Những cách xử trí khi xe bị sa lầy
Khi ô tô bị sa lầy, tài xế cần có những biện pháp quyết đoán để vượt qua thử thách.
Vào dịp nghỉ lễ, nhiều dân chơi off-road thường muốn sử dụng chiếc xe của mình để lăn bánh trên cung đường hiểm trở. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào của họ cũng suôn sẻ, sẽ luôn có những sự cố không biết trước được như việc ô tô bị sa lầy. Khi gặp trường hợp này, tài xế cần có những biện pháp quyết đoán để vượt qua thử thách.
Khi đã xác định tham gia những chuyến đi địa hình, tốt nhất chúng ta nên có một người bạn đường. Do khi gặp sự cố, kể cả có những cách thức hay như thế nào, tài xế khó có thể thực hiện điều đó một mình.
Tuy ô tô thời nay cũng được trang bị công nghệ tiên tiến để hạn chế tối đa tình trạng bị kẹt trong bùn thì điều này vẫn có thể xảy ra. Và khi off-road ở những vùng hẻo lánh, gọi cứu hộ không phải là điều đơn giản. Vì vậy, cẩm nang sau đây sẽ giúp những dân chơi ưa mạo hiểm tự thân vận động khi gặp tình huống éo le này.
Xì hơi lốp xe
Có thể đây là hành động nhanh và hiệu quả nhất khi xe bị lún dưới cát. Ô tô sa lầy chứng tỏ điểm tiếp xúc của bánh xe với bề mặt địa hình quá thấp, không đủ độ ma sát để khiến nó lăn qua. Do đó, xì lốp xe giúp tăng tiết diện của bánh xe, khiến nó bám đường hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào trọng tải của phương tiện để thực hiện phương pháp này. Chú ý rằng khi đã xì lốp, nên cho xe di chuyển ở tốc độ chậm để có thể thoát được cát lún.
Lái theo đường chéo
Trong trường hợp xe sắp vượt qua khu vực có địa hình mềm, dễ bị lún, cách tốt nhất là nên di chuyển theo kiểu đường zích zắc. Tốc độ lái xe chỉ nên đạt mức vừa phải, không cố sức đạp chân ga và tốt hơn hết là cần xì bớt hơi lốp nếu chuẩn bị đi vào khu vực có cát.
Đào hố dưới bánh xe
Khi ô tô đã sa lầy và không thể di chuyển về phía trước, chúng ta nên sử dụng xẻng hay dụng cụ nào đó để đào một rãnh ở phía sau các bánh xe. Tiếp theo, tài xế và bạn đường cần dùng một vật cứng như tấm ván để có thể làm đòn bẩy chịu lực làm điểm bám cho bánh xe đặt vào trong rãnh đó. Cuối cùng, chúng ta sẽ khởi động xe, cài số thấp và nhấn mạnh ga cho xe vọt lên phía trước và thoát lún. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ mất rất nhiều sức. Đặc biệt, khi đang lăn bánh ở bãi biển, sóng liên tục đánh vào bờ, việc đào hố là không thể.
Sử dụng phanh để thoát lún cát
Ít ai biết rằng phanh cũng là một trong những bộ phận giúp xe thoát lầy. Khi xe mới bị lún bánh xe dưới cát, người lái nên nhấn phanh chậm rãi, về số thấp và kéo ga để giúp xe vượt qua khu vực địa hình này. Lưu ý, để tránh xe sa lầy, chúng ta không nên giữ chặt chân phanh. Khi di chuyển ở đường nhiều bùn lầy cần cho ô tô chạy ở số thấp để máy khỏe, chạy xe chậm và phanh từ từ. Việc phanh gấp khi xe đang di chuyển với tốc độ nhanh sẽ làm bánh xe bị lún dưới cát sâu hơn.
Quấn xích sắt quanh bánh xe
Ở những khu vực hẻo lánh, đường sá hiểm trở thì mỗi lần mưa lớn, người dân thường dùng các dây xích để quấn quanh bánh xe. Điều này khiến bánh xe tăng ma sát với mặt đường, không bị trượt. Đối với dây xích chuyên dụng, chúng sở hữu thiết kế tương đồng với các dây cáp, có các điểm cố định vào bánh xe. Chú ý rằng khi quấn xích, tài xế và bạn đường cần sử dụng găng tay lao động để tránh bị thương. Trên thị trường, một bộ xích sắt chuyên dụng cho một bánh xe có giá khoảng 300 ngàn đồng.
Tận dụng kích bánh xe
Một dụng cụ giúp vượt qua khu vực đường cát là kích bánh xe. Thông thường, nó thường dùng để sửa xe, hoặc thay lốp dự phòng nếu có sự cố. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dùng tới kích để giải thoát cho chiếc xe của mình khi bị lún cát. Những chiếc kích sẽ hỗ trợ nâng bánh xe lên, sau đó tài xế sẽ đặt các vật cứng và phẳng bên dưới để tăng ma sát, tạo điểm tựa cho bánh xe. Khi đã kê cẩn thận, đảm bảo không sụt lún nữa thì tiến hành đưa xe ra khỏi chỗ lầy.
Vượt lún cát bằng dây tời
Tời được sử dụng trong trường hợp bánh xe bị lún khá sâu dưới cát. Thay vì chờ đợi đội cứu hộ, người điều khiển có thể sử dụng tời để kéo phương tiện của vượt qua bùn lầy. Tuy nhiên, cần chọn điểm bám hợp lý cho tời vì không phải bộ phận nào trên xe cũng chịu được sức nặng của xe. Theo quy tắc, đa phần các bộ phận trên xe chỉ chịu được sức nặng bằng 30% trọng lượng xe. Khi gắn tời sai vị trí trong quá trình kéo, chúng ta sẽ làm gãy bộ phận gắn tời, ảnh hưởng tới độ an toàn.