Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Người đi xe máy gánh họa vì tài xế mở cửa ô tô bất cẩn

Nhật Minh

(Dân trí) - Mở cửa xe ô tô tưởng như là việc dễ nhất, ai cũng làm được, nhưng thực tế lại hoàn toàn có thể dẫn tới tai nạn nghiêm trọng nếu bất cẩn. Clip dưới đây là một ví dụ.

Clip cho camera giám sát ghi lại cho thấy tài xế ô tô đỗ bên đường đã phạm liên tiếp hai sai lầm; thứ nhất là cụp gương trước khi mở cửa xe, thứ hai là mở cửa xe bất cẩn. Hậu quả là người đi xe máy từ phía sau tới đã bị cánh cửa ô tô hất ngã ra đường, đúng lúc xe tải đi tới nên bị xe tải đâm trúng. 

May mắn là tài xế xe tải đã tập trung quan sát nên kịp đạp phanh, khiến bánh xe bị khóa cứng, không chèn qua người đi xe máy ngã ra đường. Tuy nhiên, cú va chạm có vẻ như đã khiến người đi xe máy bị thương nặng ở chân.

Người đi xe máy gánh họa vì tài xế mở cửa ô tô bất cẩn

Thao tác mở cửa xe tay lái thuận đúng cách là tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo mở khóa; sau đó, mở hé cánh cửa để quan sát kỹ phía sau, khi thấy an toàn mới mở dần cửa để xuống xe. Với xe ô tô tay lái nghịch thì ngược lại; dùng tay phải giữ tay nắm cửa và tay trái kéo mở khóa. Lưu ý, nên mở dần cửa cùng lúc đi ra khỏi xe, chứ không nên mở toang cửa để ra cho dễ.

Điểm đ Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 quy định: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Về mức phạt, Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định người điều khiển xe mở cửa xe không đảm bảo an toàn bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng.

Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

Nếu hành vi gây tai nạn giao thông mà hậu quả làm thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng và tài sản theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc giải quyết, bồi thường thiệt hại do vụ tai nạn gây ra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.