Nissan và Renault dồn dập thay CEO sau bê bối gian lận tài chính của lãnh đạo
(Dân trí) - Nissan đã chọn được một người trong nội bộ làm CEO mới của công ty, trong khi đối tác liên minh - Renault có thể cũng sẽ bắt đầu phải tìm CEO mới.
Ông Makoto Uchida hiện là người đứng đầu chi nhánh của Nissan tại Trung Quốc, thị trường đóng góp gần 1/3 doanh thu cho công ty. Trước đó, ông Uchida phụ trách hoạt động mua sắm của liên minh Renault-Nissan. Ông được coi là người có quan điểm ủng hộ quan hệ liên minh giữa Renault và Nissan.
“Hội đồng quản trị xét thấy ông Uchida là người lãnh đạo phù hợp với tình hình hiện tại của công ty, có thể giúp công ty tăng trưởng,” ông Yasushi Kimura, chủ tịch Nissan cho biết. “Chúng tôi kì vọng ông Uchida sẽ đoàn kết lại bộ máy công ty, ngay lập tức tập trung vào việc khôi phục hoạt động kinh doanh và thổi luồng sinh khí mới cho công ty.
Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tới đây.
Ông Uchida sẽ phối hợp công việc với ông Ashwani Gupta, một cựu lãnh đạo Renault, đồng thời cũng là giám đốc hoạt động của Mitsubishi, và ông Jun Seki, người vừa được bổ nhiệm làm phó giám đốc hoạt động, tạo thành một bộ máy lãnh đạo mới cho Nissan.
Một nguồn tin cho biết từ phía Renault chia sẻ với trang Automotive News rằng việc lựa chọn ông Uchida và Gupta là một thắng lợi của liên minh sản xuất ô tô này. Cả hai đều nắm rõ tình hình kinh doanh và sẵn sàng giúp Nissan hồi phục sau vụ bê bối gian lận tài chính của CEO trước là ông Carlos Ghosn.
“Chúng tôi hy bọng ông Gupta và Seki có thể sử dụng hết kinh nghiệm và năng lực của mình để hỗ trợ cho CEO mới,” ông Kimura cho biết thêm.
Trong khi đó, Renault có thể cũng đang phải tìm người thay thế CEO Thierry Bollore trong cuộc họp hội đồng quản trị tới đây nhằm tiếp tục cải thiện quan hệ với đối tác Nhật Bản trong liên minh Renault-Nissan.
Theo trang Le Figaro, chủ tịch Renault - ông Jean-Dominique Senard sẽ yêu cầu hội đồng quản trị bắt đầu tìm người kế nhiệm ông Bollore trong phiên họp tới đây của hội đồng quản trị dự kiến diễn ra vào ngày 18/10.
Ông Bollore, người khá thân với cựu chủ tịch của Renault và Nissan - ông Carlos Ghosn, thể hiện sự ủng hộ với sếp cũ khi ông này bị bắt giữ vì các cáo buộc gian lận tài chính.
Nissan không tin ông Bollore, trong khi quan hệ của ông với chủ tịch Renault được miêu tả là chỉ ở mức giữ phép lịch sự, theo tờ Les Echos. Nhiều lãnh đạo của Renault băn khoăn không biết tại sao ông Bollore, và đồng minh Carlos Ghosn, vẫn còn lãnh đạo công ty trong khi các vị lãnh đạo khác đã bỏ đi hoặc bị ép ra đi.
Một số lãnh đạo cấp cao của Renault gần đây cũng đã rời bỏ công ty, trong đó có nhiều người đầu quân cho đối thủ cạnh tranh - PSA. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa họ với ông Bollore không hề tốt đẹp. Cựu phó chủ tịch liên minh - ông Arnaud Deboeuf đã bỏ Renault để sang PSA làm giám đốc chiến lược ngành, nêu rõ lý do là vì bị ông Bollore o ép.
Mọi sự thay đổi về lãnh đạo cấp cao của Renault có thể giúp hàn gắn mối quan hệ với đối tác Nissan trong bối cảnh hãng xe Nhật Bản cũng vừa có CEO mới như đề cập ở trên.
Nhật Minh