Mazda ngừng sản xuất động cơ xoay
(Dân trí) - Hôm 22/6 vừa qua, chiếc RX-8 cuối cùng đã lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Hiroshima (Nhật Bản), đặt dấu chấm hết cho lịch sử 45 năm sử dụng động cơ xoay của Mazda.
Mặc dù vẫn được đánh giá là mạnh mẽ hơn các động cơ thông thường cùng dung tích, nhưng động cơ xoay có nhược điểm lớn nhất và quan trọng nhất là mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải quá cao.
Thiết kế của người Đức
Động cơ xoay là phát minh sau Thế chiến thứ hai của kỹ sư Felix Wankel người Đức, nên còn được gọi là động cơ Wankel, hay động cơ xoay Wankel.
Gồm một rô-to ba góc xoay trong buồng đốt hình ô-van thay cho piston, động cơ xoay gọn nhẹ hơn so với động cơ piston thông thường; có ít bộ phận chuyển động hơn nên hoạt động êm hơn ở vòng tua máy cao.
Động cơ xoay ở xe RX-8 hiện nay có thể đạt tốc độ 8.200 vòng/phút trước khi đạt ngưỡng tối đa. Đây là con số “khủng” so với mức 7.000 vòng/phút của mẫu xe thể thao Toyota 86, hay Scion FR-S.
Sau khi ra mắt mẫu Cosmo Sport vào năm 1967, Mazda đã sản xuất gần 2 triệu xe với nhiều phiên bản khác nhau của động cơ xoay Wankel.
Chiếc 787B dùng động cơ xoay của công ty đã trở thành mẫu xe Nhật Bản đầu tiên giành chiến thắng trên đường đua Le Mans vào năm 1991.
“Tiếng động cơ gầm rú và ngoại hình đẹp mắt của chiếc Mazda 787B đã hoàn toàn chinh phục những người có mặt tại đường đua Le Mans khi đó,” ông Takashi Yamanouchi, chủ tịch Mazda cho biết. Ông gia nhập Mazda vào năm 1967, cũng chính là năm động cơ xoay bắt đầu được đưa vào sản xuất đại trà.
Nhược điểm
Dù gọn nhẹ hơn, nhưng động cơ xoay lại không hiệu quả hơn động cơ piston truyền thống vì chúng phải bơm dầu để bôi trơn các thanh nối, vòng kim loại; và một lượng lớn nhiên liệu không được đốt cháy.
Điều đó dẫn tới mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải của động cơ xoay cao hơn nhiều so với động cơ piston thông thường.
Mazda đã dùng động cơ xoay vào cả xe sedan và xe thể thao của hãng hồi những năm 70, đồng thời giới thiệu phiên bản tăng áp của xe Cosmo RE vào năm 1982, nhưng động cơ này dần mất thị phần và đến năm 2003, chỉ còn xe RX-8 sử dụng.
Xe RX-8 với động cơ xoay tiêu thụ nhiên liệu nhiều gấp đôi Toyota Corolla - mẫu xe động cơ xăng bán chạy nhất thế giới, và nhiều gấp 4 lần xe Toyota Prius. Với thực tế đó, Mazda khó bán được xe nếu cứ theo đuổi công nghệ động cơ xoay.
Thêm vào đó, xe RX-8 động cơ xoay đã không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro5, theo lời người phát ngôn Michiko Terashima của Mazda. Trong khi đó, từ năm 2010, muốn có mặt trên thị trường châu Âu, ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn này.
Năm 2010, Mazda chỉ sản xuất 2.896 chiếc RX-8.
Công nghệ SkyActiv
Trước xu thế thị trường và các quy định về tiêu chuẩn khí thải ngày một chặt chẽ hơn, Mazda đã chuyển hướng sang công nghệ SkyActiv hiệu quả hơn.
“Mẫu xe RX-8 đã bị ngừng sản xuất, nhưng động cơ xoay sẽ vẫn là một phần quan trọng trong tinh thần Mazda,” chủ tịch Takashi Yamanouchi của Mazda khẳng định.
Mazda cho biết, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu động cơ xoay để thử nghiệm công nghệ thân thiện với môi trường hơn.
Ở một hướng khác, Mazda cũng đang có kế hoạch giới thiệu một mẫu xe chạy điện vào năm sau, sử dụng hydro để vận hành động cơ xoay và phát điện cung cấp cho bộ pin của xe.
Nhật Minh
Theo Autonews