Quy định bảo dưỡng định kỳ: Bắt buộc hay không bắt buộc?

(Dân trí) - Theo Thông tư 53/2014/TT-BGTVT, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải được bảo dưỡng định kỳ từ ngày 1/12/2014. Quy định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng và sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông và không áp dụng với các loại xe với mục đích an ninh, quốc phòng.

Bảo dưỡng 6 tháng/lần: Dân ôtô lo bị ‘chém’ đẹp

Mục đích của thông tư này là bắt buộc phải luôn duy trì tình trạng kỹ thuật tốt phương tiện xe cơ giới giữa hai kỳ kiểm định, hướng tới đảm bảo sự an toàn trong giao thông cho cho tất cả mọi người.

Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định: Xe cơ giới phải duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua biện pháp bảo dưỡng bắt buộc hoặc sửa chữa theo yêu cầu. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra xe cơ giới để đưa ra giải pháp phù hợp. Xe cơ giới phải được bảo dưỡng khi hoạt động đến chu kỳ bảo dưỡng theo quy định. Và chu kỳ bảo dưỡng của xe phải được xây dựng phù hợp trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác sử dụng (địa hình hoạt động, phân vùng lãnh thổ, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật)

Một quan chức cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và việc bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Việc kiểm định an toàn kỹ thuật hiện nay đang được thực hiện thông qua công tác kiểm định tại các trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, trong khi đó việc bảo dưỡng là công việc dự phòng được chủ xe và lái xe tiến hành sau một chu kỳ vận hành nhất định trong khai thác nhằm duy trì trạng thái kỹ thuật tốt của xe cơ giới. Việc thực hiện bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới sẽ góp phần phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu hư hỏng, thực hiện duy trì tình trạng tốt của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông.

Trong nội dung thông tư có quy định khá kỹ về quy định bảo dưỡng định kỳ cũng như bảo dưỡng thường xuyên cũng như trách nhiệm của cơ sở thực hiện việc bảo dưỡng xe cơ giới như; yêu cầu về trang thiết bị, xây dựng quy trình kỹ thuật cho cho phù hợp với từng kiểu loại xe cơ giới…

Tuy nhiên, thông tư 53/2014/TT-BGTVT mang tính “vận động” hơn là quy định bắt buộc, bởi nội dung thông tư không yêu cầu chủ xe, lái xe phải xuất trình sổ bảo dưỡng hay bất kỳ loại giấy tờ có giá trị nào chứng minh việc đã thực hiện việc bảo dưỡng giữa các chu kỳ đăng kiểm tại bất cứ một  cơ quan có thẩm quyền nào liên quan đến quản lí xe cơ giới như cục Đường bộ, cục Đăng kiểm hay các cơ quan chức năng có liên quan nào khác.

Và hiện tại, từ ngày 1/12/2014 vừa qua, thực tế tại các trạm Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội hiện chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn yêu cầu phải kiểm tra giấy chứng nhận bảo dưỡng đối với các loại xe cơ giới tới thực hiện đăng kiểm. Ngoài ra, những cơ sở nào đủ điều kiện tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, các kỹ thuật viên nào đủ trình độ… cũng không có quy định nào cụ thể.

Đóng góp ý kiến cho thông tư này, ngay cả một cán bộ hiện đang làm việc tại một trạm Đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội cho biết; Đây là quyết định rất đúng đắn của Bộ GTVT nhưng để đưa quy định này vào thực tiễn, nên có lộ trình cụ thể hơn là chỉ đưa ra các vấn đề chung, không rõ ràng. Trong khi đó, thực tế hoàn toàn có thể đưa quy định bắt buộc này với các cá nhân, tổ chức hiện đang là đối tượng kinh doanh vận tải.

Về mục đích sâu xa của Thông tư 53/2014/TT-BGTVT thì đã rõ ràng, nhưng với một văn bản pháp quy ra đời là sự tập trung của rất nhiều công sức và sự sáng tạo của các nhà quản lí, tuy nhiên để những nỗ lực đó mang lại hiệu quả trong đời sống thực tế, rõ ràng cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa để người dân, những người đang sở hữu xe, lái xe thực hiện tốt việc nâng cao an toàn giao thông.

Tải xuống toàn văn Thông tư 53/2014/TT-BGTVT tại đây

Việt Hưng

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Volvo
 
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Volvo