Nissan mạnh tay đầu tư cho siêu dự án sản xuất ô tô điện, sẽ ra 3 xe mới

Gia An

(Dân trí) - Với khoản đầu tư lên tới 3 tỷ bảng Anh (khoảng 92 nghìn tỷ đồng), thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm cao độ để hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon hoàn toàn vào năm 2050.

Nissan mới đây thông báo rằng hãng sẽ "bơm" thêm 2 tỷ bảng Anh vào dự án EV36Zero của mình tại thành phố Sunderland (Anh), sau khi đã cam kết về khoản đầu tư trị giá 1 tỷ bảng Anh cách đây hơn 2 năm. Động thái diễn ra sau khi Nissan tuyên bố toàn bộ mẫu ô tô mới mà hãng ra mắt ở châu Âu từ nay về sau sẽ được điện hóa, cũng như mục tiêu trở thành hãng xe thuần điện vào năm 2030 ở "lục địa già".

Với tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ bảng Anh, tổ hợp EV36Zero nằm ở vùng Đông Bắc nước Anh sẽ gồm hệ thống dây chuyền dành cho 3 mẫu xe điện hoàn toàn mới, 3 "siêu nhà máy" (gigafactory) sản xuất pin của đối tác Envision AESC và các cơ sở hạ tầng liên quan. Trong đó, Nissan sẽ chi khoảng 1,54 tỷ bảng Anh, phần còn lại sẽ đến từ các đối tác.

Nissan mạnh tay đầu tư cho siêu dự án sản xuất ô tô điện, sẽ ra 3 xe mới - 1
Nhà máy Nissan Sunderland là một phần trong dự án đầy tham vọng của Nissan (Ảnh: Nissan).

Nhà máy Sunderland hiện là địa điểm sản xuất ô tô lớn nhất "xứ sở sương mù" và là nơi ra đời của 2 dòng crossover sử dụng động cơ đốt trong là Juke, Qashqai - mẫu xe bán chạy nhất Vương quốc Anh năm 2022, cùng chiếc hatchback chạy điện Leaf thế hệ thứ hai. Trong tương lai, tất cả cái tên kể trên sẽ được "kế nhiệm" bởi những sản phẩm chạy điện hoàn toàn mới được lấy cảm hứng từ bộ ba concept Hyper Urban, Hyper Punk và Chill-Out.

Nissan mạnh tay đầu tư cho siêu dự án sản xuất ô tô điện, sẽ ra 3 xe mới - 2
Dây chuyền tại nhà máy Nissan Sunderland đang dành cho Qashqai, Juke và Leaf (Ảnh: Nissan).
Nissan mạnh tay đầu tư cho siêu dự án sản xuất ô tô điện, sẽ ra 3 xe mới - 3
Ba sản phẩm mới sẽ dựa trên Hyper Urban Concept, Hyper Punk Concept và Chill-Out Concept (Ảnh: Nissan).

Về phần Envision-AESC, công ty thuộc tập đoàn Trung Quốc Envision đang vận hành một nhà máy sản xuất pin có công suất 1,9 gigawatt/giờ (GWh) mỗi năm, trong khi cơ sở thứ hai với công suất 9 GWh đang trong quá trình xây dựng. Kế hoạch của AESC cho giai đoạn thứ ba đã được tiến hành với mục tiêu nâng tổng công suất của 2 nhà máy vượt mức 35GWh hằng năm, đủ sức đáp ứng sản lượng tối đa 600.000 xe của nhà máy Nissan Sunderland sau khi nâng cấp.

Toàn bộ các dây chuyền trong tổ hợp EV36Zero sẽ được cấp điện từ trang trại điện gió và năng lượng mặt trời Microgrid của Hội đồng thành phố Sunderland, dự kiến giảm hơn 55.000 tấn khí thải nhà kính phát ra môi trường mỗi năm.

Nissan còn xác nhận chính phủ Vương quốc Anh đã thông qua khoản ưu đãi trị giá 15 triệu bảng Anh cho công tác nghiên cứu và phát triển phương tiện thân thiện với môi trường trong tương lai. Hãng còn đang trong tiến trình thảo luận cùng các cơ quan chức năng nhằm tìm kiếm những sự hỗ trợ cho dự án đầy tiềm năng này.

Động thái của Nissan nối tiếp chuỗi tín hiệu tích cực của ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Vương quốc Anh sau thời gian dài vật lộn với những xáo trộn lớn từ thỏa thuận Brexit năm 2016 hay mới nhất là vấn đề thiếu hụt chất bán dẫn do đại dịch Covid-19.

Trong năm nay, Tata Motors - tập đoàn Ấn Độ đang sở hữu thương hiệu xe sang Anh quốc JLR (Jaguar Land Rover), tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 4 tỷ bảng Anh, hay BMW đang chi 600 triệu bảng Anh để nâng cấp nhà máy chế tạo ô tô điện Mini Cooper và Mini Aceman tại thành phố Oxford.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak chia sẻ: "Việc Nissan quyết định đầu tư là một lá phiếu tín nhiệm quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô của Vương quốc Anh đang đóng góp khoản tiền khổng lồ 71 tỷ bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế của chúng tôi. Dự án này chắc chắn sẽ đảm bảo tương lai của thành phố Sunderland - Thung lũng Silicon của Vương quốc Anh về phát triển và sản xuất xe điện."

Nissan mạnh tay đầu tư cho siêu dự án sản xuất ô tô điện, sẽ ra 3 xe mới - 4
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (thứ hai từ bên phải) trong một chuyến tham quan nhà máy (Ảnh: Nissan).

Trước những lo ngại từ công chúng rằng việc chuyển sang sản xuất xe điện sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm hoặc thiếu hụt việc làm trong tương lai do sự xuất hiện của các dây chuyền tự động hóa, CEO Nissan Makoto Uchida khẳng định: "Điều đó không đồng nghĩa với việc nếu chúng tôi chuyển đổi sang ô tô điện thì chúng tôi không cần lực lượng lao động". Ông cho biết thêm công ty muốn có nhiều nhà cung cấp hơn có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Dự án EV36Zero giữ vai trò then chốt trong tầm nhìn chuyển thành một công ty thân thiện với môi trường của hãng xe Nhật Bản đến năm 2030. Trong giai đoạn này, Nissan sẽ mang tới những phương tiện thuần điện thú vị cùng những tiến bộ về công nghệ trong khi mở rộng và thay đổi cơ cấu tổ chức của hãng trên phạm vi toàn cầu, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon hoàn toàn vào giữa thế kỷ 21.

Theo TheGuardian