Ô tô Trung Quốc chật vật vào châu Âu
(Dân trí) - Trong 3 quý đầu năm 2009, tổng số ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang EU chỉ đạt 745 chiếc, theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA). Đường vào thị trường khó tính này chưa bao giờ dễ dàng.
Hai nhà sản xuất tiên phong là Brilliance Auto và Landwind chỉ xuất khẩu được 8 và 1 chiếc xe sang EU trong 3 quý đầu năm 2009.
Zhong Shi, một chuyên gia về ô tô ở Trung Quốc, chia sẻ, ông biết rằng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang EU thấp, nhưng không ngờ là lại thấp đến vậy.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã quyết định chinh phục thị trường EU từ cách đây 4 năm, nhưng cho đến nay vẫn chỉ đứng ngoài thị trường châu Âu, theo kênh thông tin CBN của Trung Quốc.
Hiện có 5 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc là Brilliance Auto, Chana Auto Co Ltd, Great Wall Motors, Landwind và tập đoàn Lifan đang xuất khẩu ô tô sang EU.
Trong 9 tháng đầu năm 2009, nhà xuất khẩu lớn nhất là Great Wall Motors cũng chỉ bán được 675 xe sang EU. Cùng kỳ, Landwind, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên bán xe tại EU chỉ bán được duy nhất một chiếc ở châu Âu. Chana, công ty ở Trùng Khánh với 6 nhà máy ở nước ngoài, cũng chỉ bán được 34 xe trong 3 quý đầu năm 2009. Trong khi đó, Lifan, cũng ở Trùng Khánh, chỉ bán được 24 chiếc.
Các thị trường ô tô ở Nga và Đông Âu dễ tiếp cận hơn, nhưng vì thị trường toàn cầu sụt giảm, nên các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vấp phải những trở ngại lớn hơn.
Trong 10 tháng đầu năm nay, công ty Chery của Trung Quốc tiêu thụ được 3.860 xe tại Nga, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng 1/9 đỉnh doanh số năm của hãng tại Nga là gần 30.000 chiếc.
Lifan, BYD và Great Wall Motor cũng chứng kiến xuất khẩu xe sang Nga giảm mạnh. Xuất khẩu xe của cả Great Wall Motors và BYD sang Nga đều giảm hơn 70%.
Là một trong những thị trường ô tô phát triển, châu Âu có những tiêu chuẩn cao hơn Nam Mỹ và châu Phi. Do đó, các công ty ô tô Trung Quốc đã khá thành công ở châu Phi và Trung Đông nhưng vẫn chật vật với thị trường EU.
Cựu chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Đức, ông Bernd Gottschalk, cho rằng mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mở ra nhu cầu lớn đối với ô tô giá rẻ, nhưng châu Âu cũng sẽ không trở thành thị trường lớn của những mẫu xe giá rẻ như Tata của Ấn Độ.
Thách thức lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc muốn chinh phục thị trường châu Âu là độ an toàn và nồng độ khí thải của xe, chứ không phải cạnh tranh về giá, theo ông Gottschalk. Các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nghiêm ngặt và sự kiểm soát nồng độ khí thải CO2 là điểm mấu chốt.
Trước đây, hai công ty Brilliance và Landwind đều đã không được điểm cao trong các bài kiểm tra va chạm ở Đức, khiến các phương tiện truyền thông ở đây đưa tin ô tô Trung Quốc “chất lượng kém”. Việc này khiến con đường vào châu Âu của ô tô Trung Quốc càng thêm chông gai.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Zhong, ô tô Trung Quốc đã có khả năng cạnh tranh khá tốt, vấn đề chỉ là hình ảnh thương hiệu chưa tốt, nên khó vào châu Âu.
Giống như quyết tâm vào Mỹ của nhà sáng lập Honda, ông Soichiro Honda, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng chinh phục thị trường châu Âu sau nhiều thất bại và sẽ điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế.
Sau khi đã mở một nhà máy ở Mexico, Chana đang cân nhắc mở rộng sang Thổ Nhĩ Kỳ. Chery đã bắt đầu đàm phán để xây dựng một nhà máy liên doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ; Geely và Great Wall Motor cũng đã bắt đầu tuyển nhân sự ở đây.
Jin Gebo, trợ lý giám đốc của Chery, cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mời họ xây dựng nhà máy tại đây. Theo một nguồn tin, Chery và một đối tác tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cùng rót vốn xây dựng một nhà máy mới. Tổng vốn đầu tư sẽ lên đến 500 triệu USD và nhà máy dự kiến có công suất 100.000 xe/năm, theo CBN.
Ông Zhong cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn lý tưởng xét trên yếu tố địa lý thuận lợi và nhân công giá rẻ. Ngày càng nhiều các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhắm tới Thổ Nhĩ Kỳ để tạo dựng cơ sở chinh phục thị trường châu Âu khó tính.
Hiện tại, nhiều công ty ô tô Trung Quốc, như Chana, Chery và Geely đều đã có nhà máy ở nước ngoài, nhưng chỉ để lắp ráp. Linh kiện, phụ tùng được sản xuất ở Trung Quốc, sau đó chuyển sang các nhà máy ở nước ngoài để lắp ráp và tiêu thụ.
Nhật Minh
Theo ChinaDaily