Những tính năng trên ô tô được phụ nữ Việt ưa chuộng
Với phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt nói riêng, các tính năng trang bị trên ô tô được quan tâm nhiều nhất thường phải dễ sử dụng và phù hợp đời sống hàng ngày.
Công nghệ trang bị trên ô tô thay đổi chóng mặt và ngay cả những người là tài xế chuyên nghiệp cũng phải đôi chút bỡ ngỡ khi ngồi lên một chiếc xe “full option”. Vậy với phụ nữ Việt, họ sẽ quan tâm và thích sử dụng những tính năng nào trên ô tô?
VietNamNet đã liệt kê một số tính năng trên ô tô phù hợp với phụ nữ dựa trên phỏng vấn các độc giả nữ hiện đang sử dụng ô tô làm phương tiện đi lại hàng ngày.
Khởi động nút bấm
Trang bị khởi động nút bấm (Start/Stop Engine) ra đời từ năm 1998 trên các dòng xe Mercedes-Benz ở Đức và dần phổ biến nhiều năm sau đó. Người Việt Nam biết đến tính năng này khi xe nhập khẩu từ Hàn Quốc phổ biến trong giai đoạn 2008 - 2009. Đến nay, khởi động nút bấm đã xuất hiện nhiều, từ dòng phổ thông cỡ A cho đến trang bị tiêu chuẩn của dòng xe cao cấp.
Chị Phạm Lan Anh (chung cư Sunshine Garden, Mai Động, Hà Nội) hiện đang chạy chiếc Toyota Yaris 2018 cho biết, việc bấm nút khởi động giúp chị cảm thấy nhàn hạ khi sử dụng ô tô. Thay vì luống cuống tìm chìa khóa để tra vào ổ như trước đây thì với chiếc xe hiện tại, chị chỉ việc để khóa trong túi xách, vừa tiện lại hữu ích cho phụ nữ vốn thường mang theo lỉnh kỉnh nhiều đồ cá nhân.
Tuy nhiên, tính năng khởi động nút bấm cũng tiềm ẩn một vài rủi ro. Theo các chuyên gia, vì quá tiện lợi nên nhiều người sử dụng dễ quên mất tắt máy khi rời khỏi xe hoặc để quên chìa khóa trong ô tô. Để khắc phục, hiện nay nhiều dòng xe đời mới đã cài đặt thêm cảnh báo bằng tiếng kêu khi tất cả các cửa vẫn đang đóng, động cơ vẫn đang nổ mà chìa khóa không có trong xe.
Khởi hành ngang dốc
Đa số các tài xế đều thừa nhận bài thi “đề-pa” lên dốc là nỗi ám ảnh khi bắt đầu tìm kiếm tấm bằng lái xe. Thậm chí khi ra trường, những tình huống dừng lưng chừng dốc rồi đi tiếp vẫn là thử thách căng thẳng với nhiều người. Hiện nay, nhiều dòng xe từ trên 500 triệu đồng đã trang bị sẵn tính năng khởi hành ngang dốc phần nào khắc phục được nỗi sợ hãi này.
Theo chị Phạm Thị Thanh (khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội), chỉ đến khi lái chiếc Mitsubishi Xpander gia đình mua hồi đầu năm nay, chị mới dần quên được nỗi ám ảnh cách đây 2 năm trong lần di chuyển bằng xe số sàn khi qua cầu Chương Dương lúc tan tầm.
“Lần đó tắc đường nặng từ đường dẫn lên cầu, các xe bò nối đuôi nhau chậm rãi và liên tục phải phanh vì có xe máy luồn lách bất thình lình. Tôi phanh rồi đỡ chân côn mỏi nhừ mà xe cứ trực trôi xuống. Đã vậy, chủ chiếc xe phía sau con chạy lại đập vào cửa khiến tôi càng hoảng loạn hơn, phải kéo phanh tay hết nấc rồi ngồi chấn tĩnh một lúc mới hết run. Giờ lái xe có tính năng hỗ trợ phanh vài giây trên dốc rất tiện, kể cả có tắc đường cũng không hề căng thẳng”, chị Thanh chia sẻ.
