Mazda không chuộng động cơ tăng áp

(Dân trí) - Sử dụng động cơ dung tích nhỏ hơn, kết hợp với bộ tăng áp là giải pháp được nhiều nhà sản xuất ô tô dùng để đáp ứng các quy định về khí thải và mức tiêu thụ nhiên liệu ngày một chặt chẽ, nhưng Mazda Bắc Mỹ quyết định đứng ngoài cuộc.

Nhiều nhà sản xuất ô tô đang triển khai chiến lược này, tại Bắc Mỹ đáng chú ý nhất là Ford với các động cơ EcoBoost tăng áp và phun nhiên liệu trực tiếp.

 

Tuy nhiên, ông Robert Davis, phó chủ tịch phụ trách hoạt động nghiên cứu, phát triển và chất lượng sản phẩm của Mazda, cho biết mặc dù hãng cũng dùng bộ tăng áp cho một số mẫu xe, như CX-7 hay CX-9, nhưng công nghệ này không phải phù hợp với tất cả xe.

 

Theo ông Davis, trong trường hợp CX-9, chiếc xe có đủ chỗ mang một động cơ 4 xy-lanh dung tích lớn và một bộ tăng áp, nhưng một hệ thống động cơ tăng áp 1.0L 3 xy-lanh chẳng có ý nghĩa gì với tôi.”
 
Mazda không chuộng động cơ tăng áp - 1

Mazda nổi tiếng trong làng xe hơi với động cơ pittông quay

 

Thay vì cố lắp bộ tăng áp cho các động cơ dung tích nhỏ, ông Davis cho rằng lắp động cơ đúng dung tích cho xe còn hơn. “Thêm bộ tăng áp và giảm dung tích động cơ chỉ là giải pháp tạm thời,” ông nói.

 

Ngoài ra, hệ thống tăng áp còn làm tăng sự phức tạp một cách không cần thiết, tăng chi phí, trọng lượng xe...

 

“Các bộ tăng áp nhỏ thôi, nhưng phức tạp,” ông Davis nói. “Chúng được làm mát bằng nước hoặc dầu, nên ta sẽ phải bắt hệ thống ống dẫn từ bộ tản nhiệt hoặc bơm dầu. Rồi còn cần một bộ làm mát và lắp thêm đường ống dẫn từ hệ thống hút gió tới bộ tăng áp, rồi từ bộ tăng áp trở lại bướm ga.”

 

Khi cần tới bộ làm mát thì vấn đề nảy sinh là lắp vào đâu. Nếu đặt trước bộ tản nhiệt thì cần phải dùng một bộ tản nhiệt lớn hơn, còn nếu đặt bên trên động cơ thì cần một hốc gió lớn trên ca-pô.

 

“Kế đến, bạn cần một thiết bị thoát hơi ra ngoài,” ông Davis giải thích. “Nếu lắp bộ turbo sát bộ xúc tác thì cần phải dùng vật liệu khác cho bộ xúc tác vì nhiệt lượng từ bộ tăng áp có thể làm giảm tuổi thọ của bộ xúc tác”.

 

Ông Davis thừa nhận rằng chiến lược động cơ của Mazda rất khác đối tác lâu năm là Ford.

 

14 năm sau khi mua 33,4% cổ phần Mazda (tỷ lệ kiểm soát), hiện Ford chỉ còn giữ 3,5% cổ phần Mazda. Tuy nhiên, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác ở các dự án có lợi cho cả hai phía. Nhưng có lẽ là không phải lĩnh vực động cơ, ít nhất là hiện tại.

 

Nhật Minh

Theo Ward’s Auto