Mặt trái của chương trình hỗ trợ mua xe mới
(Dân trí) - Trong khi nhiều người dân Đức nhiệt liệt hưởng ứng chương trình phá xe cũ mua xe mới do chính phủ phát động và hỗ trợ tài chính, cũng có nhiều người kịch liệt phản đối. Đâu là nguyên do?
Trước tiên hãy đề cập tới ý kiến ủng hộ. Kurt Kroeger là một trường hợp. Gần đây ông rất vui vì công việc kinh doanh ô tô trong mấy tháng gần đây, mà theo ông là nhờ chương trình hỗ trợ người dân bỏ xe cũ mua xe mới của chính phủ Đức.
“Doanh số của chúng tôi tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái,” ông nói khi dẫn phóng viên dạo quanh showroom của mình ở Hamburg. “Khi chương trình lần đầu tiên được triển khai, rất nhiều người đã tới đây. Chúng tôi đã phải làm việc cả ngày. Các khách hàng được mời bánh ngọt và cà phê để khỏi sốt ruột trong lúc chờ tới lượt.”
Riêng trong ngày 16/4, khoảng 20 chiếc xe trưng bày tại showroom của ông Kroeger đã được khách hàng mua hết.
Ông chỉ là một trong nhiều đại lý ô tô làm nên ăn ra thời gian gần đây. Trong 3 tháng đầu năm 2009, Volkswagen thông báo số lượng xe mới đăng ký tăng tới 36%. Opel cho biết lượng đơn đặt hàng mà họ nhận được trong quý I/2009 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây chắc chắn là kết quả của chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ Đức để khuyến khích người dân bỏ xe cũ mua xe mới. Theo đó, những ai đang sở hữu một chiếc ô tô có tuổi đời ít nhất 9 năm có thể đăng ký tham gia. Chiếc xe cũ đó sẽ bị hủy và chủ xe được hỗ trợ 2.500 euro để mua một chiếc xe mới.
Sau thời gian thí điểm thành công, đến đầu tháng 4, chính phủ Đức quyết định kéo dài chương trình đến hết năm nay, nâng tổng kinh phí từ 1,5 tỷ USD lên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ đó làn sóng chỉ trích cũng ngày một tăng cao.
Những hoài nghi
Các nhà kinh tế và thậm chí cả một số thành viên trong chính phủ đã than phiền về việc này, cho rằng chương trình thực sự chỉ có lợi cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài. Một số khác nói rằng chương trình chỉ tạo ra những thay đổi trong ngắn hạn trên thị trường.
Trong số những người phản đối chương trình này có ông Justus Haucap, trưởng ban quản lý độc quyền của Đức. “Lợi ích kinh tế là rất nhỏ, so với chi phí. Số tiền đó lẽ ra có thể được sử dụng khôn ngoan hơn vào những thứ khác, như cơ sở hạ tầng và giáo dục,” ông nói.
“Thật là lãng phí tiền của. Tôi cho rằng đây thực sự là chiêu bài chính trị trước kỳ bầu cử,” ông nói thêm. “Nếu chúng ta không có cuộc bầu cử trong năm nay thì tôi ngờ rằng sẽ không có chương trình này.”
Ý kiến phản đối
Tại bãi hủy xe của ông có một “núi” ô tô đã bị ép nát, trong khi sân bê-tông xếp kín xe cũ đang chờ tới lượt. Vừa mở cửa một chiếc xe ông vừa nói: “Hãy nhìn chiếc xe này xem. Theo đồng hồ, nó mới chạy được 20 vạn cây. Thật điên rồ.”
Theo chương trình này, ông buộc phải phá hủy những chiếc ô tô bằng máy nén, chứ không thể đem bán. Do đó, ông đang thiếu nguồn cung cấp ô tô cũ của. Tất nhiên, ông có thể tận dụng linh kiện, phụ tùng của các xe bị phá. Nhưng hiện các nhà kho của ông đã chật kín những động cơ, gương chiếu hậu và cản sốc mà chẳng có khách mua. Thêm vào đó, giá phế liệu đã giảm mạnh.
“Trong 3 tháng qua, chúng tôi đã hủy 900 chiếc ô tô, trong khi cả năm ngoái con số là 1.000. Hãy nhìn chiếc Mercedes này xem, chúng tôi sắp phải hủy trong khi nó vẫn còn khá tốt.”
Lực lượng cảnh sát giám sát rất chặt chẽ việc tiêu hủy xe. 4 cơ sở hủy ô tô cố bán lại ô tô thuộc chương trình phá xe cũ mua xe mới của Đức đã bị bắt giữ.
Ewelin Hassenberg, một phụ nữ vừa đăng ký đem chiếc Volkswagen 20 năm tuổi đi hủy và mua một chiếc Chevrolet Aveo mới, sản xuất tại Ba Lan, cho biết: “Tôi sẽ không thể đổi xe nếu chính phủ không triển khai chương trình này. Với tôi, chương trình này thật tốt. Nhưng tôi không chắc mọi việc có tương tự với những người sở hữu ô tô 10 năm tuổi.”
Nhật Minh
Theo BBC