Lái xe lao xuống sông vì đi theo chỉ đường của Google Maps

T.Thủy

(Dân trí) - Khi nhìn thấy chiếc Fortuner đi về phía cuối đường, nhiều người dân địa phương đã hô hoán để cảnh báo, nhưng tài xế không nghe thấy.

Sự việc xảy ra khi một gia đình đi du lịch đến thành phố Alappuzha (bang Kerala, Ấn Độ) trên chiếc Toyota Fortuner. Tài xế đã dùng ứng dụng bản đồ Google Maps để tìm đường di chuyển.

Khi gia đình này đến một ngôi làng nhỏ có tên Kuruppanthara Kadavu, tài xế tiếp tục chạy dọc theo con đường mòn như chỉ dẫn của Google Maps mà không hay biết đây là con đường cụt và phía cuối đường bị cắt ngang bởi một con sông. Khi nhìn thấy chiếc Fortuner này đi về phía cuối đường, nhiều người dân địa phương đã hô hoán để cảnh báo, nhưng tài xế không nghe thấy.

Chiếc Toyota Fortuner lao xuống sông vì đi theo hướng dẫn của Google Maps (Ảnh: Cartoq).

Chiếc Toyota Fortuner lao xuống sông vì đi theo hướng dẫn của Google Maps (Ảnh: Cartoq).

Hậu quả, chiếc xe này đã lao xuống dòng sông. May mắn cả gia đình ở bên trong đã kịp thời thoát ra ngoài trước khi chiếc xe bị chìm xuống nước.

Dân làng sau đó đã hợp sức để kéo chiếc xe bị mắc kẹt dưới sông lên, nhưng bất thành. Cuối cùng, tài xế đã phải thuê một chiếc xe cẩu giúp kéo chiếc xe lên bờ. Vụ việc không có thiệt hại về người.

Để ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự xảy ra trong tương lai, dân làng đã sử dụng một sợi dây xích sắt giăng ngang đoạn đường mòn, đồng thời đặt biển cảnh báo đường cụt cho các tài xế khác được biết.

Ứng dụng bản đồ Google Maps đã trở thành một công cụ chỉ đường được nhiều người tin tưởng khi di chuyển ở những khu vực xa lạ. Tuy nhiên, trên thực tế vụ việc kể trên không phải là lần đầu tiên Google Maps chỉ sai đường dẫn đến tai nạn. Thậm chí, đã có không ít tai nạn chết người vì đi theo chỉ dẫn của Google Maps.

Chẳng hạn như vào năm ngoái, Satis Ghule, 34 tuổi, lái xe theo chỉ đường của Google Maps tại thành phố Akole (bang Ahmednagar, Ấn Độ) vào đêm khuya đã vô tình rơi xuống sông khiến người này tử vong.

Điều tra của cảnh sát sau đó cho biết, Google Maps đã hướng dẫn Ghule lái xe qua một cây cầu, nhưng trên thực tế cây cầu này đã bị chìm xuống dưới sông từ 4 tháng trước do nhà chức trách xả đập nước. Người dân địa phương từ lâu đã không còn sử dụng tuyến đường qua cây cầu này, nhưng dường như Google Maps vẫn chưa cập nhật thông tin nên dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc.

Trước đó vào năm 2020, Sergey Ustinov, 18 tuổi, lái xe rời khỏi nhà mình ở thị trấn Yakutsk (Nga) để đến thành phố Magadan, cách đó hơn 1.800km. Ustinov đã sử dụng Google Maps để dẫn đường và ứng dụng này chỉ cho Ustinov đi một con đường tắt băng qua rừng. Ustinov sau đó bị lạc trong rừng và xe bị hư hỏng, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống mức -50 độ C. Hậu quả, Ustinov đã bị chết cóng trên xe và được cơ quan chức năng tìm thấy sau nhiều ngày bị mất tích.

Chiếc xe của Sergey Ustinov bị phủ trong tuyết trắng sau khi thanh niên này đi lạc vào rừng vì nghe theo Google Maps (Ảnh: Rti).

Chiếc xe của Sergey Ustinov bị phủ trong tuyết trắng sau khi thanh niên này đi lạc vào rừng vì nghe theo Google Maps (Ảnh: Rti).

Rõ ràng, các ứng dụng bản đồ và thiết bị chỉ đường GPS thực sự hữu ích cho nhiều lái xe, tuy nhiên vẫn cần sự tỉnh táo của người cầm lái để phân biệt rõ lúc nào nên và không nên nghe theo các công cụ chỉ đường điện tử này.

Theo Cartoq/Rti