Siêu xe đất Việt - Đằng sau một thú chơi

Siêu xe với giá tiền từ hàng tỷ đến cả chục tỷ, như những cái biệt thự di động, đang lăn bánh trên đường phố Hà Nội, TPHCM ngày càng nhiều. Đằng sau những thú chơi tiền tỷ ấy là gì?

Định nghĩa một siêu xe

 

Có rất nhiều khái niệm để phân thế giới xe thành các thứ hạng, chủng loại khác nhau. Thế nên siêu xe ở đây, cũng được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là những chiếc xe đắt tiền, có giá thành tại chính quốc khoảng 150.000 USD trở lên. Thứ hai, đó phải là những chiếc xe công suất lớn, có tốc độ cao. Với khái niệm này, những chiếc xe có tốc độ tối đa trên 280km/h có thể xếp mình vào hàng ngũ siêu xe.

 

Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc nhóm đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, nền công nghiệp ô tô cực kỳ lạc hậu và đì đẹt nhưng được bảo hộ chuyên nghiệp bởi chính sách thuế.

 

Vì vậy, giá xe ô tô ở nước ta vinh dự được xếp vào một trong những vị trí đắt hàng đầu thế giới, đặc biệt là những chiếc xe được nhập khẩu nguyên chiếc và có dung tích xi-lanh lớn. Chính vì vậy, nếu ở chính quốc, những chiếc S65 AMG (phiên bản cao cấp nhất, sang trọng nhất và tốc độ nhất của dòng xe S-Class do Mercedes sản xuất) mới có giá bán khoảng 170.000 USD - vào ngưỡng của một siêu xe, thì ở Việt Nam, chiếc S300L, phiên bản cơ bản nhất của dòng S-class được phân phối với giá thành khoảng 192.000 USD, vượt tầm giá của chiếc S65.

 

Vì vậy, tiêu chuẩn siêu xe ở nước ngoài về giá không được áp dụng cho Việt Nam, nếu không, ở Việt Nam, rất nhiều siêu xe sang trọng, đắt tiền. Còn về tốc độ, Việt Nam vẫn dùng chung thước đo với thế giới và nếu có khác, sự quy đổi cũng có giá trị tương đương nên không có gì khác biệt.

 

Sở hữu siêu xe - Con đường gian nan
 
Siêu xe đất Việt - Đằng sau một thú chơi  - 1
Bentley Continental GT Speed tại Hà Nội (Ảnh: Việt Hưng)

 

Trước tiên, phải hiểu rằng nếu bạn có điều kiện tài chính để sở hữu một chiếc siêu xe tại Việt Nam, việc lựa chọn mẫu xe nào cũng là hết sức khó khăn. Khó ở đây là làm sao chiếc siêu xe đó phải “độc”, phải lạ. Điểm lại đội hình siêu xe tại Việt nam, chỉ còn thiếu những loại xe sản xuất đơn chiếc như Morgan, TVR của Anh Quốc; Bugatti của Pháp (giờ đã thuộc sở hữu của VW) hay Saleen của Mỹ. Còn đa số các thương hiệu sang trọng như Bentley, Rolls-Royce hay xe thể thao như Ferrari, Lamborghini, McLaren đều đã có các đại diện. Vì vậy, lựa chọn loại xe nào để không “mang tiếng” là theo đuôi, học đòi là rất khó khăn. Sau khi đã lựa chọn được thương hiệu yêu thích và model ưng ý, việc đặt hàng các saloon nhập khẩu chuyên nghiệp tìm được đúng chiếc xe yêu cầu cũng mất một thời gian nhất định.

 

Nhiều khi, các chủ nhân còn phải trả những khoản tiền ngoài để saloon nhập khẩu xe đó về trong thời gian ngắn nhất. Đơn cử như trường hợp của chiếc BMW X6 35xDrive màu đỏ đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Để đặt hàng mẫu xe này, chủ saloon HP Auto ở Hà Nội đã phải trả thêm gần 20.000cUSD để đại diện tại Mỹ có thể rút chiếc xe từ đại lý BMW tại Mỹ ra.

 

Đây cũng là một trong những chiếc X6 đầu tiên có mặt tại showroom ở Mỹ và sau chưa đầy 1 tháng kể từ ngày ra mắt, nó đã có mặt tại Việt Nam. Theo HP Auto, việc đưa chiếc xe này về là nhằm đánh bóng tên tuổi của salon và khẳng định khả năng đặt được hàng “hiếm”, hàng “độc” với các đại gia. Sau chiếc X6, HP Auto cũng là đơn vị đầu tiên nhập khẩu các mẫu xe như BMW 135i, Audi TT 2009, Audi A5, Porsche Cayenne Turbo 2009, Bentley Continental Flying Spur với gói nâng cấp của Mansory.

