Nghịch lý mùa Tết, ô tô nội ế khách, đồng loạt giảm giá
Cận Tết, hàng loạt mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước giảm giá hàng chục triệu đồng để kích cầu khách hàng và cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Bán chậm, giá giảm
Từ đầu tháng 1/2019, Nissan Việt Nam đã điều chỉnh giá bán lẻ của hai mẫu X-Trail V-series và Sunny Q-series. Theo đó, giá bán lẻ của Nissan Sunny Q-series được giảm 20 triệu đồng, Nissan X-Trail V-series 2.0 SL Premium và SL Luxury cũng được giảm 20 triệu đồng, còn Nissan X-Trail V-series 2.5L được giảm 30 triệu đồng.
Công ty Trường Hải cũng tiếp tục duy trì mức giảm giá từ 10-30 triệu đồng cho các mẫu xe đang bán ra tại thị trường Việt Nam. Trong đó, Mazda CX-5 và Mazda BT-50 có mức giảm cao nhất 30 triệu đồng, còn Mazda6 và Mazda3 cùng được hưởng mức ưu đãi 20 triệu đồng, kèm bộ phụ kiện.
Toyota Việt Nam không có chương trình giảm giá, nhưng các mẫu xe lắp ráp trong nước, như Vios, Corolla Altis, Innova và Camry, đều được đại lý giảm giá cho khách mua. Cụ thể, mẫu Camry được giảm giá 25-30 triệu đồng, Vios giảm giá 10-15 triệu đồng, Innova giảm 20-25 triệu đồng và Corolla Altis giảm 20-30 triệu đồng, tùy từng phiên bản.
Ford Việt Nam cũng tương tự, giá bán của các đại lý với những mẫu xe lắp ráp trong nước EcoSport, Focus thấp hơn hẳn so với giá công bố. Chẳng hạn, EcoSport bản 1.5L Titannium sản xuất năm 2018 có giá 600 triệu đồng.
Một loạt mẫu xe khác sản xuất lắp ráp trong nước, như Honda City, Hyundai i10, Kia Morning,... có giá bán tại các đại lý cũng giảm từ 5-20 triệu đồng tùy từng phiên bản.
Không những hạ giá mà các mẫu xe kể trên còn dồi dào nguồn cung, khách hàng muốn mua có thể lấy ngay trước Tết.
Theo các DN, do tồn kho bắt đầu tăng lên và xe nhập khẩu về nhiều cạnh tranh, nên xe lắp ráp trong nước phải giảm giá để giành khách. Ngoài ra, một số model của năm 2018 còn tồn bán nốt, đón xe mới năm 2019.
Nhiều mẫu xe nội đồng loạt giảm giá, mang lại sự sôi động cho thị trường ô tô dịp trước Tết Nguyên đán. Hoạt động kinh doanh ô tô chỉ diễn ra hơn 2 tuần nữa và các DN đang cạnh tranh mạnh để kích cầu, đặc biệt với những mẫu xe doanh số chưa cao.
Nỗi lo xe nội
Một số đại lý bán lẻ ô tô cho biết, từ đầu quý IV/2018, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng do xe nhập về nhiều và người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý chuộng hàng ngoại. Nếu như từ quý 3 trở về đầu năm 2018, mẫu xe nào bán cũng có lãi, thì sang quý IV, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đã phải giảm giá bán hòa vốn.
Xe nhập khẩu là mối lo ngại với xe lắp ráp trong nước bởi giá xe nội đang đắt hơn 10-15% so với xe nhập ngoại
Với các mẫu xe của Nissan Việt Nam, mua từ nhà máy về trong tháng 12/2018 chưa bán hết hàng, sang đầu tháng 1/2019, khi giá được điều chỉnh giảm, đại lý phải giảm theo. Bán với giá hòa vốn, tức là mua từ nhà sản xuất giá bao nhiêu thì bán ra bằng đó, hoa hồng cắt hết cho khách hàng. Chẳng hạn như mẫu Innova, các đại lý cho biết, ngay từ cuối tháng 9/2018 đã bán ở mức hòa vốn, còn đến thời điểm này, có những mẫu xe phải bán lỗ.
Mẫu Nissan X-Trail V-series 2.5L trước đây giá công bố 1,08 tỷ đồng, các đại lý mua với giá 1,04 tỷ đồng, trong quý 4/2018 bán ra đúng 1,04 tỷ đồng. Nay giá mẫu xe mới sản xuất 2019 giảm còn 1,053 tỷ đồng, đại lý nào chưa bán hết xe năm 2018 buộc phải giảm xuống, thế là lỗ vài chục triệu đồng mỗi xe.
Các đại lý cũng cho hay xe sản xuất lắp ráp trong nước nhiều mẫu bán chậm, nhưng theo kế hoạch đã đặt từ trước nên vẫn phải lấy. Hơn nữa, phải lấy xe lắp ráp mới được cung cấp xe nhập khẩu, nhất là những mẫu đang "nóng" trên thị trường. Đó cũng chính là lý do những mẫu xe nhập khẩu ăn khách, luôn bị các đại lý ép khách hàng phải mua thêm bộ phụ kiện "giá chát, để bù cho xe lắp ráp trong nước bán hòa vốn hoặc lỗ.
Tuy nhiên, cũng có vài mẫu xe lắp ráp trong nước có giá bán cao hơn giá công bố, như Hyundai Kona chênh khoảng 10-15 triệu đồng và Hyundai Santa Fe mới ra mắt có giá chênh 30 triệu đồng.
Nỗi lo xe ngoại đang khiến xe nội tìm mọi cách để cạnh tranh. Nhiều mẫu xe nhập khẩu có giá bán ngang bằng xe trong nước. Chẳng hạn như mẫu Wigo của Toyota có giá bán từ 345-405 triệu đồng, hay các mẫu xe của Mitsubishi như Attrage, Mirage giá từ 351-396 triệu đồng, cùng nằm trong khoảng giá của Kia Morning và Hyundai i10 sản xuất lắp ráp trong nước.
Ngoài ra, một số mẫu xe nhập khẩu khác như Toyota Rush có giá 668 triệu đồng hay Mitsubishi Xpander có giá từ 550-620 triệu đồng cũng ngang bằng với một số mẫu xe lắp ráp trong nước của Ford, Hyundai Thành Công, Trường Hải,... Điều này đã giúp cho doanh số bán tăng mạnh và "cháy hàng".
Mặc cho thời gian kiểm định mỗi lô xe nhập khẩu hiện kéo dài từ 6-8 tuần thì xe nhập vẫn tràn về nhiều. Từ tháng 9/2018 đến nay, tháng nào cũng hơn 10.000 xe nhập, nguồn cung khá dồi dào. Xe sản xuất lắp ráp trong nước được cho sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc hưởng thuế 0%. Các DN dự báo, nếu xe nhập khẩu tràn vào nhiều, giá sẽ giảm nữa và xe sản xuất lắp ráp trong nước khó có thể cạnh tranh bởi giá thành cao hơn khoảng 10-15%.
Vietnamnet