Hướng dẫn an toàn cho trẻ nhỏ trên xe hơi

(Dân trí) - Cơ thể trẻ nhỏ có nguy cơ thương tổn cao ngay cả trên các xe có các trang bị tiện nghi bậc nhất thế giới khi xảy ra va chạm. Sau hơn 40 cuộc nghiên cứu về an toàn của trẻ nhỏ trên xe hơi, Volvo đã đưa ra một số khuyến cáo tới các bậc cha mẹ.

Những bộ phận dễ gặp thương tổn

 

Nếu như ở người lớn đầu chỉ chiếm 6% tổng trọng lượng cơ thể thì ở trẻ nhỏ (từ 1-3 tuổi), tỷ lệ này là hơn 50%. Đầu quá khổ cộng với đốt sống cổ, cơ và dây chằng đang trong giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ được xem là điểm yếu nhất và dễ chấn thương nhất trong trường hợp đâm va.

 

Một bộ phận đáng lo ngại không kém là vùng xương chậu - lúc này trẻ còn quá nhỏ nên không thể giữ dây an toàn vào đúng vị trí như người lớn. Vì vậy cần lắp riêng ghế đỡ dành cho trẻ nhỏ.

 

Dây đai an toàn bảo đảm cho cả mẹ và bé

 

Đảm bảo an toàn cho trẻ trong bụng mẹ là vấn đề hiếm khi được nhắc tới, ngay cả số liệu thống kê cũng không tính tới các vụ tai nạn hay thương tổn của thai nhi. Hiện Volvo có lẽ là nhà sản xuất duy nhất thử nghiệm tai nạn với hình nộm phụ nữ mang thai để hiểu hơn chế độ an toàn dành cho trẻ chưa sinh và người mẹ.

 

Nghiên cứu chỉ ra túi khí trước có khả năng tránh nguy cơ tổn thương cho người đang mang bầu, đồng thời khẳng định: dây thắt an toàn không hề ảnh hưởng tới thai nhi như người ta vẫn nghĩ. Ngược lại, thắt đúng vị trí còn giúp đảm bảo an toàn cho phôi thai một cách hiệu quả nhất.

 

Đi lùi

 

Nghiên cứu của Volvo cũng đặc biệt khuyến cáo: khi đi xe, trẻ dưới 3 tuổi nên đặt nằm trong ghế đỡ quay mặt ra sau, tức là luôn ở trạng thái “đi lùi”.

 

Trong trường hợp đâm va từ phía trước - loại tai nạn thường gặp nhất và gây chấn thương nghiêm trọng nhất, nếu ngồi quay mặt về trước, cơ thể trẻ được giữ lại nhưng vùng cổ và đầu (lớn một cách không tương xứng) thì vẫn chúi ra, gây tác động lớn tới xương cổ.

 

Ngược lại nếu quay mặt ra sau, lực đâm va sẽ trải đều trên lưng và đầu, giảm thiểu nguy cơ chấn động mạnh cổ và cột sống.

 

Theo điều tra của Volvo, trẻ con ngồi quay mặt phía sau sẽ giảm 90% nguy cơ bị chấn thương nặng trong mọi trường hợp đâm va.

 

Đai thắt an toàn và ghế đỡ

 

Cũng như người lớn, đai ngang hông (lap belt) phải thắt chặt quanh vùng xương chậu của bé, thấp xuống dưới đùi và không được choàng qua phần mỡ mềm ở bụng. Trong khi đó dây đeo chéo thì thắt chặt qua vai. Không bao giờ được để đai an toàn rơi xuống dưới cánh tay hoặc bỏ quên đằng sau lưng.

 

Ghế đỡ, hay còn gọi là ghế nâng (booster seat), cho phép trẻ ngồi ở vị trí cao hơn. Khi đó dây an toàn có thể thắt vào đúng vị trí bảo vệ hiệu quả.

 

Những điều ghi nhớ đơn giản

 

Lái xe trong lúc có thai, người mẹ nên điều chỉnh ghế ngồi sao cho chân chạm được vào các pedal một cách thoải mái, trong khi vẫn phải giữ khoảng cách cần thiết giữa bụng và vô-lăng. Thắt chặt đai hông ngang qua đùi, ngay dưới đường cong của bụng. Vắt đai chéo đi giữa hai bầu ngực rồi mới nhấn nút thắt.

 

Trẻ mới sinh nên đặt trong ghế đỡ quay mặt về phía sau (cho đến khi được 3 - 4 tuổi). Không nên cho trẻ ngồi quá nhiều, thỉnh thoảng bế bé trong tay hoặc cho bé nằm xuống ghế nệm trong lúc xe dừng lại.

 

Luôn để các túi khí trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Nên lắp thêm gương phía sau để bé có thể nhìn thấy bạn và yên tâm hơn, cũng như bạn có thể để mắt dễ hơn tới bé.

 

Hải Minh

Theo Auto Portal