Người Mỹ từng phản đối dây an toàn như thế nào?
(Dân trí) - Hiện là một trong những nước có quy định an toàn khắt khe nhất, nhưng cách đây gần 40 năm, hơn nửa dân số Mỹ phản đối việc phải cài dây an toàn trên ô tô.
Chặng đường dài của dây an toàn
Khi ô tô trở nên ngày càng phổ biến vào thế kỷ 20, số ca tử vong do tai nạn ô tô tăng vọt. Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1960, tỷ lệ tử vong do tai nạn ô tô tại Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 11 người/100.000 ca lên 22 người.
Edward J. Claghorn lần đầu tiên đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với thiết kế dây đai an toàn trên ô tô vào năm 1885. Khi đó, trang bị này chủ yếu nhằm giúp giữ cho khách du lịch khỏi rơi khỏi xe taxi ở New York. Đến tận giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, dây đai an toàn vẫn chỉ nằm trong danh sách trang bị tuỳ chọn của nhiều nhà sản xuất ô tô.
Hầu hết người mua ô tô không thích trang bị này. Năm 1956, chỉ có 2% người mua xe Ford lấy trang bị tuỳ chọn dây đai an toàn giá 27 USD, và tỷ lệ tử vong do tai nạn ô tô tiếp tục tăng lên.
Năm 1959, chính trị gia Daniel Patrick Moynihan người Mỹ đã gọi tình trạng này là “dịch bệnh trên đường cao tốc”.
Người nổi tiếng tiếp theo ủng hộ dây an toàn là Ralph Nader, người sau này là ứng viên tổng thống Mỹ.
Năm 1965, Nader, khi đó 31 tuổi, đã viết cuốn sách mang tên "Unsafe at Any Speed" (tạm dịch: Tốc độ nào cũng không an toàn), cho rằng các nhà sản xuất ô tô đang hy sinh mạng người để đổi lấy sự sành điệu và lợi nhuận.
Theo ông, các hãng ô tô Mỹ đã cố tình phớt lờ những thành tựu về trang bị an toàn cho xe, như thanh chống lật và dây đai an toàn, nhằm giảm chi phí.
Những điều tra của ông đã khiến Quốc hội Mỹ thành lập cơ quan sau này trở thành NHTSA. Và NHTSA đã ra quy định bắt buộc ô tô phải được trang bị dây đai an toàn vào năm 1968.
Tuy nhiên, việc sử dụng chúng chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện. Nhiều người Mỹ khi đó không muốn cài dây an toàn.
Tới năm 1983, có chưa đến 15% người dân Mỹ cho biết thường xuyên sử dụng dây an toàn.
New York trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật bắt buộc cài dây an toàn vào năm 1984. Các bang khác nhanh chóng theo sau.
Ông Ralph Nader đã ra trước tiểu ban Thương mại Thượng viện Mỹ để trình bày việc ông cáo buộc General Motors (GM) quấy rối và đe doạ ông vì cuốn "Unsafe at Any Speed".
Dù đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy dây an toàn có thể cứu mạng người, nhưng trang bị này vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt. Một cuộc khảo sát của Gallup vào tháng 7/1984 cho thấy 65% người dân Mỹ phản đối luật bắt buộc cài dây an toàn, theo tờ Los Angeles Times.
Theo kết quả khảo sát sau đó một năm, các tài xế cho biết, họ nghĩ rằng dây an toàn "không hiệu quả, bất tiện và gây khó chịu."
Một số phản bác rằng, thà người bị văng tự nhiên khi xảy ra va chạm còn hơn là bị trói ở một chỗ.
Trong khi đó, ngành ô tô ủng hộ quy định về dây an toàn, chủ yếu để gạt bỏ quy định yêu cầu ô tô phải được trang bị túi khí.
Tuy nhiên, người dân thì giận dữ. Một số thậm chí đã cắt dây an toàn trên xe. Số khác kiện lên toà án, đòi bãi bỏ luật về dây an toàn.
Chủ nghĩa tự do
Jerry Williams, một nhân vật nổi tiếng trên đài phát thanh Massachusetts đã biến chương trình của mình thành một chiến dịch phản đối dây an toàn, thu thập được 45.000 chữ ký trong vòng 3 tháng. Ông này thậm chí đã tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý thông qua bỏ phiếu kín nhằm bãi bỏ bỏ luật về dây an toàn.
"Chúng tôi thấy không nên bị ép buộc phải cài dây an toàn và bị cảnh sát kiểm tra việc này," ông Williams phát biểu trên tờ Sun-Sentinel vào năm 1986.
"Có những người theo chủ nghĩa tự do trong số những người phản đối quy định bắt buộc cài dây an toàn," ông Nader cho biết. "Họ quan niệm rằng như vậy là mất tự do."
Người Mỹ giờ đây đã cảm thấy thoải mái với việc cài dây an toàn, với tỷ lệ hơn 90% thường xuyên cài dây an toàn. Nổi tiếng với tuyên ngôn "Sống đời tự do hay là chết", New Hampshire hiện là bang duy nhất ở Mỹ không quy định bắt buộc cài dây an toàn.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không diễn ra trong một sớm một chiều. Phải cần tới rất nhiều chiến dịch tuyên truyền, sự cưỡng chế của luật pháp và thậm chí các hệ thống nhắc cài dây an toàn trên xe.
Nhật Minh
Theo Business Insider