Hệ thống này hoàn toàn tự động dựa trên cảm biến gia tốc đo độ nghiêng của con dốc. Khi tài xế nhấc chân ra khỏi phanh để đặt lên chân ga, hệ thống sẽ giữ phanh trong khoảng thời gian 3 giây, đủ để giúp đạp lên chân ga và tiến lên.
Hỗ trợ giữ chân phanh khi dừng xe (Auto Hold)
Đây là tính năng an toàn khá mới mẻ xuất hiện gần đây trên các dòng xe giá trên dưới 1 tỷ đồng tại Việt Nam và chưa phổ biến ở các dòng xe phổ thông. Chức năng Auto Hold sẽ cho phép người lái nhấc chân ra khỏi phanh khi vẫn đang để số tiến. Chức năng này giúp giữ phanh cho đến khi người lái đạp ga trở lại. Nhờ đó, tài xế sẽ không cần phải giữ chân phanh hoặc chuyển số khi dừng đèn tín hiệu hoặc di chuyển ở đoạn đường kẹt xe nghiêm trọng.
Để kích hoạt tính năng này, người lái chỉ việc bấm vào nút có chữ Auto Hold, Brake Hold hoặc biểu tượng chữ A trong vòng tròn (tùy nhà sản xuất) để kích hoạt/tắt tính năng. Khi được bật, Auto Hold sẽ hoạt động khi tài xế đạp phanh đến khi xe dừng hẳn và tắt khi tài xế nhấn ga trở lại.
Chị Nguyễn Như Ý (Phú Mỹ Hưng, Q.7, Tp.HCM) cho biết cảm thấy rất thích tính năng này trên chiếc Mercedes-Benz E 250 gia đình đang sử dụng (trên xe Mercedes-Benz tính năng có tên là Hold Function), nhất là khi phải di chuyển trên đường nhiều đèn giao thông như trung tâm Tp.HCM. Chị cho biết, khi tắc đường không quá lâu, chị thường tắt tính năng này vì có cảm giác tiện hơn nếu dùng chân phanh.
Đá cốp mở xe
Hiện nay tính năng “đá cốp mở cửa sau” đang trở thành trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe gia đình giá trên 1 tỷ đồng, nhất là các dòng xe SUV, Crossover như Mitsubishi Pajero Sport, Honda CR-V, Hyundai Santa Fe, giúp người dùng tiện lợi hơn khi phải bê đồ mang vào cốp sau ô tô.
Tính năng này hoạt động giữa trên cảm biến gắn ở đuôi xe, người dùng chỉ việc lại gần và đưa chân quét qua cảm biến. Khi khoảng cách giữa người và xe ở mức an toàn, cửa cốp sau xe sẽ được kích hoạt mở và nâng lên tự động. Khi muốn đóng cốp không dùng tay cũng thực hiện tương tự như lúc mở.
Chị Vũ Thúy Hà (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tính năng mở cốp bằng chân trên chiếc Honda CR-V 7 chỗ của gia đình khiến chị cảm thấy thích đi chơi cùng gia đình hơn.
“Trước đây mỗi lần đi chơi xa, riêng việc bê đồ từ trên nhà xuống để sau xe khiến tôi thấy ái ngại thì nay nhàn tênh. Tôi đã quyết định mua xe có tính năng này sau khi tham gia buổi giới thiệu xe của một đại lý. Chỉ tiếc là nó chỉ có trên xe đắt tiền nên gia đình tôi phải cố thêm một khoản tiền so với dự định ban đầu để mua sự tiện ích”, chị Hà nói.
Camera góc bên phụ
Đây là tính năng khá hữu ích đã có trên các dòng xe đời mới như Kia Sorento 2020, Honda CR-V 2020. Ngoài là trang bị tiêu chuẩn, trên thị trường phụ kiện ô tô đã có nhiều chủ xe mua thêm camera gắn ở tai gương bên phụ để tăng góc quan sát.
Thông qua kết nối với gương chiếu hậu bên phụ, khi bật xi-nhan, hình ảnh ngay lập tức được truyền tải từ camera ở gương chiếu hậu và hiển thị ngay vị trí đồng hồ chính giúp tài xế dễ quan sát được vật thể xuất hiện ở điểm mù.