Ngành chế tạo ô tô Mỹ - Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Các nhà sản xuất lớn của ngành công nghiệp ô tô Mỹ tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan, một thời là niềm tự hào không che giấu của nước Mỹ giờ đây đang đứng bên bờ vực phá sản, phải dắt nhau lên cầu cứu chính phủ cứu giúp. Đâu là nguyên do?

Trong số ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ, tập đoàn General Motors (GM) hùng mạnh nhất, và giờ đây, khi khó khăn, cũng ở trong tình cảnh bi đát nhất, đi đến sát mép vực phá sản, nếu chính phủ không ra tay trợ giúp.

 

GM đã công bố mức lỗ 4,2 tỷ USD trong quý III, đồng thời thừa nhận rằng nếu không được bơm thêm tiền, họ sẽ đón năm mới trong tình cảnh “nhẵn túi”.

 

Ford và Chrysler cũng không khá hơn là bao, khi hàng tháng chứng kiến tiền tỷ ra khỏi cửa trong khi thu về tiền lẻ.

 

Trước sự suy sụp của ngành công nghiệp từng là thế mạnh và kinh tế mũi nhọn của Mỹ, nhiều người băn khoăn không hiểu vì đâu. Có một số lý do chính sau:

 

Suy thoái kinh tế

 

Khi tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là cho những tài sản lớn như ô tô. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi doanh số tiêu thụ ô tô tại Mỹ nói chung, và của 3 nhà sản xuất lớn nói riêng, sụt giảm mạnh.

 

Trong tháng 10, doanh số của GM giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi cả Ford và Chrysler đều chứng kiến doanh số giảm hơn 1/3.

 

Thông thường, trong hoàn cảnh đó, các nhà sản xuất kích thích thị trường bằng cắt giảm giá sản phẩm, áp dụng chính sách tín dụng “hời” hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, giảm giá xe lại gây ảnh hưởng đến lợi nhuận, trong khi những biến động trên thị trường tín dụng khiến việc vay tiền mua xe của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn hơn bao giờ hết.

 

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ và thế giới suy giảm gây khó khăn chung cho tất cả các nhà sản xuất ô tô, chứ không riêng 3 “đại gia” ô tô Mỹ. Nên đây không phải là lý do duy nhất và lớn nhất.

 

Các nhà sản xuất ô tô lớn nhất của nước Mỹ lâm vào tình cảnh lao đao còn bởi sự kết hợp của 3 yếu tố: tàn tích từ quá khứ vinh quang, những sai lầm mang tính chiến lược và sự kém may mắn.

 

Gánh nặng chi phí

 

Cả ba “ông lớn” của ngành xe hơi Mỹ đang phải trả giá đắt cho thành công trong quá khứ. Bên cạnh việc trả lương cho nhân công hiện tại, họ còn phải gánh khoản lương hưu và chi phí y tế cho hàng trăm ngàn lao động cũ.

 

Năm ngoái, GM đã đạt được thoả thuận với nghiệp đoàn ô tô Mỹ về việc cắt khoảng 50 tỷ USD chi phí loại này. Tuy nhiên đến tận năm 2010, thoả thuận mới chính thức có hiệu lực, trong khi GM đang phải đếm từng ngày tồn tại.

 

Đây là gánh nặng mà đối thủ của các nhà sản xuất ô tô Mỹ, như Toyota, Nissan và Honda không hề có. Gánh nặng này càng chất thêm khó khăn lên các doanh nghiệp ô tô Mỹ, và đó là một nguyên nhân khiến họ mất thị phần vào tay các đối thủ châu Á.

 

Sai lầm chiến lược

 

Dù thế nào, các nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho yếu tố khách quan. Trên thực tế, chính họ cũng có lỗi. Nhiều nhà phân tích cho rằng trong suốt hai thập kỷ qua, ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ đã mắc nhiều sai lầm về mặt chiến lược.

 

Ngành chế tạo ô tô Mỹ - Vì đâu nên nỗi?  - 1
Dòng xe việt dã cỡ lớn như Hummer ngày càng thất thế trên thị trường

 

Trong suốt những năm 80 và 90, các nhà sản xuất ô tô châu Á đã tấn công mạnh mẽ thị trường Bắc Mỹ. Họ đưa đến đây những mẫu xe kích thước nhỏ và vận hành hiệu quả hơn những cỗ máy “uống xăng” từ lâu đã định hình thị trường ô tô Mỹ.

 

Giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất ô tô Mỹ có phản ứng quá chậm, và mắc một sai lầm lớn là ngày càng tung ra nhiều mẫu xe “khủng” hơn. Ban đầu, kế hoạch này đã đem về lợi nhuận khổng lồ. Vào cuối thập niên 90, nước Mỹ tràn ngập loại xe này.

 

Nhưng chỉ vài năm sau, doanh số tiêu thụ dòng xe “xanh”, như Toyota Prius, tăng lên, thì chiến lược này của các nhà sản xuất ô tô Mỹ vấp phải sự chỉ trích nặng nề.

 

Cuộc cách mạng “xanh”

 

Trên blog của mình, năm 2005, chủ tịch  GM Bob Lutz đã viết rằng: “Dường như khi chúng tôi tuyên bố sẽ cho ra đời thế hệ mới của những chiếc xe bán tải và việt dã cỡ lớn, người ta đã nghĩ rằng như vậy là không khôn ngoan. Tôi thừa nhận rằng việc giới thiệu xe loại này là không phù hợp trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay. Nhưng tôi phải nói với các bạn rằng, những sản phẩm này sẽ vẫn được ưa chuộng.”

 

Tuy nhiên, đến giữa năm 2008, khi giá nhiên liệu tăng vọt, và người Mỹ phải trả tới 4 USD cho 1 gallon xăng, tương đương 1 USD/lít, thì chính sách sản phẩm của GM lộ rõ sự sai lầm. Thị trường xe SUV cỡ lớn sụp đổ, khi người mua chuyển hướng sang dòng xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.

 

Ngành chế tạo ô tô Mỹ - Vì đâu nên nỗi?  - 2
Các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu như Prius lên ngôi

 

Tất nhiên, trong chuyện này cũng có một chút kém may mắn của các nhà sản xuất ô tô Mỹ, khi vào đúng lúc họ đang nỗ lực tái cơ cấu để đáp ứng thay đổi của thị hiếu thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, dẫn đến suy thoái kinh tế. Nếu như những biến cố trên thị trường tài chính Mỹ xảy ra chậm hơn vài năm, thiệt hại đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ có lẽ không lớn đến vậy.

 

Các doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng việc giá dầu thế giới tăng cao đã xảy ra với tốc độ quá nhanh, ngay khi những biến động tài chính vừa bắt đầu tác động đến ngành ô tô.

 

Tuy nhiên, tựu chung phần nhiều lỗi vẫn nằm ở chính những người cầm cân nảy mực của các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Họ đã có những sách lược sai lầm và chậm sửa sai.

 

Nhật Minh

Theo BBC