Ôtô giảm sản lượng, đóng cửa nhà máy do ế ẩm
Chưa khi nào người tiêu dùng được chứng kiến cảnh các doanh nghiệp ô tô đẩy mạnh kích cầu như trong tháng 4/2012. Giá mỗi chiếc ô tô được giảm ít cũng từ 30 triệu cho đến hơn 100 triệu đồng và diễn ra ở hầu hết các thương hiệu.
Giảm giá trăm triệu vẫn khó bán
Đầu tháng 4/2012, Honda Việt đã quyết định tặng khách hàng mua xe Civic từ 40 - 55 triệu đồng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.
Cũng vào đầu tháng 4/2012, GM Việt Nam đã tung “chiêu khủng” hiếm thấy trên thị trường ôtô Việt Nam là miễn toàn bộ phí bảo trì, kiểm tra định kỳ, sửa chữa và thay thế phụ tùng cho khách hàng mua ba dòng xe mới mang thương hiệu Chevrolet kéo dài 2 năm là Orlando, Captiva và Spark. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm thiệt hại vật chất trong hai năm và hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe trong tháng 4 với giá trị hơn 50 triệu đồng/xe.
Trong khi đó, Trường Hải tiếp tục kích cầu cho dòng xe thể thao đa dụng Kia Sorento lắp ráp trong nước với mức ưu đãi tới 100 triệu đồng, bao gồm giảm giá, tặng phim cách nhiệt, tặng 1 năm bảo hiểm vật chất...
Công ty VinaMazda cũng công bố chương trình khuyến mại khủng và các mức ưu đãi khi mua xe có trị giá 35 đến 80 triệu đồng.
Với xe nhập khẩu, Renault cũng đang giảm mạnh gía bán xe. Mẫu sedan hạng sang Pluence có giá công bố 1,046 tỷ đồng, nay với số tiền 920 triệu đồng là có thể mua được một chiếc.
Chưa khi nào người tiêu dùng được chứng kiến cảnh các doanh nghiệp ô tô đẩy mạnh kích cầu như trong tháng 4/2012.
Ngược về quãng thời gian ba tháng đầu năm cũng thấy rõ, các chương trình kích cầu kích cầu thị trường liên tiếp diễn ra. Ngay sau khi lệ phí trước bạ đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi loại mới tăng mạnh tại Hà Nội và TP.HCM, các hãng xe từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu nguyên chiếc đã đua nhau tung ra các chương trình khuyến mại, trợ giá.
Có thể kể đến như Mercedes-Benz hỗ trợ 3% lệ phí trước bạ, BMW Euro Auto trợ giá đến 200 triệu đồng, Renault “gánh” giúp khách hàng 30% trên tổng lệ phí trước bạ... Khi lệ phí trước bạ, phí cấp biển số tăng, xăng tăng giá, kinh tế khó khăn khiến lượng xe tiêu thụ giảm mạnh, nhiều DN ô tô không bán được hàng đang gặp nhiều khó khăn.
Các DN cho biết, việc giảm giá khuyến mại chỉ là biện pháp cực chẳng đã bởi chi phí đầu vào tăng lên, đầu ra không có, lại phải khuyến mãi khủng thì chỉ có thua lỗ. Nhưng họ bắt buộc phải làm như vậy để giải phóng hàng tồn kho, khơi thông dòng vốn, duy trì sản xuất...
Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, mặc dù tính chung cả quý I/2012, tổng lượng xe bán ra đạt 17.891 chiếc, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp ô tô dừng sản xuất
Thời gian qua Ford Việt Nam đã phải tạm ngừng sản xuất 2 tuần do lượng hàng tồng kho tăng cao. Hiện nay GM cũng đang tạm ngừng sản xuất. Trường Hải Auto cũng cho biết họ đã phải giảm tới 50% công suất với nhà máy lắp ráp xe du lịch do ô tô tiêu thụ giảm mạnh và hàng tồn kho tăng cao.
Hiện một số doanh nghiệp như Ford, GM Việt Nam có lượng hàng tồn kho tăng lên tới cả nghìn chiếc vì vậy việc kích cầu giảm giá khủng là điều hiếm khi thấy. Trước đây, mức giảm giá nhiều nhất với ô tô cũng chỉ tới 30 triệu đồng /xe, nhưng nay thì đây lại trở thành mức giảm giá thấp nhất.
Ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho biết, thị trường đang rất khó khăn, các nhà sản xuất ô tô đang phải nỗ lực hết sức để thúc đẩy bán hàng, việc tăng mạnh các chương trình khuyễn mãi giảm giá xe không ngoài mục đích giành giật thị phần. Cạnh tranh đang diễn ra hết sức khốc liệt và nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi thua lỗ.
Tháng 4/2012 mặc dù liên tục khuyến mãi nhưng theo các doanh nghiệp doanh số bán xe vẫn không cao. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng các doanh nghiệp cho biết xe bán rất khó khăn. Cứ nhìn vào chỉ số giá tháng 4, tăng 0,05% thì thấy, người dân đã chẳng có tiền để chi tiêu, nhiều mặt hàng thiết yếu còn không có tiền mua thì nói gì đến mua ô tô, ông Trần Bá Dương nói.
Chính vì vậy dù đẩy mạnh khuyến mãi nhưng cũng không ăn thua, xe vẫn tồn kho. Tình hình này kéo dài, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, sa thải nhân công là điều khó tránh khỏi.
Theo Trần Thủy
VEF