Ngoài tiền mua ôtô, còn cần những chi phí gì để xe có thể "lăn bánh"?
(Dân trí) - Ngoài số tiền mua ô tô, người tiêu dùng còn phải chuẩn bị một khoản không nhỏ cho các loại phí, để chiếc xe có thể hợp pháp lăn bánh (đôi khi cần thêm tới vài trăm triệu đồng); và đó cũng chính là một phần lý do khiến những chiếc xe cũ dù có giá ngang ngửa xe mới vẫn có khách...
Theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, ngoài số tiền dùng để mua xe sẽ có khá nhiều yếu tố đi kèm với chi phí để bạn có thể sở hữu một chiếc xe.
1. Giá bán xe
Giá được dùng làm căn cứ tính phí trước bạ là giá công bố (giá niêm yết) của các cơ sở sản xuất, lắp ráp trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu ôtô.
Tuy nhiên, việc giá bán xe tại các đại lý liên tục thay đổi như trong thời gian qua cũng ảnh hưởng đến mức phí trước bạ, bởi theo các quy định của Thông tư 304/2016/TT-BTC, nếu giá bán xe tăng/giảm không quá 20% thì mức giá bán xe ban đầu công bố vẫn được sử dụng để tính phí trước bạ.
Ford đang giảm giá mẫu EcoSport từ 25 đến 35 triệu đồng tùy từng phiên bản nhưng mức phí trước bạ vẫn không thay đổi.
2. Phí trước bạ ôtô:
Theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP, mức thu đối với ô tô đăng kí lần đầu là 10% giá trị xe. Và tùy từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có thể điều chỉnh tăng phí này, nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung (mức 10% giá trị xe). Hiện nay, Hà Nội có mức thu lệ phí trước bạ đối với xe đăng kí lần đầu là 12%, Tp Hồ Chí Minh là 10%, Hải Phòng và Đà Nẵng 12%, Cần Thơ 10%.
Lấy một ví dụ, chiếc Mazda3 bản 2.0L số tự động giá bán 750 triệu đồng sẽ phải chịu mức phí trước bạ 90 triệu đồng nếu ở Hà Nội, 75 triệu đồng nếu ở Tp Hồ Chí Minh.
3. Phí lấy biển số mới:
Theo Biểu mức thu tại Thông tư 212/2010/TT-BTC, hai thành phố có mức thu riêng là Hà Nội là 20 triệu đồng và Tp Hồ Chí Minh là 11 triệu đồng, các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố trực thuộc tỉnh, các thị xã có mức thu 1 triệu đồng. Các khu vực khác có mức thu là 200.000 đồng.
Chi phí nộp bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Thông tư số 22 /2016 /TT-BTC, đối với ôtô chở người dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải, phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 480.700 đồng (đã có thuế GTGT), và đối với xe 6 - 11 chỗ là 873.400 đồng. Tuy nhiên, tùy từng hãng bảo hiểm sẽ có những thu khác nhau, nhưng đều thấp hơn mức quy định này vì yếu tố kinh doanh, quản lí.
Ngoài chi phí dành cho mua xe, người tiêu dùng sẽ có những khoản chi phi khác, như phí trước bạ, phí bảo hiểm, phí lấy biển số mới...
4. Phí bảo trì đường bộ:
Theo Thông tư 133/2014/TT-BTC, mức phí bảo trì đường bộ đối với xe chở người dưới 10 chỗ đăng kí tên cá nhân là 130.000 đồng/tháng. Đối với xe ô tô mới chưa qua sử dụng, có chu kỳ đăng kiểm trên 1 năm (với chu kì 18, 24 và 30 tháng), chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo năm (12 tháng), hoặc nộp cho cả chu kỳ đăng kiểm (18, 24 và 30 tháng).
Với tất cả các chi phí trên, lấy ví dụ, một chiếc Fortuner diesel 2.8L mà Toyota công bố giá bán cho tháng 8 tới đây là 1,354 tỉ đồng. Sau khi mua xe, nếu ở Hà Nội, bạn sẽ phải nộp phí trước bạ 162,48 triệu đồng (12%), sau đó là 20 triệu đồng phí đăng kí xe lấy biển kiểm soát mới.
Khi có giấy đăng kí xe, bạn còn phải làm thủ tục đăng kiểm với mức phí 340.000 đồng (thống nhất trên toàn quốc) và mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là 873.400 đồng (theo quy định chung).
Và cuối cùng là mức phí bảo trì đường bộ, nếu chiếc xe của bạn đứng tên cá nhân và không kinh doanh, thì mức nộp cho năm đầu tiên là 1.560.000 đồng.
Như vậy, tổng số tiền bạn phải bỏ ra để đưa một chiếc Toyota Fortuner 2.8L lăn bánh hợp pháp trên đường sẽ là khoảng 1,54 tỉ đồng, thêm hơn 180 triệu đồng so với giá xe ban đầu; đó là chưa kể các chi phí làm đẹp, chăm sóc cho xe, hoặc phí dịch vụ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục. Trong trường hợp Toyota giảm giá bán mẫu xe này mà không vượt quá mức 20% (khoảng 307 triệu đồng), bạn sẽ vẫn phải nộp phí trước bạ theo mức mà nhà sản xuất đã công bố trước đó (12% của giá bán 1,354 tỉ đồng).
Việt Hưng