 

Nhưng nếu các mẫu xe lựa chọn đã có mặt tại Việt Nam rồi, chủ nhân sẽ tìm cách cá tính hóa chiếc xe đó bằng những dấu hiệu riêng. Báo giới đã từng có thời điểm tốn rất nhiều giấy mực để nói về chiếc Rolls-Royce Phantom của bà Dương Thị Bạch Diệp với màu sơn và taplo có khắc tên bà. Nhưng ít ai biết về một đơn hàng khác của đại gia Hà Thành, cũng đặt hàng chiếc Phantom nhưng đại diện của Rolls-Royce đa không đáp ứng được. Chiếc Phantom này, chủ nhân không yêu cầu khắc tên hay màu sơn đặc biệt mà yêu cầu hãng thay thế logo Spirits of Ecstasy thông thường bằng vàng 9999 nguyên chất. Không hiểu vì lý do gì, đơn hàng này không được Rolls-Royce đáp ứng. Vì thế, đại gia này đành bằng lòng với 2 chiếc mui trần, 1 của BMW đã được độ lại và 1 chiếc Bentley.

 

Sau khi xe đã cập cảng, việc sở hữu chiếc xe cũng gây ra tranh cãi trong giới chơi xe. Đó là việc sử dụng biển số như thế nào. Dân chơi xe tạm chia ra làm 2 nhóm, một nhóm chỉ quan tâm tới việc sở hữu chiếc xe và nhóm còn lại quan tâm đến việc sử dụng chiếc xe mà thôi.

 

Nguyên nhân của việc này nằm ở chỗ chính sách thuế nhập khẩu đánh vào các mẫu xe nguyên chiếc tại Việt Nam. Mức thuế tổng cộng rất cao, có thể khiến giá thành chiếc xe đội lên hơn 3 lần so với giá xe nguyên bản.
 
Vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn, lợi dụng chính sách ngoại giao của Chính phủ, không đánh thuế xe của các Đại sứ quán, các tổ chức, văn phòng đại diện đóng tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu đã móc nối để có thể đăng ký để tránh phải nộp thuế. Loại xe này, tạm gọi là xe "biển tây". Nhóm còn lại nộp thuế đầy đủ để đăng ký chiếc xe với biển số Việt Nam, gọi là "xe biển ta" hay "biển trắng".
 
Dùng siêu xe - Ai cũng phải học
 
Siêu xe đất Việt - Đằng sau một thú chơi  - 2
Bộ ba danh giá tại Sài Thành (Ảnh: Otosaigon)

 

Một chiếc xe sang trọng, đắt tiền, tốc độ thì ngoài việc sử dụng những vật liệu xa xỉ, chế tạo thủ công, nó còn được tích hợp rất nhiều những công nghệ hiện đại. Đa phần, những công nghệ này được ứng dụng lại từ máy bay. Đơn cử, hệ thống dẫn dường vệ tinh thế hệ mới hay hệ thống hiển thị thông tin trên kính lái (Head-up Display của BMW) hoàn toàn được rút từ máy bay chiến đấu. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ mà thôi.

 

Những chiếc xe sang trọng ứng dụng công nghệ an toàn tối tân nhất phải kể đến các loại xe của Đức. Mercedes-Benz, BMW, Audi, VW đều là các hãng xe tiên phong về nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, để sử dụng được các tính năng này, cần phải có hiểu biết và vốn ngoại ngữ nhất định.

 

Chính vì vậy, ở các nước phát triển thường có những công ty cho thuê lái xe hạng sang với giá cao ngất ngưởng. Lý do của họ đưa ra là thà trả tiền cho những người hiểu biết sử dụng xe còn hơn là trả chi phí sửa chữa và bảo dưỡng xe nhiều hơn thường lệ. Đây cũng là điều hết sức hợp lý. Người viết bài đã từng phải hỗ trợ giữa đêm cho một chủ nhân chiếc VW đắt tiền bị kẹt số. Lý do hết sức đơn giản.

 

Do người lái xe không biết, chuyển xe về chế độ vận hành 4 bánh tốc độ thấp nên chiếc xe không thể chuyển số cao dù đa đạp ga lút ván và vòng tua máy tăng kinh khủng. Riêng việc tăng vòng tua máy trên 6.500 vòng/phút đối với chiếc xe mới cáu cạnh đa tiềm ẩn nhiều nguy cơ với động cơ xe và hộp số tự động.

