Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái?

(Dân trí) - EyeSight không đơn thuần là một tính năng an toàn được trang bị trên xe, mà là một gói các công nghệ an toàn chủ động được phát triển để hỗ trợ người lái. Vậy EyeSight có thể làm được những gì, với thế mạnh và điểm yếu ra sao?

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 1

Công nghệ nhận diện vật cản phía trước hiện có hai lựa chọn là dùng camera và sóng radar; cá biệt một số hãng dùng kết hợp cả hai công nghệ này để bổ trợ lẫn nhau. Riêng với EyeSight, Subaru là hãng xe đầu tiên sử dụng hai camera (Stereo Camera) mô phỏng đôi mắt con người để ghi nhận được cảnh vật phía trước theo chuẩn 3D để nhận diện kích thước, khoảng cách của chướng ngại vật đến xe, để đưa ra các quyết định đảm bảo an toàn hỗ trợ cho người lái.

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 2

1. EyeSight là gì?

EyeSight không phải là tên gọi của một tính năng an toàn riêng lẻ nào, mà là một gói công nghệ an toàn chủ động gồm 6 tính năng an toàn được điều khiển điện tử, bao gồm: tính năng Phanh đề phòng tai nạn (Pre-collision Braking), tính năng điều khiển hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control), tính năng chống đạp nhầm chân ga (Pre-collision Throttle Management), tính năng cảnh báo làn đường (Lane Departure Warning), tính năng cảnh báo buồn ngủ (Lane Sway Warning), tính năng cảnh báo di chuyển phía trước (Lead Vehicle Start Alert - khi xe phía trước đã di chuyển).

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 3

Subaru là hãng xe duy nhất hiện này dùng camera đôi để quét vật thể phía trước, cung cấp thông tin cho hệ thống xử lí trên xe.

2. EyeSight dùng camera có lợi thế và nhược điểm là gì?

EyeSight dùng hai camera phía trước để cung cấp thông tin cho bộ điều khiển. Chính vì vậy, hệ thống này có ưu thế khi nhận biết hướng, đo khoảng cách, kích thước vật thể của nhiều loại phương tiện - ôtô (chở khách, xe tải, xe buýt) và cả xe đạp, xe máy, người đi bộ, làn đường và màu sắc của lan can ngăn làn đường.

Ngoài ra, hệ thống này có khả năng xử lý dữ liệu nhanh hơn, tầm quan sát rộng hơn (sang cả hai làn đường bên cạnh) so với hệ thống dùng radar; tuy nhiên, EyeSight lại bị ảnh hưởng bởi sương mù, trời mưa phùn hay ánh sáng ngược quá lớn (đèn pha cường độ cao, mặt trời…), tương tự là đối với những vật có chiều cao thấp, dưới hẳn mũi xe (khiến camera bị khuất).

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 4

3. Tính năng chống nhầm chân ga hoạt động như thế nào?

Tránh va chạm trong trường hợp bàn đạp ga được nhấn xuống nhiều hơn mức cần thiết do lỗi của người lái trong khi phía trước xe có chướng ngại vật. Và tính năng này chỉ có tác dụng với chướng ngại vật ở trước mặt do hệ thống EyeSight dùng camera ở phía trước thu nhận tín hiệu.

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 5

4. Khi bật đèn báo rẽ và chuyển làn đường, hệ thống cảnh báo làn đường có kêu nữa không?

Không. Bởi khi đó hệ thống xác nhận bạn chuyển làn có chủ đích chứ không phải bạn bị đi lệch làn hoặc xe đi lảo đảo do lái xe buồn ngủ.

