Harley-Davidson tiếp tục chứng tỏ sức mạnh
Harley-Davidson tiếp tục chứng tỏ sức mạnh với việc tuyên bố lợi nhuận thuần của hãng tăng lên 243,4 triệu USD nhờ doanh số bán hàng của loại xe đắt bậc nhất thế giới này tăng mạnh.
Lợi nhuận thuần lên đến 243,4 triệu USD
Harley-Davidson, hãng sản xuất xe gắn máy lớn nhất của Mỹ, tuyên bố lợi nhuận thuần của hãng trong quý II/2006 đã tăng 2,5% lên 243,4 triệu USD nhờ doanh số bán hàng của loại xe đắt bậc nhất thế giới này tăng mạnh.
Lợi nhuận thuần của Harley-Davidson đã lên đến 243,4 triệu USD, tương đương 91 xu trên một cổ phiếu so với 237,4 triệu USD và 84 xu một cổ phiếu cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng của hãng tăng 3,3% lên 1,38 tỉ USD.
Harley-Davidson thu được nhiều lợi nhuận từ doanh số bán hàng của các sản phẩm Fat Boy và xe du lịch tăng mạnh. Harley-Davidson bán khoảng 25% số lượng xe gắn máy với động cơ 650 phân khối hoặc lớn hơn ra khắp thế giới.
Phát biểu trong một hội nghị được tổ chức ngày 18/7, giám đốc tài chính của công ty Tom Bergmann cho biết Harley có kế hoạch xuất khẩu 97.000 chiếc trong quý này, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Harley-Davidson ở phố Wall
Một ngày cuối tháng 8/2005, nhãn hiệu xe nổi danh Harley-Davidson đã xuất hiện tại phố Wall, oai vệ và kiêu hãnh, nhằm thuyết phục những nhà kinh doanh hàng đầu nước Mỹ sử dụng, qua đó gây sự lan toả rộng rãi hơn nữa đối với mọi người.
Giám đốc điều hành thị trường chứng khoán New York (NYSE) John Thain (phải) ngồi trên chiếc 2006 Dyna Street Bob. Bên cạnh là Giám đốc điều hành Harley-Davidson Jim Ziemer ngay trước cửa NYSE.
Một nhà buôn phố Wall bước qua dãy xe Harley-Davidson dựng trước cửa NYSE. Tất cả nhân viên làm việc tại phố Wall đều được khuyến khích đi thử những chiếc xe trên.
Bob Pisani, Phóng viên kỳ cựu của đài truyền hình Mỹ CNBC, ngồi trên chiếc Harley-Davidson Springer Softail ngay trên sàn giao dịch NYSE sau khi thực hiện xong một bản tin thường ngày ở phố Wall.
Bob Stevens (trái), phóng viên Tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ Forbes, ngồi trên chiếc 1997 Harley-Davidson Low Rider của anh phía trước cửa NYSE.
Chiếc Harley-Davidson Springer Softail được đặt ngay trên sàn giao dịch NYSE để thu hút sự chú ý của nhân viên làm việc tại phố Wall và cả giới kinh doanh toàn cầu, thông qua các kênh truyền hình trực tiếp luôn theo dõi tin tức ở đây.
Giám đốc điều hành Harley-Davidson Jim Ziemer rung hồi chuông kết thúc phiên giao dịch tại NYSE vào 4h chiều ngày 23/8. Sự kiện này được tổ chức nhằm đánh dấu việc nhậm chức Giám đốc hãng này của Ziemer đồng thời giới thiệu mẫu xe mới Harley-Davidson's 2006.
Giá xuất xưởng của thế hệ xe mới này, các mẫu giành cho năm 2006, dao động từ 15.000 USD tới 32.000 USD, tuỳ loại.
Biểu tượng của sức mạnh
Năm 1900, trong căn phòng làm việc nằm dưới một tầng hầm, hai nhà thiết kế và sáng chế người Mỹ là William S. Harley và Arthur Davidson nung nấu ý tưởng về một chiếc xe gắn máy. Ý tưởng này đã biến thành hiện thực nhờ sự trợ giúp của hai người anh là Arthur và Walter. Tất cả cũng không ngờ những thử nghiệm ban đầu lúc đó sẽ có ngày trở thành một biểu tượng của sức mạnh đầy nam tính như ngày nay.
Năm 1903, công ty Harley-Davidson chính thức thành lập và một năm sau bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 1905, hãng thiết kế chiếc Harley-Davidson một máy mang tên Silent Grey Fellow với màu sơn xám. Chiếc xe này xuất hiện trong ngành cảnh sát Mỹ từ năm 1907. Kiểu máy V bố trí nghiêng 45 độ như hiện nay xuất hiện trên xe Harley-Davidson từ năm 1909.
Kể từ đó, Harley-Davidson trở thành nhà cung cấp xe máy cho quân đội và cảnh sát. Sau một thời gian hoạt động, năm 1965 Harley-Davidson sáp nhập với Công ty máy móc và đúc Mỹ (AMF). Sự kết hợp này kết thúc sau 21 năm, khi 13 lãnh đạo cao cấp của hãng chính thức mua lại cổ phần.
Không tính hết bao nhiêu lần xe Harley-Davidson đã xuất hiện trên màn ảnh Hollywood, những chiếc xe đen bóng do những người hùng cơ bắp như Arnold điều khiển là ấn tượng khó quên cho khán giả mê phim Mỹ.
Harley-Davidson có mặt trong đội hộ tống đoàn xe các nguyên thủ, trong các cuộc rong ruổi dặm trường của những người yêu tốc độ, thích khám phá. Và như trên, cuộc chinh phục mới bắt đầu nhằm vào những nhà kinh doanh hàng đầu nước Mỹ ngay tại thánh địa của họ, phố Wall.
Theo Nhật Vy
Vietnamnet