 

Hay như chiếc Mercedes S-Class với hàng loạt các chức năng kiểm soát an toàn sẽ không phát huy tác dụng nếu người lái không kích hoạt. Các loại xe thể thao còn có phần phức tạp hơn. Aston Martin sử dụng cơ cấu số bằng nút bấm và cần gạt sau vô-lăng. Nhưng chiếc xe mang nguồn gốc Anh Quốc này lại để phanh đỗ xe (phanh tay) ở bên trái của ghế lái.

 

Lamborghini Gallardo dùng cơ cấu số bán tự động với việc vào số 1 bằng cách kéo cần số có dấu (+) và về “mo” bằng cách kéo đồng thời cả 2 cần (+) và (-). Còn nếu bạn muốn lùi xe, số lùi là một nút nhấn có chữ R ở tận ngoài cùng phía trái bảng điều khiển, gần vị trí của cửa gió điều hòa. Không nói thì thực sự chẳng ai biết mà dùng.

 

Trang web hàng đầu về tin tức ô tô Topspeed Autoblog đã đăng tải hàng loạt các vụ va chạm của siêu xe khắp nơi trên thế giới, trong đó, có lần có tin về việc hai tên trộm lấy cắp chiếc Aston Martin nhưng chỉ đi ra đến đường lớn đã đâm vào gốc cây.

 

Điều đó cho thấy việc sử dụng những chiếc siêu xe chưa bao giờ đơn giản. Vì vậy, một dân chơi xe nổi tiếng đất Hà Thành đã khai tử chiếc Aston Martin DB9 mà phỏng đoán ban đầu có thể do chạy xe không làm chủ tốc độ hoặc một lý do khác kém thuyết phục hơn là... định drift nhưng quên chưa tắt hệ thống ổn định điện tử ESP.

 

Lý do thứ 2 xuất hiện vì cách đấy không lâu, trên internet đa phát tán đoạn băng về chiếc DB9 đó biểu diễn màn “đốt lốp”. Sau đó không lâu, 1 trong 2 chiếc Audi R8 trắng muốt của Hà Thành cũng bị va chạm, vỡ má phanh gốm và một loạt các hư hỏng khác do chủ xe cho mượn và người mượn đã không làm chủ nổi vô lăng "con mãnh thú" 400 mã lực.

 

Ngoài ra, sử dụng những chiếc siêu xe còn đòi hỏi quá trình chăm sóc đặc biệt, đòi hỏi sự tỉ mỉ kỹ lưỡng để đảm bảo cho chiếc xe luôn vận hành tốt và ổn định.

 

Đi siêu xe ở Việt Nam liệu có đáng tiền?

 

Câu trả lời là đáng đến từng đồng so với số tiền mà chủ nhân phải bỏ ra. Người ta thường nói, đường sá Việt Nam (Hà Nội, TPHCM) vừa chật chội, vừa đông đúc, lấy đâu ra chỗ mà chạy tốc độ rồi đến việc những tính năng, công nghệ hiện đại không có chỗ để thi thố và vì thế, siêu xe ở Việt Nam chỉ là sự lãng phí không cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ một lần được thả mình trong salon êm ái, tiện nghi, tĩnh lặng của chiếc Rolls-Royce hay phấn khích đến từng tế bào với cú đạp ga trên chiếc Gallardo thì có lẽ, người ta sẽ phải nghĩ lại.

 

Không ai đi mua siêu xe tốc độ để mỗi lúc ngồi lên là “chân ga sát ván” hay mua xe siêu sang để suốt ngày rong ruổi trên đường cái. Người ta bỏ tiền sở hữu một chiếc xe, ngoài giá trị sử dụng còn có rất nhiều các giá trị vô hình khác. Những siêu xe, ở góc độ sử dụng nào đó đều mang lại những cảm giác thực sự khác biệt mà chỉ chủ nhân của nó mới cảm nhận được.

 

Còn với những người bằng lòng với sự tiện nghi của Camry hay tốc độ của chiếc Civic thì có lẽ, bàn về chuyện sở hữu siêu xe có vẻ hơi thiếu thực tế. Chỉ biết rằng, nếu một lần được ngồi lên những chiếc siêu xe, ai cũng sẽ hiểu giá trị của những chiếc xe đó.

 

Theo TTVH& Đàn ông