5. Hệ thống hỗ trợ phanh đề phòng tai nạn có khả năng làm người lái giật mình vì phanh quá mạnh?

Tính năng này được chia làm 4 giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng của mục tiêu phía trước mà EyeSight sẽ có lựa chọn hành động thích hợp để hỗ trợ người lái. Các mức độ điều khiển phanh các loại cảnh báo có trong hình minh hoạ dưới đây. Lưu ý, hệ thống sẽ ưu tiên hành động của người lái; hệ thống sẽ tự huỷ bỏ tính năng này khi phát hiện người lái đạp phanh và đánh lái mạnh (để tránh vật cản).

Đáng lưu ý, EyeSight điều khiển cả công suất/lực kéo động cơ trong các trường hợp này, để đảm bảo lực phanh tối ưu, giúp xe dừng lại một cách nhanh nhất.

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 6

6. Hệ thống điều khiển hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control - ACC) có phải là hệ thống lái tự động hay không?

Hoàn toàn không. Đây là hệ thống hỗ trợ người lái trong việc thoải mái hơn khi lái xe trên cao tốc, hệ thống này tự động giữ khoảng cách đối với xe đi phía trước (người lái có thể lựa chọn khoảng cách theo các dải tốc độ được tính toán sẵn), bao gồm cả việc tăng tốc/giảm tốc theo hành động của xe phía trước, thậm chí có thể phanh dừng hẳn lại rồi tiếp tục lăn bánh theo xe phía trước.

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 7

7. Vậy hệ thống điều khiển hành trình thích ứng ACC và hệ thống điều khiển hành trình thông thường khác nhau như thế nào?

Eyesight điều khiển hệ thống điều khiển hành trình thích ứng ACC hoạt động trong dải tốc độ từ 0 - 200 km/h nếu có xe đi phía trước, trong khi hệ thống điều khiển hành trình thông thường có dải tốc độ được cài đặt từ 30 - 180 km/h (không có xe đi phía trước). Điều này cho biết, ACC hoạt động  được ngay cả trong trường hợp lưu thông trong các đô thị lớn vào thời điểm các xe đang phải nối đuôi nhau.

8. Ngoài điều kiện sương mù, ánh sáng, các điều kiện nào khiến camera của Eyesight hoạt động không hiệu quả là gì?

Các loại xe có hình dạng đặc biệt; xe đua thể thao, xe khác nằm ở vị trí hông xe, xe tải hoặc xe nâng có sàn xe thấp và phẳng, tường sơn trắng, hàng rào cửa cuốn…

Điều kiện đường sá: Không có vạch kẻ đường hoặc không rõ ràng, bóng của hàng rào ngăn cách làn đường…

Tầm nhìn xa ngoài 110m, hoặc có cùng lúc nhiều xe tiến lại, người đi bộ trong bóng tối (không đủ ánh sáng phản quang), chiều cao người dưới 1m, vật nuôi (chó, mèo, lợn…).

Ngoài ra, còn kể đến việc hạn chế “tầm nhìn” của camera do bị bẩn bám trên kính lái, vật phản quang nằm trên kính lái, thậm chí là các vết nứt vỡ của kính chắn gió.

Subaru EyeSight là gì và hỗ trợ như thế nào cho người lái? - 8

Một số tình huống khiến Eyesight hoạt động không hiệu quả

9. Vậy có thể tắt EyeSight đi được không?

Hoàn toàn có thể. EyeSight mặc định được kích hoạt khi khởi động xe nhưng người lái có thể tắt bằng phím bấm. Khi đó một số tính năng trong gói hỗ trợ lái xe sẽ không sử dụng được, tuy nhiên lúc này hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control vẫn hoạt động bình thường mà không có tính năng điều khiển hành trình thích ứng theo tốc độ xe phía trước.

10. EyeSight cũng chỉ là tính năng hỗ trợ

Người lái luôn luôn phải chủ động trong các tình huống tham gia giao thông, không thể hoàn toàn phó thác sự an toàn của mình vào “tầm nhìn” của camera và đặc biệt luôn làm chủ tay lái cũng như chân ga, chân phanh trong các tình huống lái xe.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Việt Hưng