Lỗ hổng lớn về tiêu chuẩn quốc gia cho xe điện ở Việt Nam
Tổng số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho ô tô hiện nay là 140, nhưng chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện. Thực tế đòi hỏi cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện trước khi xe điện trở nên phổ biến trong tương lai gần.
Cấp thiết phải bịt lỗ hổng về tiêu chuẩn
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Tổng số TCVN đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260; trong đó, ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô-tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn.
Trong các TCVN trên, mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện. So với độ bao phủ của các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực, chúng ta mới chỉ đạt khoảng 60%.
Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), hiện có 21 quy chuẩn áp dụng cho xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho ô tô, mô-tô và xe gắn máy điện. Đáng chú ý là không có QCVN nào dành riêng cho ô tô điện.
Có thể chỉ ra, trong hệ thống TCVN liên quan đến xe điện có nhiều yêu cầu chưa được đề cập đến như: yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện đối với hệ thống sạc nhanh; yêu cầu về an toàn khi vận chuyển, thay thế pin/ắc quy xe điện; tái chế đối với ắc-quy, pin sau một thời gian sử dụng; yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe buýt điện; thuật ngữ về phân loại mức độ của xe tự lái; yêu cầu kỹ thuật và an toàn đối với xe tự lái;…
Giới chuyên gia cho rằng, các TCVN, QCVN hiện nay cũng chưa thực sự bao quát được hết các vấn đề về chất lượng, an toàn phương tiện cho người sử dụng các loại xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng. Trong khi đó, quy mô thị trường xe điện trên thế giới ngày càng cao, trong đó Việt Nam không đứng ngoài xu thế tất yếu này.
Trên thực tế, một số nhà máy đã cho ra đời các dòng xe ô tô điện khác nhau như: xe buýt điện, các dòng xe con thuần điện (BEV) hay các loại xe Hybrid, nhưng hiện tại chưa có QCVN cụ thể nào cho các dòng xe này. Đây thực sự là lỗ hổng lớn về tiêu chuẩn, quy chuẩn tại Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, hệ thống TCVN và QCVN về xe điện không chỉ là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp và ngành công nghiệp hỗ trợ; góp phần bảo vệ người tiêu dùng đối với các sản phẩm xe điện hóa.
Thế nên, muốn phát triển ô tô điện, ngoài những chính sách ưu tiên, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe điện thì một nội dung cấp thiết cần quan tâm đó là sớm nghiên cứu, bổ khuyết những lỗ hổng về TCVN và QCVN trước một bước.
Cần có tiêu chuẩn chung cho hệ thống trạm sạc
Tại một hội thảo trực tuyến về ô tô điện diễn ra mới đây, ông Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) nhận định: "Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại để hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với quốc tế và khu vực".
Ông Phương cho rằng, số lượng các TCVN hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện ở các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh. Đặc biệt cấp thiết đó là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc bởi đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.
Vị chuyên gia này viện dẫn: "Trên thế giới đã có những trường hợp xảy ra hỏa hoạn khi các phương tiện xe điện đang sạc, gây nguy hiểm nhất định cho con người và tài sản. Thế nên chúng ta cần sớm có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc để giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có".
Đồng tình với ý kiến trên, bà Phan Thị Thùy Dương - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast khẳng định, với xe điện, điều rất quan trọng là hạ tầng trạm sạc. Ngoài việc lập tức cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc thì các cơ quan chức năng cũng cần quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe,…
Trước thông tin nhiều độc giả thắc mắc về việc liệu dùng xe ô tô điện của hãng khác có sạc được chung với xe VinFast hay không, bà Dương cho rằng, các trạm sạc của Vinfast hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và về lý thuyết có thể sạc cho các phương tiện tương thích.
"Tuy nhiên, giai đoạn đầu, chúng tôi mới thử nghiệm độ an toàn cho riêng xe Vinfast nên mới chỉ tạm thời cung cấp điện cho xe Vinfast. Về tương lai, khi các dòng xe khác cùng hòa vào thị trường, đồng thời có các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thì tôi hy vọng có nhiều đơn vị đầu tư trạm sạc và các hãng xe có thể dùng chung", đại diện hãng xe VinFast chia sẻ.
Các chuyên gia cũng đánh giá, ngoài các tiêu chuẩn đặc thù của hãng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu, bàn bạc để lựa chọn ra những quy chuẩn không chỉ liên quan đến phương tiện và còn cả trạm sạc, đầu sạc, nguồn điện,... Đây không chỉ là việc của các bộ, ngành mà còn là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện.
Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 quy định:
- Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
- Quy chuẩn là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.