vận tải mới này nhờ đặc tính không khói, không tiếng ồn và đặc biệt là thân thiện với môi trường của xe điện. Trong khi đó, ở góc độ tài xế, việc sử dụng xe điện không gây tiếng ồn, khói bụi… sẽ giúp tạo ra môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Taxi điện ngày một phổ biến trong lĩnh vực vận tải công cộng - 1

Dàn xe điện của Taxi Xanh Sapa.

Taxi Xanh Sapa là một trong số 27 hãng vận tải hành khách tại Việt Nam tiên phong đồng hành cùng GSM và VinFast chuyển đổi xanh.

Theo các doanh nghiệp này, việc có thêm xe điện giúp đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng hình ảnh tích cực trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng, từ đó tăng khả năng thu hút khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh so với các hãng xe truyền thống.

Taxi điện ngày một phổ biến trong lĩnh vực vận tải công cộng - 2

Lado là một trong những thương hiệu sớm chuyển đổi sang ô tô điện.

Dù mới triển khai nhưng taxi điện đã chứng minh được hiệu quả kinh doanh rõ rệt nhờ ưu thế tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận hành. "Xe điện lợi thế hơn hẳn, giúp lợi nhuận công ty tăng 10% so với giai đoạn trước khi chuyển sang xe điện", ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Thủy, đại diện Taxi Xanh Sapa cho biết.  

Trong khi đó, Lado Taxi, đơn vị đầu tiên đưa dàn xe điện VinFast vào khai thác từ tháng 5/2022, khẳng định, ngoài chi phí vận hành tiết kiệm, xe điện còn cho thấy rõ độ bền bỉ, yếu tố được các đơn vị kinh doanh vận tải đặt lên hàng đầu.

"Sau hai năm kinh doanh, ngoài việc thay thế các vật tư lốp vỏ, nước làm mát thì dàn xe điện hầu như không cần phải sữa chữa gì, giúp công ty tiết kiệm từ 5% - 7% ngân sách bảo dưỡng và sửa chữa", ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy, đại diện Lado Taxi nói.

Tương tự, dịch vụ eTaxi của Ecogo, một đơn vị đối tác khác của GSM và VinFast, sau nửa năm triển khai tại Đắk Lắk cũng cho thấy hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Thái Khắc Thành - Phó tổng giám đốc Ecogo cho biết, công ty ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 2,5 tỷ đồng chi phí nhiên liệu trong vòng 5 năm. Cùng với đó, xe điện bảo dưỡng đơn giản và có độ bền cao hơn hẳn nên sẽ tối ưu được khoảng 1,5 tỷ đồng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

"Việc sử dụng xe điện ước tính giúp công ty tiết kiệm khoảng 4 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Đây là một con số đáng kể, góp phần giảm thiểu chi phí vận hành và mang lại lợi nhuận cao hơn. Với những lợi ích này, xe điện đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn", ông Thành khẳng định.

Xu hướng taxi điện nở rộ

Ngoài hiệu quả kinh tế, việc điện hóa đội xe, loại bỏ dần xe động cơ đốt trong cũng khẳng định cam kết của các doanh nghiệp đối với môi trường và phát triển bền vững. Sau thời gian triển khai hiệu quả, hiện nay các hãng có kế hoạch tiếp tục đầu tư mạnh tay cho đội xe điện.

Đối tác mới nhất của GSM là Công ty Vận tải Quốc tế Sơn Nam (taxi MaiLove nổi tiếng tại Nghệ An) mới đây đã quyết định mở hướng sang dịch vụ taxi điện.

"Nhận thấy đầu tư phương tiện xanh là tất yếu cho sự phát triển của các doanh nghiệp vận tải công cộng, Sơn Nam đã bổ sung dàn 305 xe điện VinFast thuê từ GSM, bên cạnh đội xe xăng sẵn có", ông Hồ Chương, Tổng giám đốc công ty Sơn Nam cho hay.

Taxi điện ngày một phổ biến trong lĩnh vực vận tải công cộng - 3

Công ty Sơn Nam chuyển sang dùng ô tô điện VinFast để kinh doanh taxi.

"Chúng tôi xác định hợp tác với GSM là chiến lược mang tính lâu dài và bền vững, đồng thời cũng là cánh cửa để công ty Sơn Nam đi trên con đường hội nhập phát triển với xu thế chung trên toàn thế giới", ông Hồ Chương nói.

Đây cũng là mục tiêu của nhiều hãng taxi khi nhận thấy lợi ích kinh tế rõ rệt từ việc khai thác xe dịch vụ chạy điện. Đại diện Taxi Xanh Sapa cho biết, hãng dự kiến sẽ đầu tư thêm xe điện trong năm 2024. Lado Taxi cũng định hướng thay thế 90% số lượng xe sang xe điện khi xác định lợi ích trực tiếp về chi phí, giá trị thương hiệu và trải nghiệm của khách hàng sẽ giúp công ty có thêm lợi thế.

Taxi điện ngày một phổ biến trong lĩnh vực vận tải công cộng - 4

Xanh SM đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố và vươn ra quốc tế với dịch vụ chất lượng cao.

Hiện nay, bên cạnh thương hiệu taxi Xanh SM do GSM tự vận hành, đã có 27 doanh nghiệp, đơn vị đối tác hợp tác chuyển đổi xe điện cùng VinFast và GSM, đưa tổng số xe taxi điện của các thương hiệu trên cả nước lên hơn 20.000 xe.

Quá trình hợp tác cùng chuyển đổi xe xanh phù hợp với định hướng của Chính phủ hướng tới giảm phát thải ròng và thay đổi diện mạo giao thông đô thị trên cả nước. Theo đó, toàn bộ taxi mới đưa vào sử dụng từ năm 2030 phải chạy bằng điện.

"Xu hướng chuyển đổi sang xe điện là tất yếu khi các cam kết về môi trường của Chính phủ cần được hiện thực hóa. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào công cuộc chuyển đổi xanh cũng cho thấy rằng họ đã thấy được hiệu quả từ việc kinh doanh xe điện", ông Nguyễn Ngọc Đồng, đại diện Lado Taxi nhận định.

Đại diện Lado Taxi cũng cho rằng, các doanh nghiệp như VinFast và GSM đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho tương lai di chuyển xanh tại Việt Nam, rộng hơn là tại khu vực và trên thế giới.

"VinFast và GSM đã làm cho nhiều nước biết đến Việt Nam, góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đặc biệt là một tương lai bền vững cho các thế hệ sau của Việt Nam", ông Đồng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm