Sở hữu ô tô ở Singapore đắt ngang mua nhà ở Mỹ

(Dân trí) - Ở hầu hết các nước khác, ô tô là loại tài sản mau mất giá, còn ở Singapore thì không như vậy.

Singapore nổi tiếng với chính sách bán đấu giá giấy phép mua phương tiện giao thông (COE) nhằm kiểm soát tình trạng tắc đường.

 

Anh Vinay Mathur đã từ bỏ kế hoạch mua một chiếc ô tô mới ở Singapore vì chi phí mua giấy phép đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 17 năm. “Đúng lúc chúng tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc sở hữu một chiếc ô tô thì chi phí mua giấy phép tăng mạnh,” anh Mathur, 42 tuổi, cho biết.
 

Với riêng chi phí giấy phép đã lên tới 86.889 SGD (khoảng 67.000 USD) thì một chiếc Volkswagen Passat ở Singapore có giá trị bằng một căn hộ hạng trung tại một thành phố lớn ở Mỹ. Dân số tăng 25% trong vòng 7 năm qua, cùng với tỷ lệ gia đình triệu phú cao nhất thế giới, đã khiến chi phí giấy phép mua ô tô ở Singapore tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 năm. Trước làn sóng phản đối việc chi phí giấy phép tăng cao, chính phủ nước này tuần trước cho biết sẽ hoãn kế hoạch giảm số lượng giấy phép phát ra và kìm hãm sự tăng trưởng giao thông.

 

Thủ tướng Lý Hiển Long tuần trước đã nhắc lại cam kết thay đổi cách mà Đảng Hành động nhân dân (PAP - đảng cầm quyền tại Singapore) đang quản lý dân số - vấn đề đang là mối quan tâm lớn nhất của người dân nước này, cùng với vấn đề chi phí sinh hoạt đắt đỏ và lượng người nước ngoài nhập cư quá lớn.

 

“Hệ thống cấp phép mua ô tô có mặt tốt là góp phần hạn chế lượng xe tham gia giao thông và tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng lại đẩy giá ô tô bình dân lên mức cao đến vô lý,” Vinay Mathur cho biết. Anh là lãnh đạo cấp cao của một công ty, đã cùng vợ và con trai nhỏ chuyển từ Mumbai (Ấn Độ) tới Singapore sinh sống và làm việc cách đây hai năm rưỡi. Mathur cho biết, anh được công ty cho hưởng chế độ vay 130.000 USD không tính lãi suất thời hạn 5 năm, và không muốn chi vượt con số này.

 

Xe hay nhà?

 

Khách xem xe tại một đại lý Volkswagen ở

Khách xem xe tại một đại lý Volkswagen ở Singapore

 

Một chiếc Volkswagen Passat sedan phiên bản 2012 trị giá khoảng 152.000 USD ở Singapore, đã bao gồm phí giấy phép. Trong khi đó, giá trung bình của một căn hộ ở thành phố của Mỹ là 158.100 USD, theo số liệu của Hiệp hội bất động sản quốc gia Mỹ.

 

Giấy phép mua ô tô ở Singapore có giá lên tới 92.010 SGD (71.580 USD) vào tháng 4 - mức cao nhất kể từ cuối năm 1994, khi kỷ lục được xác lập ở con số 110.500 SGD. Trong một cuộc bán đấu giá giấy phép hôm 23/5, giá được chốt mức 86.889 SGD, so với 8.501 SGD cách đây 3 năm. Với giấy phép này, công dân Singapore có quyền mua và sở hữu ô tô trong 10 năm.

 

Ngoài việc phải tham gia đấu giá để mua giấy phép (được tổ chức 2 tuần/lần), công dân Singapore còn phải trả phí đăng ký và các loại thuế, với tổng số tiền có thể lên tới 150% giá xe.
 

Hệ thống giấy phép mua phương tiện giao thông của Singapore (COE) chia làm 5 loại như sau:

 

Loại không được chuyển nhượng:

- Hạng A: Ô tô (dung tích xi-lanh từ 1.600cc trở xuống) và taxi

- Hạng B: Ô tô (dung tích xi-lanh từ 1.601cc trở lên)

- Hạng D: Xe máy

 

Loại có thể chuyển nhượng:

- Hạng C: Xe buýt và xe chở hàng

- Hạng E: Hạng mở

Ở Singapore, đảo quốc có diện tích 642km2, số lượng ô tô đã tăng lên mức kỷ lục 603.723 chiếc vào cuối năm 2011, so với con số 405.354 chiếc trước đó một thập kỷ. Để hạn chế tình trạng tắc đường và ô nhiễm môi trường, chính phủ nước này đã lên kế hoạch giảm tốc độ tăng phương tiện giao thông từ 1,5%/năm xuống 0,5% từ tháng 8 tới.

