Mua được Opel, liên minh Peugeot - Citroen giành lại vị trí số 2 tại châu Âu
(Dân trí) - Tập đoàn ô tô Pháp Peugeot - Citroen (PSA) vừa đồng ý mua hãng Opel từ General Motors (GM) với giá 2,2 tỉ EUR, tương đương 2,3 tỉ USD. Thương vụ này giúp PSA vượt qua đối thủ Renault, giành lại vị trí nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu sau Volkswagen (Đức).
Theo thỏa thuận, PSA sẽ tiếp quản hai thương hiệu của General Motors là Opel và Vauxhall vốn đã thua lỗ tới 18 tỷ USD trong 16 năm qua. GM sẽ bàn giao lại cho PSA 6 nhà máy lắp ráp ô tô, 5 cơ sở sản xuất thiết bị điện tử tại châu Âu với khoảng 40.000 lao động. Ngoài ra, PSA cũng đang hợp tác với phía ngân hàng để mua một số công ty tài chính ở châu Âu của GM với giá 900 triệu USD.
PSA cam kết sẽ khiến Opel và thương hiệu xe Anh Vauxhall có lãi trở lại, với mục tiêu tỷ suất lợi nhuận là 2% trong ba năm và 6% đến năm 2026. PSA cũng đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ tiết kiệm được 1,7 tỷ USD nhờ việc mua bán, hoạt động nghiên cứu và phát triển chung giữa các thương hiệu trong tập đoàn.
Trong khi đó, các nhà máy của GM ở châu Âu cũng tránh được nguy cơ đóng cửa, khi các thế hệ xe tiếp theo của xe Opel sẽ được phát triển với công nghệ của PSA.
Giám đốc điều hành Carlos Tavares của PSA cho rằng việc cải tổ Opel và Vauxhall sẽ được đẩy nhanh đáng kể với sự hỗ trợ của PSA, tạo ra một hãng sản xuất ô tô lớn trong khu vực, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường khác. Theo thống kê, PSA đang nắm 16% thị phần, chỉ xếp sau hãng xe sang Đức Volkswagen (24% thị phần).
Ngoài những dự đoán tích cực trên thì thương vụ này cũng làm dấy lên các mối quan ngại ở Đức và Anh về nguy cơ PSA sẽ cắt giảm nhân công. Tuy nhiên, ông Carlos Tavares cho biết hoạt động của Opel-Vauxhall sẽ phát triển mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của PSA, trong khi PSA vẫn tôn trọng các cam kết của GM đối với người lao động của Opel-Vauxhall.
Vauxhall hiện có khoảng 5.000 lao động ở Anh, trong khi Opel điều hành khoảng 10 nhà máy tại 6 nước châu Âu với đội ngũ nhân lực 35.600 người (tính đến cuối năm 2015), trong đó có 18.250 lao động tại Đức.
Khánh Duy
Theo Reuters