Renault – Nissan quyết “bành trướng” ở ASEAN nhờ… Mitsubishi
(Dân trí) - Sau khi nắm quyền kiểm soát và trở thành tập đoàn xe hơi lớn bán nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2017, Renault – Nissan tiếp tục tìm đường mở rộng thị trường của mình tại ASEAN, nơi mà liên doanh tỏ ra lép vế trong khi Mitsubishi thì ngược lại.
Renault-Nissan vượt xa Mitsubishi ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, nhưng câu chuyện ở Đông Nam Á lại khác. Mitsubishi dẫn đầu doanh số ở 4 trong 5 thị trường lớn tại khu vực này, theo số liệu của trang MarkLines, đặc biệt là ở phân khúc SUV và xe điện.
Tại Indonesia - thị trường lớn nhất Đông Nam Á, Mitsubishi bán được khoảng 61.000 xe trong năm 2015, nhiều hơn Renault-Nissan hơn 3.000 xe. Mitsubishi cũng bán được gần 58.000 xe ở Thái Lan - thị trường lớn thứ hai trong khu vực, trong khi Renault-Nissan còn chưa đạt mốc 50.000 xe, dù thực tế là doanh số toàn cầu của Renault-Nissan năm ngoái cao hơn Mitsubishi gấp 8 lần.
Mitsubishi đặt mục tiêu doanh thu xe hơi tăng trưởng 50% tại thị trường ASEAN tại thị trường ASEAN trong vòng 3 năm tới, trong bối cảnh hãng đang nỗ lực phục hồi sau cuộc suy thoái kéo dài do ảnh hưởng của vụ bê bối gian lận nhiên liệu hồi năm ngoái. Đây là một phần trong chiến lược kinh doanh trung hạn mới của Mitsubishi.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/10 tại thủ đô Tokyo, ông Osamu Masuko, CEO của hãng Mitsubishi cho biết sẽ dành 600 tỷ Yen (5,33 tỷ USD) trong 3 năm tới cho chi tiêu vốn, nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng các điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng.
“Ngành công nghiệp xe hơi đang phải đối mặt với những thay đổi to lớn từ các đối thủ mới như Tesla và Uber. Kế hoạch 3 năm tới của chúng tôi là tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, cũng như duy trì khả năng cạnh tranh.”
Theo kế hoạch, Mitsubishi sẽ tiêu thụ 1,3 triệu xe trong năm tài khóa 2019, trong đó 310.000 xe (24%) sẽ đến từ các quốc gia ASEAN, tăng 50% so với năm tài khóa 2016. Các mục tiêu bao gồm tăng 71% doanh thu tại Indonesia, tăng 34% tại Philippines và tăng 36% tại Thái Lan. Mitsubishi nắm giữ 8,3% thị phần tại khu vực Đông Nam Á trong năm tài khóa 2016 và hy vọng sẽ đạt được mức 10% vào cuối năm tài khóa 2019.
Hồi tháng 4/2017, Mitsubishi đã mở một nhà máy mới tại Indonesia với công suất 160.000 chiếc xe mỗi năm. Nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản cho biết, nhà máy mới này nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất mẫu xe đa dụng mới, sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan và Philippines.
Mitsubishi dự định sẽ sử dụng một phần gói ngân sách 600 tỷ Yen để thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực vốn được hãng xem là “nền tảng” cũng như phát triển các dòng xe điện.
Đối với thị trường Trung Quốc, Mitsubishi đặt mục tiêu tăng trưởng 150% doanh số xe hơi lên 220.000 chiếc trong năm tài khóa 2019, so với con số 88.000 chiếc trong năm tài khóa 2016.
CEO Osamu Masuko cũng cho biết, hãng đang xem xét việc sản xuất mẫu SUV mới cũng như tung ra các mẫu xe điện dành riêng cho thị trường Trung Quốc nhằm đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh đối với các loại xe năng lượng mới. Mitsubishi có thể sẽ tăng gấp đôi số lượng đại lý tại thị trường đông dân nhất thế giới lên 400 trong vòng 3 năm tới.
Kế hoạch trung hạn mới nhất của Mitsubishi nhằm mục đích đầu tư đưa hãng trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau khi vướng phải vụ bê bối gian lận nhiên liệu hồi năm ngoái.
Tháng 4/2016, Mitsubishi đã thừa nhận rằng dữ liệu thử nghiệm nhiên liệu trên tất cả 20 mẫu xe được bán ra từ năm 2006 (625.000 chiếc) đã bị can thiệp để cho kết quả ít hơn so với thực tế. Điều đó đã gây thiệt hại nặng nề cho Mitsubishi, buộc hãng phải đền bù cho các khách hàng, các đại lý và nhà sản xuất phụ tùng. Trong năm tài chính 2016, hãng ghi nhận khoản lỗ ròng 198,5 tỷ Yen (1,78 tỷ USD) và doanh số toàn cầu sụt giảm 13%, buộc hãng phải tập trung vào việc cải cách nội bộ.
“Chúng tôi đã gây ra nhiều rắc rối cho khách hàng. Chúng tôi không nghĩ rằng khách hàng hiện đã hoàn toàn tin tưởng vào Mitsubishi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm được điều đó, Đó là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch trung hạn của hãng.”
Ông Masuko cũng thừa nhận rằng, hãng đã sử dụng các sản phẩm đồng và nhôm không đạt chuẩn cam kết của Kobe Steel.
Đối với những bộ phận mua trực tiếp từ Kobe Steel, đến nay Mitsubishi chưa phát hiện vấn đề gì liên quan đến độ an toàn của các sản phẩm bị làm giả dữ liệu chất lượng. Tuy nhiên, đối với các bộ phận mua từ các nhà sản xuất linh kiện khác, hãng vẫn đang điều tra xem liệu họ có sử dụng các sản phẩm thép của Kobe hoặc sử dụng các sản phẩm thép của Kobe như là nguyên liệu đầu vào hay không.
Ông Masuko nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa quyết định có yêu cầu bồi thường hay không. Quyết định đó sẽ được đưa ra sau khi cuộc điều tra của chúng tôi kết thúc.”
Gia Bảo
Theo Tổng hợp