Mùa mưa bão, lái ô tô tránh để tránh thủy kích kẻo tốn cả trăm triệu sửa

Minh Vũ

(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường ở nhiều thành phố lớn bị ngập nghiêm trọng và khi đi qua các tuyến đường này, tài xế cần tránh xe bị thủy kích.

Thủy kích là vấn đề mà tài xế có thể gặp phải khi lái ô tô trong mùa mưa bão hay đi qua những đoạn ngập sâu. Nguyên nhân thường là do nước tràn vào đường ống hút gió, làm chết máy và nếu tiếp tục khởi động sẽ làm hỏng động cơ.

Vấn đề này dễ xảy ra hơn đối với các xe gầm thấp, chủ yếu là sedan và hatchback. Thủy kích cũng là điểm hạn chế lớn của động cơ đốt trong, nơi động cơ không thể hoạt động nếu chất lỏng đi vào buồng đốt và làm dừng động cơ.

Nguyên nhân gây thủy kích

Nước tràn vào ống hút gió là nguyên nhân phổ biến khiến xe bị thủy kích. Tai nạn này thường xảy ra khi phương tiện đi vào vùng nước ngập quá sâu hoặc xe bị ngâm trong nước.

Mùa mưa bão, lái ô tô tránh để tránh thủy kích kẻo tốn cả trăm triệu sửa - 1

Nước vào gây hỏng động cơ

Cũng có những trường hợp nước không cao nhưng khi các phương tiện khác di chuyển tạo ra đợt sóng, nước xâm nhập vào hệ thống nạp khí. Đây là lý do các tài xế nên duy trì khoảng cách an toàn khi đi cùng các phương tiện khác trên đường ngập nước.

Nước không phải là lý do duy nhất khiến ô tô bị thủy kích. Miếng đệm đầu có nhiệm vụ giữ cho xi-lanh an toàn khỏi dầu và các chất làm mát. Khi nó bị hỏng cũng dẫn đến thủy kích vì các chất làm mát của động cơ có thể đổ vào một hoặc nhiều xi-lanh.

Một nguyên nhân có thể ít gặp hơn cũng gây ra thủy kích là bộ chế hòa khí và kim phun nhiên liệu bị hỏng. Điều này dẫn đến một lượng lớn nhiên liệu đổ trực tiếp vào xi-lanh của động cơ.

Thiệt hại gây ra bởi thủy kích

Mức độ thiệt hại của động cơ sẽ phụ thuộc vào tình trạng của động cơ và lượng nước vào xi-lanh.

Nếu động cơ đang dừng, nước lọt vào sẽ khiến xe không khởi động được và ít gây hư hại nghiêm trọng. Với trường hợp này, cần kéo xe đến trung tâm sửa chữa, tuyệt đối không cố gắng khởi động. Lúc này, các thợ máy sẽ tìm cách loại bỏ nước ra khỏi xi-lanh.

Điều quan trọng khác là không để xe ngâm nước quá lâu vì nước đọng có thể ăn mòn. Khi này chi phí sửa chữa sẽ cao hơn rất nhiều.

Mùa mưa bão, lái ô tô tránh để tránh thủy kích kẻo tốn cả trăm triệu sửa - 2

Các tay biên bị cong bởi thủy kích

Nếu động cơ đang chạy mà nước vào có thể làm hư hỏng nặng nề. Khi đó xe chết máy và nếu tài xế khởi động xe sẽ làm nước tràn vào nhiều hơn, cùng áp lực mạnh sẽ khiến các tay biên piston bị biến dạng, thậm chí gãy hoặc hỏng cả máy.

Ngoài động cơ, ngập nước còn gây tác động xấu đến hệ thống điện trên ô tô, làm gỉ sét hay thậm chí đoản mạch hay hỏng nhiều chi tiết. Xe để quá lâu trong nước cũng sẽ khiến các bộ phận khác bị ăn mòn và khi không được làm sạch kỹ sẽ tạo cơ hội cho nấm mốc phát triển.

Chi phí để sửa chữa những thiệt hại do thủy kích gây ra liên quan đến động cơ thường rất đắt đỏ. Đặc biệt khi xe bị hỏng nặng như cong tay biên, vỡ lốc, hỏng hệ thống điện. Số tiền phải trả trung bình từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Cùng với đó, những chiếc xe bị thủy kích thường mất giá, khó bán lại.

Kinh nghiệm lái xe qua tuyến đường ngập nước

Điều kiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tình trạng ngập tại các thành phố lớn vẫn xảy ra. Hơn nữa khi đường đông, ô tô dễ chết máy và càng dễ bị thủy kích.

Mùa mưa bão, lái ô tô tránh để tránh thủy kích kẻo tốn cả trăm triệu sửa - 3

Khi gặp tuyến đường ngập cao, tốt nhất tài xế không nên di chuyển qua. Nhưng nếu bắt buộc cần đi tiếp thì lưu ý: tuyệt đối không cố gắng khởi động khi xe chết máy.

Tắt các tải phụ không cần thiết như điều hòa, hệ thống giải trí vì vừa giúp giảm tải cho động cơ vừa hạn chế hỏng hóc do vận hành khi ngập nước.

Chuyển sang số tay hoặc đi ở số thấp, giữ đều ga và di chuyển chậm, không đi gần các phương tiện khác để tránh tạo ra sóng khiến mực nước dâng cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm