Nissan và 50 năm chinh phục thị trường Mỹ
(Dân trí) - Sự thành công của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Mỹ trên thực tế có nhiều khó khăn và trở ngại, chứ không phải là con đường bằng phẳng như nhiều người nhầm tưởng. Với Nissan cũng vậy.
Thời gian đầu đến Mỹ, Nissan sử dụng tên gọi Datsun, với những mẫu xe con và việt dã/bán tải hình thức kém hấp dẫn nhưng có tính thực tế cao.
Ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ sau Thế chiến thứ 2 bắt đầu vào năm 1957, với số lượng cầm chừng, khi Toyota mở chi nhánh bán hàng đầu tiên tại Mỹ ở tiểu bang California. Datsun theo sau đó một năm, bắt đầu với mẫu Datsun 1000, loại xe sedan cỡ nhỏ, công suất chỉ 37 mã lực, tốc độ tối đa chỉ hơn 100km/h, tăng tốc 0-100km/h mất tới gần 50 giây.
Năm 1960, Nissan quyết định lập hệ thống phân phối của mình tại Mỹ, và bổ nhiệm ông Yutaka Katayama làm phó chủ tịch. Trả lời phỏng vấn của tạp chí New York Times qua email, ông Katayama, hiện 98 tuổi và đang sống ở Tokyo, nói: “Khẩu hiệu của tôi khi đó là các đại lý kiếm tiền trước, sau đó mới đến chúng tôi”.
Katayama là người có ảnh hưởng khá lớn trong thời gian đầu của Datsun trên thị trường Mỹ. Thực tế là cho đến nay ông vẫn được coi là một huyền thoại của những người hâm mộ thương hiệu Datsun, và thường được gọi là Mr. K.
Datsun, hay Nissan, lần đầu tiên thực sự gây được chú ý trên thị trường Mỹ là vào cuối thập niên 50, như một nhà tiên phong trên thị trường xe bán tải cỡ nhỏ. Mẫu Datsun 520 lập tức gây sốt sau khi ra mắt và giúp Datsun thống lĩnh phân khúc thị trường này trong suốt 10 năm.
Trong khi đó, nỗ lực đầu tiên của Datsun nhằm chinh phục khách hàng yêu thích xe thể thao của Mỹ là mẫu SPL 310 ra mắt năm 1962. Trong vòng đời 18 năm sản xuất, mẫu xe mui xếp này được biết đến với nhiều tên gọi, trong đó có Fairlady, 1600 và 2000. Do đó, để thống nhất, mọi người thường gọi chung là xe mui trần Datsun.
Đầu thập niên 60, Nissan “chân ướt chân ráo” bước vào phân khúc xe thể thao việt dã SUV với mẫu Patrol có hình thức giống dòng xe jeep của Mỹ. Mẫu xe này không mấy thành công tại Mỹ.
Sau những thành công nhất định với dòng bán tải cỡ nhỏ và xe thể thao mui trần, Datsun bắt đầu chinh phục thị trường sedan cỡ nhỏ với mẫu 510 vào năm 1971. Về tính năng vận hành, Datsun 510 hầu như không thua kém các xe BMW 1600 và 2002, với hệ thống treo độc lập và động cơ vận hành êm.
Cùng với đồng hương Toyota, Nissan muốn thay đổi quan niệm của ngành công nghiệp ô tô về xe Nhật Bản. Nissan quyết tâm sản xuất một mẫu xe thể thao có tính năng vận hành vượt các đối thủ cạnh tranh, trong khi giá bán rẻ hơn. Kết quả là sự ra đời của xe Nissan 240Z.
Với khả năng tăng tốc 0-100km/h trong khoảng 8 giây và tốc độ tối đa 193km/h, mẫu 240Z của Nissan được xếp ngang hàng với xe Porsche 911T, nhưng giá lại rẻ hơn một nửa. Năm 1970, tạp chí Road & Track của Mỹ đã phải thừa nhận sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và cho rằng đã đến lúc các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu nên dè chừng.
Cho đến nay, các xe thể thao dòng Z của Nissan vẫn rất được ưa chuộng.
Năm 1979, Nissan bắt đầu thay đổi phong cách thiết kế, với dòng xe cỡ lớn, hình thức góc cạnh và trọng lượng nặng hơn. 300ZX (giờ đây dưới thương hiệu Nissan thay cho Datsun) là một trong những mẫu xe nhiều trang thiết bị hiện đại nhất hồi thập niên 80, với bảng điều khiển kỹ thuật số có la bàn, loa ở ghế ngồi…Mẫu xe này bị chỉ trích khá nhiều về sự rắc rối và phức tạp trong thiết kế, cho đến khi phiên bản mới xuất hiện vào năm 1990. Tuy nhiên, về tính năng vận hành vẫn bị chê, đặc biệt là phiên bản động cơ tăng áp kép.
Các mẫu sedan của Datsun, hay Nissan, đã trải qua đủ cung bậc thăng trầm trên thị trường Mỹ. Các mẫu như B210 và F10 dù doanh số không quá tệ nhưng bị chê là có hình thức “kỳ cục” và yếu ớt. Mẫu 710 bị chỉ trích là bắt chước kiểu dáng trong khi giá lại đắt.
Những cú “lội ngược dòng” đáng chú ý của Nissan trên thị trường xe sedan Mỹ được đánh dấu bằng các mẫu 300ZX vào năm 1990 và Sentra SE-R năm 1991.
Nhật Minh
Theo NYT