Ford Ranger Raptor khác gì xe Ford Ranger thông thường?
(Dân trí) - Mặc dù dùng tên Ranger, nhưng Ranger Raptor được nhiều chuyên gia đánh giá là một mẫu xe hoàn toàn mới chứ không đơn thuần chỉ là một phiên bản nâng cấp của mẫu bán tải hạng trung của Ford.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế là còn khoảng trống khá lớn giữa các mẫu bán tải full-size F-150 với các mẫu bán tải một tấn Ranger, và đặc biệt là kế thừa sự thành công của dòng xe này tại các thị trường châu Á và châu Phi, Ford đã quyết định một mặt làm phong phú thêm danh mục sản phẩm của mình, mặt khác củng cố và gia tăng vị thế của mình trước các đối thủ.
Ranger Raptor ra đời nhằm giúp các khách hàng có nhu cầu cao hơn đối với một chiếc bán tải hạng trung tiêu chuẩn, với hàng loạt nâng cấp có sẵn trên xe, từ sức mạnh động cơ, hệ thống treo, cho đến các trang bị tiện nghi bên trong xe.
Ford Ranger Raptor ra đời sẽ cạnh tranh cùng các đối thủ Chevrolet Colorado ZR2 và Toyota Tacoma TRD Pro.
Chịu trách nhiệm phát triển mẫu Ranger Raptor là bộ phận nghiên cứu phát triển xe hiệu năng cao Ford Performance, nơi đã cho ra đời Ford GT, Mustang, Focus RS hay mẫu crossover Edge ST 2019 tới đây...
Khung gầm hoàn toàn mới
Đầu tiên là hệ thống khung gầm hoàn toàn mới khiến Ranger Raptor, ngoại trừ cái tên, chẳng có vẻ gì là liên quan đến Ranger phiên bản tiêu chuẩn. Với kích thước 5.398 x 2.180 x 1.873 mm (dài, rộng, cao), so với chiếc Ranger Wildtrak 3.2L, Ranger Raptor dài hơn khoảng 35 mm, rộng hơn 150 mm và cao hơn khoảng 13mm. Đặc biệt, xe được nâng độ cao gầm thêm 83 mm (lên thành 283 mm) và cải tiến khả năng offroad với các thông số về góc tới 32,5 độ, góc thoát 24 độ và góc vượt dốc 24 độ.
Hệ thống khung gầm, động cơ, hộp số hoàn toàn mới trên Ranger Raptor
Hệ thống treo và bộ lốp chuyên dụng
Loại bỏ bộ lốp thông thường, Ford trang bị cho Ranger Raptor bộ lốp offroad được ưa thích BF Goodrich All-terrain kích thước 285/70 (thương hiệu lốp hiện là thương hiệu con của Michelin). Hệ thống phanh cũng được nâng cấp với đường kính 332 mm đi kèm 4 piston mỗi phanh (tiết diện má phanh lớn hơn 9,5 mm so với Ranger Wildtrak 3.2).
Bộ lốp chuyên dụng và bộ giảm xóc Fox Racing Shox cung cấp cho Ranger Raptor
Đặc biệt, hệ thống giảm chấn của Ranger Raptor là loại độc lập cả bốn bánh với liên kết đa điểm kết hợp với lò xo và giảm chấn thủy lực do Fox Racing Shox cung cấp. Sự khác biệt này mang tới khả năng thích ứng với địa hình xấu tốt hơn (giảm vặn xoắn, văng đuôi…) so với loại nhíp lá và giảm giấn thủy lực thông thường trên Ranger nói chung.
Hiệu quả của hệ thống treo mới giúp Ranger Raptor ổn định và giữ thăng bằng tốt hơn
Nhà cung cấp cho biết, hệ thống giảm chấn này, với cảm biến vị trí Position Sensitive Damping (PSD) sẽ đảm bảo khả năng thích ứng tốt hơn khi nén/hồi tốt hơn (compression/rebound).
Động cơ và hộp số mới
Ford trang bị cho Ranger Raptor động cơ diesel hiệu suất cao hoàn toàn mới - EcoBlue 2.0L với hai tăng áp (loại nhỏ dành cho vòng tua thấp và một chiếc lớn hơn dành cho việc vận hành với tốc độ động cơ cao). Ford hứa hẹn việc triển khai hai tăng áp trên động cơ diesel mới này sẽ hạn chế hiện tượng “trễ” tăng áp vốn có trên các loại động cơ Duratorq hiện hành của hãng.
Mẫu xe này được Ford hào phóng trang bị hộp số tự động 10 cấp (tương tự trên mẫu F-150 nhưng được tinh chỉnh để phù hợp với động cơ Ecoblue 2.0L), với hệ thống gài cầu và khóa vi sai điện tử (lấy lại trên Wildtrak).
Động cơ này giúp Ranger Raptor đạt công suất 213 mã lực (157 kW) tại 3.750 vòng/phút và momen xoắn cực đại 500 Nm từ 1.750 - 2.000 vòng/phút. Sức mạnh này hơn tương đương với động cơ Duratord I5 3.2L trên Ranger Wildtrak (200 mã lực, 470 Nm), tuy nhiên về hiệu suất sẽ cần trải nghiệm thực tế khi mà Ranger Raptor nặng tới 2.322 kg, nặng hơn Ranger Wildtrak 3.2L tới 72 kg.
Nhiều chế độ vận hành
Ford Ranger Raptor được cung cấp hệ thống Quản lí địa hình Terrain Management System (TMS), tương đương trên F-150 Raptor, với 6 chế độ vận hành khác nhau, trong đó có hai chế độ onroad là Normal và Sport, bốn chế độ địa hình còn lại bao gồm chế độ chạy trên cỏ/sỏi đá/tuyết (Grass/Gravel/Snow), chế độ chạy trên bùn/cát (Mud/Sand), chế độ đi địa hình khó Rock mode và cuối cùng là chiếc Baja mode - chế độ chạy đường địa hình với tốc độ cao, chế độ mà các kỹ sư của Ford đặt mục tiếp giúp chiếc Ranger Raptor đạt tốc độ lên tới 170 km/h.
Ngoài ra, một số nâng cấp trên chiếc Ranger Raptor cũng được Ford trang bị nhằm tăng tính tiện nghi như hệ thống lẫy chuyển số bằng nhôm trên tay lái với kích thước to bản, bộ ghế thể thao...
Việt Hưng