"Nghĩa địa ô tô điện" ở Trung Quốc và sự thật về câu chuyện phía sau
(Dân trí) - Hình ảnh những bãi tập kết ô tô điện còn khá mới đã bị vứt bỏ ở Trung Quốc khiến người xem không khỏi băn khoăn vì sao có sự lãng phí như vậy, và trong tương lai, số phận những chiếc xe này sẽ ra sao.
Gần đây, một YouTuber đã chia sẻ video do flycam ghi lại một "nghĩa địa ô tô điện" ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), nói rằng có hơn 10.000 chiếc xe điện Neta V còn mới tinh, chưa đăng ký, đang dầm mưa dãi nắng trong bãi tập kết, chờ ngày tiêu hủy.
Lý do được người này cho là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã "vung tay quá trán" nhằm nhận trợ cấp từ chính sách khuyến khích phát triển xe điện của chính phủ nước này và tạo doanh số ảo, vẽ nên bộ mặt không chân thực của thị trường xe điện tại đất nước tỷ dân.
"Một nửa sự thật không phải là sự thật"
Phóng viên Mark Rainford của Inside China Auto đã đến tận nơi để kiểm chứng thông tin và cho biết, trên thực tế, chỉ có 146 chiếc xe điện Neta V, còn lại là rất nhiều xe của các thương hiệu khác, như Hyundai, Toyota, Geely, Dongfeng...
Đó cũng không hẳn là "nghĩa địa ô tô", mà một phần còn là bãi tập kết tạm thời của nhiều xe vẫn đang chờ bán. Cụ thể trong bãi đậu này ở Hàng Châu có rất nhiều xe Toyota bZ4x và VW ID.3 chưa gắn biển, đỗ cạnh các xe Geely và BAIC gắn biển taxi, cùng một số xe bị tai nạn.
Ngoài ra, không phải tất cả đều là xe mới tinh, chưa dùng, chưa đăng ký. Có dấu hiệu cho thấy các xe đã được sử dụng, như có đeo biển đăng ký, đã được bọc ghế, lót thảm sàn, trên xe có đồ dùng dở (lon nước, giấy ăn...), có hao mòn do quá trình sử dụng.
Số lượng xe mới tại các bãi tập kết không quá nhiều; chủ yếu là xe đã qua sử dụng 5-6 năm (Ảnh: Inside China Auto).
Thực tế là cũng có nhiều xe mới tinh, còn nguyên bọc ghế, nhưng không nhiều kinh khủng như cáo buộc của YouTuber là tất cả nhằm tạo doanh số ảo cho thị trường ô tô điện Trung Quốc.
Điều mà video lan truyền trên mạng phản ánh đúng là có rất nhiều xe điện còn khá mới nhưng đã bị vứt bỏ. Các xe có vẻ đã qua sử dụng được khoảng 5-6 năm.
Những cánh đồng xe điện thải loại không phải hình ảnh hiếm thấy ở Trung Quốc, mà có ở hàng chục thành phố ngay từ năm 2019. Đặc điểm chung là các xe giống nhau đỗ san sát thành từng cụm. Dấu hiệu cho thấy chúng bị bỏ hoang từ lâu là cỏ dại mọc đầy xung quanh và xe phủ bụi.
Câu trả lời ngắn gọn cho điều bí ẩn này là sự sụp đổ của thị trường chia sẻ ô tô điện từng bùng nổ ở Trung Quốc, tương tự những gì đã diễn ra với mô hình chia sẻ xe đạp cách đây vài năm.
Tem dán phía sau cho thấy đó là ô tô điện của các công ty cho thuê xe. Biển đăng ký màu xanh nước biển thể hiện xe được sản xuất và đăng ký trước tháng 12/2017; sau đó, Hàng Châu chuyển sang dùng biển màu xanh lá cho xe sử dụng năng lượng mới. Tem đăng ký cho thấy một số xe vẫn hoạt động cho tới năm 2021.
Trong bãi tập kết ở Hàng Châu mà phóng viên Inside China Auto tới thẩm định có mẫu xe thuần điện cỡ nhỏ BJEV EC3 mà Tập đoàn công nghiệp ô tô Bắc Kinh (BAIC) ra mắt vào năm 2017 phục vụ thị trường cho thuê xe.
Giờ đây, mẫu xe này đã bị coi là lỗi thời, giá trị không còn là bao trước sự xuất hiện ồ ạt của các mẫu xe mới giá cạnh tranh hơn trên thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, mô hình chia sẻ ô tô điện đã sụp đổ, do tính thực dụng thấp, khi không đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân bằng taxi, phương tiện công cộng, vì thực tế không phải ai cũng có bằng lái và việc tìm chỗ đỗ xe không hề dễ.
