Lật tẩy công nghệ lên đời xe gắn máy

Tại các chợ xe máy cũ ở Hà Nội, người tiêu dùng dễ dàng gặp những chiếc xe “đẹp long lanh” với giá phải chăng, nhưng rất nhiều trong số đó là “vịt hóa thiên nga”.

Công nghệ nâng đời xe

 

“Vì cần một chiếc xe máy để đi Tết, tôi gom được gần hai chục triệu đồng nên nhắm đến chiếc Yamaha Nouvo đời trung, hai mắt (hai đèn pha). Một vài bạn bè mách, cứ ra chợ xe máy cũ Dịch Vọng thì xe gì cũng có, chỉ đắt thêm vài trăm ngàn thôi. Vốn tính cẩn thận, tôi mời thêm một anh bạn làm nghề sửa xe máy ngay đầu làng đi cùng cho chắc ăn. Lượn khắp chợ Dịch Vọng đến gần hai tiếng đồng hồ, tôi chọn được một chiếc Nouvo màu đỏ còn khá mới. Chủ cửa hàng đòi gần 18 triệu đồng với lời giới thiệu: “Con này đạt nhất. Xe đăng ký từ năm 2004 nhưng chủ xe giữ gìn, trông như mới. Ông anh là người có duyên mới mua được. Em chưa dọn dẹp gì đâu, xe nguyên 100%”. Anh bạn sửa xe đi cùng tôi ngó nghiêng một hồi rồi phán: “Ok, xe được, quan trọng là giá cả”. Sau một hồi thêm hai, bớt một, tôi mua được chiếc xe với giá 16,8 triệu đồng.Trước khi ra về, tay buôn xe còn nháy mắt: “Chúc mừng ông anh cưới được vợ hai như ý”.

 

Chiều 29 Tết, một người hàng xóm (làm nghề sửa xe tít trong Sài Gòn) khẳng định: “Ông mua phải xe nâng đời rồi. Đây là con Nouvo một mắt, đời đầu. Con này nếu để nguyên bản không quá bảy “củ’ (bảy triệu đồng). BKS 29-T3 đã làm gì có Nouvo hai mắt”. Tôi choáng váng vì bị lừa dù đã rất cẩn thận,” anh Trần Ngọc Chính (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) bức xúc cho biết.

 

Không chỉ có anh Chính, nhiều “thượng đế” đã bị các thợ xe lừa, mất hàng triệu đồng và được “khuyến mại” thêm sự bực tức vì mua phải xe nâng đời. Một thợ ở chợ xe Quảng Bá cho biết: “Những loại xe hay bị nâng đời là Dream Thái, Honda @, Nouvo; Dream Thái đời BKS ba số (đầu những năm 90 của thế kỷ trước) được đổi biển để thành đời BKS bốn số (từ biển 29F… có từ năm 1993 đến nay); Nouvo đời đầu, một mắt nâng lên thành đời trung hai mắt… Bán được một con xe nâng đời, thợ xe có ít nhất ba “củ”. Có con Honda @ nâng đời lãi chục triệu là chuyện thường.


Lật tẩy công nghệ lên đời xe gắn máy   - 1
(Ảnh chỉ có tính minh hoạ)

Thông thường, thợ nâng đời xe thường mua những chiếc Dream, Nouvo, Honda @ cũ nát phần vỏ nhựa với giá rẻ để thực hiện việc nâng đời xe. Các “lò” chuyên biến “vịt thành thiên nga” nằm ngay trong chợ xe máy cũ Dịch Vọng. Một chiếc Nouvo đời cũ có giá khoảng 6-7 triệu đồng, sau khi lắp bộ vỏ nhựa mới, thay càng sau, thay ống xả, đèn pha (tổng số khoảng 4 triệu đồng) được chào bán với giá 15 - 16 triệu đồng.

 

Loại xe ga cao cấp như Honda @ được các thợ nâng đời ưa chuộng nhất vì lãi khá dày, nếu gặp “gà” thợ xe có thể  đút túi cả chục triệu đồng mỗi chiếc. Với loại xe này, sau khi tháo bỏ phần nhựa, các thợ xe  hàn thêm các vấu, gá để thích hợp với bộ vỏ của xe Dylan, các thợ xe tốn từ 10 - 12 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, một chiếc xe Honda @ cũa giá chỉ khoảng hơn 20 triệu đồng mà giá chiếc Dylan còn “sạch sẽ” không dưới 50 triệu đồng.

