Người mua ô tô Việt Nam: những "con mồi" béo bở!
Thông tin “xếp hàng rồng rắn mua ô tô” cộng với việc một số loại xe đang hút hàng khiến nhiều người cho rằng ô tô đang khan hiếm. Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, một vài loại xe đang lâm vào cảnh “đắt hàng ảo” do những chiêu thức bán hàng của đại lý.
Hơn nữa khá nhiều kiểu xe vẫn mua khá dễ dàng và không phải loại xe nào cũng được “phân phối như thời bao cấp”...
Hiện nay 4 loại xe khó mua nhất là Toyota Camry 2007, Altis 007,Chevrolet Captiva và Ford Everest 2007.
Chiều 9/5, bộ phận bán hàng của Cty Toyota Đông Sài Gòn (2 Lê Duẩn Q.1 TP HCM) cho biết nếu đặt hàng bây giờ, sớm nhất tháng 10/2007 mới nhận được xe Camry 2007, còn các đại lý khác đều hẹn tháng 11 hoặc tháng 12/2007 với điều kiện phải đặt trước 1.000 USD, Altis chỉ sớm hơn 1,2 tháng.
Nguyễn Quang Duy, tư vấn bán hàng của Toyota Đông Sài Gòn nói: “Khách hàng hồi không mua chỉ trong vòng 2,3 tiếng là có người khác nhảy vào ngay”.
Ngày 18/5/2007, Ford Everest 2007 sẽ ra mắt. Thế nhưng, khách hàng (đặt mua tại Saigon Ford) chỉ có thể nhận xe sớm nhất vào cuối tháng 6/2007 mặc dù đặt mua trước đó rất lâu.
Riêng Captiva nếu đặt cọc 1.000 USD từ 10/5/2007 thì phải đến tháng 2/2008 (xe số tay) hoặc tháng 3/2008 (số tự động) mới có cơ may nhận được xe. Danh sách khách đăng ký 4 loại xe trên tại các đại lý lớn đều vượt quá 50 người/ loại.
Riêng Honda Civic 2007 vốn rất đắt hàng 1,2 tháng trước thì nay 2 đại lý lớn của Honda tại TP HCM đều cam kết giao xe cho khách vào 15/6. Trong khi đó nhiều loại xe khác như Grandis, Vitara, Terios, Matiz, Suziki APV... kể cả Toyota Vios đều được giao trong vòng 20 ngày trở xuống kể từ khi ký hợp đồng.
Tuy khó mua như vậy, nhưng trừ Honda Civic thì Camry 2007, Captiva và Everest đều có thể nhận xe sớm hơn nếu khách chịu chi chênh lệch từ 1.000-2.500 USD/ chiếc. Khi chấp nhận chi thêm 2500 USD để có ngay chiếc Camry 2007 màu đen (màu bán chạy nhất), chúng tôi được một nhân viên bán hàng liên hệ với khách có xe và “OK” ngay.
Còn Captiva chỉ chi thêm 1.500 USD nhưng “còn phải xem lại”. Everest, Altis thì rẻ hơn chút đỉnh, khoảng 1000 USD/ chiếc. Tất cả những vụ mua bán “suất mua” ăn chênh lệch này, các nhân viên bán hàng đều bỏ nhỏ: “Tụi em tìm giúp anh thôi, đại lý không làm chuyện này”.
Tuy nhiên ở đại lý nào chuyện này cũng khá phổ biến, bất chấp khách quen hay mới. Riêng Honda Civic 2007 thì cơn sốt đã hạ nhiệt và khách nào bị “dụ dẫn” chi thêm 1.000-2.000 USD để có xe ngay coi chừng mắc bẫy vì loại xe này đang được giao trong vòng 1 tháng.
Ai đã tạo “sốt ảo”?
Liên hệ với những người nhượng lại suất mua các loại xe hiếm hàng trên, chúng tôi nhận thấy họ không phải là người “khó khăn, không đủ tiền mua xe nữa” mà chính là dân mua bán ô tô chuyên nghiệp.
Đặng Hùng L. (Q.5 TP HCM) cho biết: “ Khi nào sắp có xe mới ra, nhắm ăn khách, các đại lý gọi tôi, thấy được tôi nhờ anh chị em đứng tên đặt cọc rồi sau đó bán lại cho những người có nhu cầu.
Từ đầu năm đến nay tôi bán được 3 suất Camry, 4 Captiva và 2 Honda Civic. Lời thì chia cho đại lý 30%”. Bên cạnh đó, nhiều CB-CNV trong các doanh nghiệp mua bán xe cũng đứng ra mua gom vì nếu bán lại không được họ không mất gì bởi nhiều loại xe hoàn lại tiền cọc nếu khách không mua (như Captiva).
Một đại diện bán hàng của hãng xe V. tiết lộ: “Nghề nào ăn nghề ấy chứ anh, anh em trong đại lý có điều kiện không mua bán suất chẳng lẽ để người khác nhảy vào ăn mất sao”.
Còn chủ một đại lý trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1 TP HCM) lại lý giải theo hướng khác: “Bất kỳ loại xe nào nhắm ăn khách, các hãng đều dùng thủ thuật bán nhỏ giọt để tạo khan hiếm ảo một thời gian dài”.
Trong tình cảnh ấy, khách hàng lại thi nhau mua những loại hiếm, phần vì cho rằng “tốt, đẹp, nhiều tính năng”, phần giải quyết khâu “oai”. Như Camry 2007 được trang bị tốt hơn xe cùng loại sản xuất tại Mỹ vì tại VN, Camry được liệt vào hàng cao cấp còn tại Mỹ đây chỉ là xe trung cấp, riêng Captiva với giá 31.500 USD/ chiếc thì không chỉ đẹp, lạ mà còn khá rẻ so với xe cùng loại tại VN.
Nhiều khách hàng đặt câu hỏi: “Sao không sản xuất nhiều hơn để bán?”. Điều này đã được trả lời từ những con số thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Bán chạy nhất như Innova mà tháng 4/2007 chỉ có 791 chiếc, Camry 190 chiếc, Captiva 171 chiếc... quá ít để đầu tư thêm vào dây chuyền sản xuất. Tiêu thụ mạnh nhất là Toyota thì trong tháng 4/2007 cũng chỉ bán được 1.349 chiếc.
Theo một quan chức của VAMA thì khi nào một loại xe bán trên 1.000 chiếc/ tháng trong 6 tháng liên tục thì doanh nghiệp mới dám đầu tư hay mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, còn việc chỉ tăng một vài trăm chiếc không đủ để tăng quy mô dù hầu hết các nhà máy chưa chạy hết công suất.
Hơn nữa do cạnh tranh quá gắt gao, xe nhập về càng nhiều nên các hãng cũng dè chừng sợ cảnh “ít thèm, thừa chán”. Chưa kể đó còn là lý do hợp lý để họ duy trì giá bán cao vì “chúng tôi sản xuất ít nên giá thành cao”.
Bên cạnh đó, hãng nào cũng phải cố duy trì tình trạng khan hiếm một loại xe để “quảng cáo” và khẳng định tên tuổi. Đó là những lý do chính của việc “khan hiếm” vài loại ô tô hiện nay.
Nhưng trên 80% các mẫu xe còn lại thì lại đang phải chào mời, khuyến mãi bằng đủ cách để bán được xe, đó chính là điều nhiều khách hàng ít để ý trong cuộc đua có xe “sang, mới, lạ” hiện nay và góp phần vào sự khan hiếm “ảo” .
Theo Hà Phan
Tiền Phong