Bong bóng ô tô điện Trung Quốc xì hơi
Hàng ngàn công ty cho thuê xe đã được thành lập vào thập niên trước để tận dụng chính sách ưu đãi lớn của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách này bị bãi bỏ vào năm 2019.
Sự thay đổi đó, cùng với một số yếu tố khác, như thiếu bãi đỗ xe miễn phí và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ xe điện khiến các mẫu cũ sớm trở nên lỗi thời, đã khiến hàng loạt công ty khởi nghiệp đầy tham vọng rơi vào cảnh phá sản.
Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn chiếc ô tô điện bị vứt bỏ gợi nhắc sự sụp đổ của mô hình dùng chung xe đạp ở Trung Quốc cách đây vài năm (Ảnh: Bloomberg).
"Thuở sơ khai của thị trường ô tô điện Trung Quốc, doanh số được thúc đẩy chủ yếu nhờ các công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê xe", ông Young Huang, một chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn JSC Automotive, cho biết. "Khi đó, chỉ có rất ít khách hàng cá nhân".
Mặt tích cực là mô hình dùng chung xe được cho là giúp đẩy nhanh sự phát triển của ô tô điện và sự "phổ cập" xe điện ở Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% tổng tiêu thụ ô tô điện toàn cầu, và có cơ sở hạ tầng dành cho xe điện tốt nhất thế giới.
Để khuyến khích sử dụng ô tô điện, cách đây khoảng 30 năm, chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách hoàn tiền tới 60.000 nhân dân tệ (gần 200 triệu đồng) cho mỗi xe, đồng thời có quy định hạn chế mua xe chạy xăng ở nhiều thành phố.
Một số công ty được cho là gian lận để được hưởng ưu đãi. Ví dụ, họ có thể sản xuất khung xe trống, không hề lắp pin, hoặc sản xuất xe với bộ pin không đáp ứng được tiêu chuẩn. Năm 2016, tờ People's Daily của Trung Quốc đã dẫn nguồn thống kê cho thấy hàng chục công ty gian lận để nhận trợ cấp tới hơn 9,3 tỷ nhân dân tệ từ chính phủ (1,3 tỷ USD).
Các nhà sản xuất ô tô hậu thuẫn hoặc thành lập nhiều công ty cho thuê xe, mua rất nhiều ô tô điện. Ví dụ, Geely đứng sau Caocao Chuxing. Công ty này vẫn đang hoạt động, nhưng công ty Panda của Chongqing Lifan Auto Co. đã dừng hoạt động. Bản thân công ty Lifan Auto đã nộp hồ sơ xin phá sản vào năm 2020. Công ty này được Geely mua lại sau đó một năm.
Sự tăng trưởng nóng đã để lại nhiều hệ lụy. Số lượng doanh nghiệp sản xuất ô tô điện nội địa đã giảm mạnh, từ gần 500 vào năm 2019 xuống còn khoảng 100 vào năm 2023, cho thấy chỉ những công ty làm ăn nghiêm túc, bền vững mới có thể tồn tại.
Đầu năm nay, WM Motor đã phải tạm dừng phần lớn hoạt động sản xuất và sa thải nhân viên vì cạn tiền mặt. Trong khi đó, Letin Auto, thương hiệu nổi tiếng với mẫu xe thuần điện có giá quy đổi chỉ khoảng 100 triệu đồng, đã làm thủ tục phá sản vào tháng 5 do lỗ triền miên.
Hãng tin Bloomberg mô tả hình ảnh những chiếc ô tô điện bị vứt bỏ là một minh chứng cho sự thái quá và lãng phí có thể xảy ra khi nguồn vốn đầu tư đổ vào một ngành tăng trưởng nóng.
Thị trường ô tô điện Trung Quốc đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng, đang thu gọn lại để vận hành đúng theo quy luật cung - cầu.
Trước khi Tesla có mặt tại Trung Quốc và bắt đầu sản xuất xe ở Thượng Hải vào đầu năm 2020, hầu hết ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc là xe nhỏ, chất lượng kém, chỉ hấp dẫn bằng giá bán mà phần nhiều do được chính phủ trợ cấp. Giờ đây, tình hình đã thay đổi, các nhà sản xuất buộc phải hấp dẫn khách hàng bằng chất lượng sản phẩm.