 

Sau khi nâng đời, những “thiên nga gốc vịt” trên được bày bán tại chợ xe máy cũ và nhiều nhất là trên các trang rao vặt điện tử. Hầu hết những chiếc xe nâng đời trên chợ rao vặt điện tử được bán bởi những cái tên: Chị Loan công an, anh Thành giáo viên, anh Hùng họa sĩ, anh Trung bác sĩ BV 108… để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Các thợ xe còn sử dụng thêm các cụm từ: chính chủ, nguyên bản 100%, còn 98-99%... để dụ những người nhẹ dạ. Cao thủ bán xe nâng đời (nhưng vẫn đăng còn… 98%) là T “béo” ở phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.

 

Bị lừa… ráng chịu nhé!

 

Một số người tiêu dùng, sau khi phát hiện bị lừa đã điện thoại, thậm chí đến gặp người bán để điều chỉnh nhưng đều thất bại. Chị Lê Thị Nguyên (trú tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua phải chiếc Dylan nâng đời của một ông xưng là thầy giáo trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi tôi quay lại để thương lượng trả xe thì y vắng nhà. Bà chủ quán nước nói, thầy giáo gì thằng đó, chuyên lừa bán xe máy cũ nát, tháng nào chả có người đến cổng chửi. Khi gặp nhau, y nói thẳng: “Đây chỉ bán, không mua. Em không thích thì đem ra chợ bán. Tôi không lừa đảo, cứ ra công an mà trình báo”. Không nhiều người còn bị chửi: “Ngu thì ráng chịu, kêu ai thương. Thuận mua, vừa bán, tôi không lừa đảo”!?

 

Các thợ xe có lý khi cho rằng thuận mua, vừa bán. Khi vấn đề đạo đức trong kinh doanh bị xem nhẹ thì điều quan trọng nhất đối với các “thượng đế” chính là sự hiểu biết và tỉnh táo. Theo các văn bản pháp luật đã ban hành, hiện chưa có văn bản nào qui định việc xử lý hành vi  nâng đời xe, thay đổi tổng thành xe khi chưa được cho phép của cơ quan chức năng. Chính vì thế, nếu mua phải xe nâng đời, người tiêu dùng chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

 

Tránh cách nào?

 

Một thợ xe đã giải nghệ bật mí: “Nếu mua xe máy cũ, nên mua của người quen muốn đổi xe. Trường hợp cần gấp, phải mua ở chợ xe cũ thì cần có người “trong nghề” giúp đỡ. Thợ chuyên nghiệp chỉ cần nhìn BKS hoặc số khung, số máy là phát hiện ra xe nâng đời. Tất nhiên, 99% người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn và mất tiền oan”. Thợ xe này cũng nói thêm: “Thợ buôn xe thì biết, còn thợ sửa xe vẫn “ngọng” như thường. Tốt nhất nên tránh những loại xe, đời xe hay bị nâng đời”.

 

Một điểm rất quan trọng, cần lưu ý là, người tiêu dùng cẩn thận trọng với những chiếc xe máy có đăng ký được cấp lại (ghi ở góc trái đăng ký xe) vì rất nhiều trong số đó là xe từ tỉnh khác sang tên, đổi biển Hà Nội để nâng đời…

 

Theo Bộ luật Hình sự, để cấu thành tội “Lừa đảo” cần phải có hai yếu tố là có hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc nâng đời xe để bán kiếm lời của một số thợ xe là có sự gian dối nhưng không có hành vi chiếm đoạt tài sản vì đây là quan hệ mua bán, tự thỏa thuận. Thông thường, khi giao dịch, không có người mua nào yêu cầu người bán phải viết giấy cam kết chiếc xe đó không phải là xe nâng đời. Thế nên, dù trình báo cơ quan công an, phần thua vẫn thuộc về người mua. Một luật sư khuyên, nếu phải mua xe cũ của thợ xe, bạn nên yêu cầu người bán cam kết về chất lượng xe. Trong trường hợp bị lừa, giấy cam kết chính là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý kẻ lừa đảo.

 

Theo VTC/PL&XH