Lo ngại về xe nhập, VAMA kêu tới Chính phủ

(Dân trí) - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét sự việc Hyundai Thành Công được phép nhập 5.000 bộ linh kiện có độ rời rạc thấp hơn yêu cầu nêu trong Quyết định 05/2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khoảng ba năm trở lại đây, Hyundai - thông qua nhà phân phối chính hãng là Thành Công Group (HTC) tại Việt Nam - đã trở thành một thương hiệu gần gũi và quen thuộc với thị trường trong nước nhờ giá xe phù hợp với nhiều người tiêu dùng, xe có những trang thiết bị hỗ trợ phong phú. Thương hiệu Hàn Quốc này tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, trở thành đối thủ nặng kí với các thương hiệu Nhật, Mỹ...

Tuy nhiên, mặc dù đã có sản phẩm lắp ráp trong nước (mẫu xe Avante), nhưng Hyundai Thành Công vẫn chưa phải là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Trước việc Hyundai Thành Công được phép nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện với mức độ rời rạc "đặc cách", VAMA đã gửi công văn đề nghị các cơ quan quản lí xem xét sự việc, dù đang bận rộn với công tác tổ chức Triển lãm ô tô Việt Nam 2011 tại TPHCM.

 
Lo ngại về xe nhập, VAMA kêu tới Chính phủ - 1

Văn bản của VAMA gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nêu ba ý kiến xung quanh vụ việc này; trong đó quan trọng nhất là VAMA cho rằng việc Hyundai Thành Công được ưu đãi thuế nhập 5.000 bộ linh kiện với mục đích chạy thử dây chuyền sản xuất là số lượng quá lớn. Cũng theo VAMA, việc Hyundai Thành Công được nhập một số lượng lớn linh kiện có độ rời rạc thấp hơn quy định với thuế suất dành cho linh kiện không phải xe nhập khẩu nguyên chiếc tạo sự không công bằng giữa các nhà sản xuất.

Ngoài ra, VAMA cũng khẳng định, những yêu cầu theo Quyết định 05/2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ về mức độ rời rạc của linh kiện, trong đó quy định về độ rời rạc của thân xe (rời từng mảnh, chưa hàn, tán, chưa sơn tĩnh điện) là điều kiện chính để nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô. Do đó, VAMA lo ngại sự việc này sẽ tạo một tiền lệ không tốt, ảnh hưởng đến quá trình nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô.

Và trong công văn, VAMA chính thức đề nghị các cơ quan chức năng xem xét sự việc này, để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, để các doanh nghiệp ô tô yên tâm sản xuất.
 
Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, các thành viên VAMA, dù nhận thức rõ định hướng của các nhà quản lí về việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trên các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước vẫn rất còn rất khiêm tốn.

Tiến Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm