Renault-Nissan - Mô hình liên minh chuẩn cho ngành ô tô
(Dân trí) - Sau gần 20 năm thiết lập quan hệ liên minh, nhờ nền tảng vững chắc của Nissan tại Mỹ cùng sự thành công của Renault ở Tây Âu, Renault-Nissan đã phát triển vượt bậc, cùng nhau đi lên và được coi là một chuẩn mực về mô hình liên kết.
"Cuộc hôn nhân" hiện đại
Liên minh Renault-Nissan hình thành từ sự kết hợp giữa tập đoàn Renault của Pháp và thương hiệu Nissan của Nhật. Giờ đây, liên minh này kết nạp thêm Mitsubishi Motors.
Từ trước đến nay, mối quan hệ đối tác giữa Renault và Nissan diễn ra khá tốt đẹp. Không chỉ chia sẻ công nghệ, hai hãng xe lớn trên thế giới còn hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực chế tạo xe điện. Tuy nhiên, hai “ông lớn” Renault và Nissan chưa nghĩ đến việc sáp nhập, ít nhất là theo quan điểm của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Carlos Ghosn.
Ông Ghosn từng so sánh quan hệ đối tác này với một cuộc hôn nhân: hai người không cần phải “hội tụ” về một điểm khi kết hôn mà mỗi người vẫn giữ cá tính riêng của mình và cùng xây dựng một cuộc sống, được kết hợp bởi các lợi ích và mục tiêu chung.
Dưới con mắt của các nhà phân tích, mối quan hệ giữa Renault và Nissan không phải là một vụ sáp nhập hay thâu tóm. Hai doanh nghiệp này được "buộc" với nhau thông qua một thỏa thuận lưu giữ cổ phần chéo. Đây là cấu trúc độc nhất trong ngành công nghiệp ô tô trong suốt xu hướng hợp nhất doanh nghiệp những năm 1990 và sau này được dùng làm hình mẫu trong kế hoạch hợp nhất của General Motors và PSA Peugeot Citroen.
Theo đó, Renault-Nissan phát triển theo hướng mỗi công ty hoạt động theo lợi ích tài chính của bên còn lại, trong khi vẫn duy trì thương hiệu riêng và văn hóa doanh nghiệp độc lập. Renault hiện sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan, còn Nissan sở hữu 15% cổ phần của Renault. Mục tiêu của sự kết hợp là tăng tính kinh tế cho cả Renault và Nissan mà không “nuốt” đi cá tính của một trong hai.
Như vậy, Renault và Nissan sẽ vừa phát triển độc lập, vừa hướng tới mục tiêu chung, làm lợi cho đối tác liên minh. Hồi tháng 10/2016, thông qua Nissan, liên minh này đã chi khoảng 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors.
Những con số biết nói
Có vẻ như cách thức hợp tác này đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ khi Renault-Nissan là một trong số ít các liên doanh xuyên lục địa trụ vững từ ngày đầu thành lập cho đến nay.
Theo số liệu mới được công bố, Renault-Nissan duy trì vị trí đứng đầu trong dòng xe không khí thải với doanh số bán lên đến 424.797 xe chạy điện. Đặc biệt, mẫu xe Nissan LEAF thống trị thị trường xe điện với 250.000 xe được bán ra kể từ tháng 12/2010.
Renault-Nissan khẳng định, từ nay đến năm 2020 sẽ đưa ra ít nhất 10 mẫu xe trang bị chức năng tự hành, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các tên tuổi lớn như Microsoft và NASA. Renault-Nissan hiện có đội ngũ nhân viên lên tới gần 450.000 người, kiểm soát các thương hiệu ô tô lớn của thế giới như Nissan, Renault, Infiniti, Dacia, Datsun, Venucia, Lada, Mitsubishi…
Theo thống kê, cứ 10 xe được bán ra trên thị trường toàn cầu thì hơn 1 chiếc thuộc Renault-Nissan. Doanh số bán xe toàn cầu năm đạt 9,96 triệu xe, tăng gần 17% so với năm 2015.
Về mảng kinh doanh riêng, năm 2016, doanh số bán của Renaults tăng 13,3%, ghi dấu năm thứ tư liên tiếp doanh số tăng trưởng. Thị phần và doanh số bán tại tất cả các khu vực đều tăng, đưa Renault trở thành thương hiệu ô tô lớn tại châu Âu.
Cũng trong năm 2016, Nissan bán ra lượng xe kỷ lục 5.559.902 chiếc ô tô và xe tải trên toàn cầu, tăng 2,5% so với năm 2015. Doanh số bán của Nissan tại Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 5,4% và 8,4% - đều là các mức cao kỷ lục mới tại hai thị trường này. Hơn 230.000 xe mang thương hiệu Infiniti được bán ra trong năm 2016, tăng 7% so với năm trước đó.
Trong khi đó, tổng lượng xe bán được trên toàn cầu của Mitsubishi đạt 934.013 chiếc. Trong năm 2016, doanh số bán của Mitsubishi tăng tại Mỹ và Australia nhưng giảm ở Brazil, Nga và Trung Đông. Doanh số bán tại Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi niềm tin người tiêu dùng giảm sút sau vụ bê bối gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu của Mitsubishi.
Sau khi lập quan hệ đối tác với Mitsubishi, Nissan dự đoán lợi nhuận liên kết sẽ đạt 24 tỷ yên trong tài khóa 2017 và tăng lên 60 tỷ yên trong tài khóa 2018.
Theo giới quan sát, thị trường ô tô toàn cầu đang đối mặt với nhiều thử thách như xu hướng thắt chặt kiểm soát tiêu chuẩn ô tô, thị trường châu Âu biến động khi Anh rời EU, quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump... Đây cũng có thể là những chướng ngại không nhỏ, thử thách sức bền của liên minh Renault-Nissan.
Khánh Duy