 

Tuy nhiên, trước làn sóng phản đối về việc giá giấy phép tăng cao, chính phủ đã quyết định từng bước điều chỉnh tỷ lệ này xuống còn 1% vào tháng 8, sau đó là 0,5% vào tháng 2 năm sau. Ngoài ra, kế hoạch kiểm soát lượng giấp phép phát ra cũng được hoàn lại một năm. Các biện pháp này sẽ tăng lượng giấy phép phát ra mỗi tháng thêm 17%, tương đương khoảng 656 chiếc.

 

Sức ép lạm phát

 

Chi phí vận tải đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Singapore lên 5,4% hồi tháng 4, mức cao nhất trong năm nay. Cách đây hơn một tuần, chính phủ nước này dự báo lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong vài tháng tới. Thủ tướng Lý Hiển Long trong bài diễn văn nhân Ngày Lao động quốc tế cho biết mối quan tâm số 1 hiện nay của các lãnh đạo công đoàn là chi phí sinh hoạt.

 

Năm ngoái, chính phủ Singapore đã áp dụng các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, áp thuế cao hơn đối với người nước ngoài mua bất động sản, và giảm lương của cấp bộ trưởng.

 

Hơn 1/3 trong tổng 5,2 triệu dân là người nước ngoài và dân nhập cư. Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore là 2% vào năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 14 năm. Singapore là thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất châu Á, theo báo cáo Mercer hồi tháng 11 năm ngoái.

 

Đảo quốc triệu phú

 

Theo chuyên gia kinh tế Song Seng Wun của công ty CIMB Research Pte ở
Dù chi phí sở hữu ô tô riêng rất cao, nhưng Singapore vẫn có nhiều siêu xe và xe siêu sang vì ở đảo quốc này có tỷ lệ gia đình triệu phú cao nhất thế giới
 
Theo chuyên gia kinh tế Song Seng Wun của công ty CIMB Research Pte ở Singapore, sự an tâm về vấn đề việc đã làm khiến nhiều người muốn mua ô tô hơn, và điều đó đẩy giá cả tăng cao.

 

Theo ông Song, ở một chừng mực nào đó thì ở đây có sự đầu cơ. Do cơ chế cấp phép mua ô tô, bạn có thể kiếm tiền bằng cách mua xe và bán đi sau một năm. Ở hầu hết các nước khác, ô tô là một tài sản mau mất giá, còn ở Singapore thì không như vậy.

 

Ông Song cho biết, cá nhân ông chọn phương tiện tàu điện ngầm và xe buýt. “Ai muốn lái ô tô và trả giá cắt cổ thì cứ việc,” ông nói.

 

Trong khi đó, anh Michael Gomez, 30 tuổi, làm việc tại khu trung tâm tài chính của Singapore, cho biết, vì thấy giấy phép lên giá nhiều, nên anh định bán đi và mua một chiếc xe rẻ hơn.

 

Anh Gomez đã mua một chiếc BMW đời 2009 cách đây một năm với giá 145.000 SGD, và giờ đây chiếc xe vẫn có giá trị khoảng 135.000 USD.

 

“Lẽ ra chiếc xe phải mất giá khoảng 20.000 SGD, nhưng tôi chỉ mất có 10.000 SGD, do sự tăng giá của giấy phép,” anh nói. “Nếu bây giờ chuyển sang loại xe rẻ tiền hơn, thì tôi sẽ tiết kiệm được ít tiền”.

 

Lãnh đạo đảng đối lập - Đảng Dân chủ Singapore, ông Chee Soon Juan cho rằng chính phủ nước này nên sửa đổi hệ thống cấp phép vì nó "thiên vị" người giàu.

 

Số gia đình triệu phú ở Singapore đã tăng 14% trong năm ngoái, theo kết quả khảo sát mà Tập đoàn tư vấn Boston công bố hôm 31/5 vừa qua. Tỷ lệ gia đình triệu phú ở Singapore hiện nay là 17%, cao nhất thế giới, kế đến là Qatar và Cô-oét.

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg