Hành trình bứt phá của sinh viên Việt tại cuộc đua Shell Eco-marathon
(Dân trí) - Hai đội tuyển Việt Nam khép lại cuộc thi Shell Eco-marathon với nhiều thành tựu và kinh nghiệm quý giá, đặt nền móng tiếp tục nghiên cứu và phát triển ngành vận tải và năng lượng xanh.
Đội tuyển Việt tỏa sáng trên đường đua tiết kiệm năng lượng
Shell Eco-marathon (SEM) khu vực châu Á Thái Bình Dương - Trung Đông vừa kết thúc tại trường đua Pertamina Mandalika International Street Circuit, Indonesia với HAUI AUTO (đội đua của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội) vươn lên ngôi Á quân 2 ở hạng mục xe mô hình cơ sở động cơ đốt trong nhiên liệu xăng cho thành tích chạy 816 km chỉ với 1 lít nhiên liệu.
Riêng đội LH-EV Fuel Cell (của Trường đại học Lạc Hồng) trở lại đường đua xanh năm nay với thử nghiệm táo bạo là mang đến chiếc xe ô tô mô hình đô thị chạy bằng năng lượng pin nhiên liệu hydrogen đầu tiên từ Việt Nam.
Cuộc thi năm nay quy tụ 78 đội từ 12 quốc gia trong khu vực. Để góp mặt tranh tài chính thức ở SEM 2024, các đội đã nỗ lực không ngừng để chế tạo những chiếc xe siêu tiết kiệm nhiên liệu, có thể đi được quãng đường xa nhất với lượng nhiên liệu ít nhất.
Những bài học trên hành trình chinh phục năng lượng xanh tương lai
Mặc dù thời gian thi tài của SEM 2024 chỉ gói gọn trong vòng vài ngày nhưng hai đội thi đến từ Việt Nam đã phải vượt qua hành trình chuẩn bị kéo dài tới hơn 9 tháng, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để hiện thực hóa những sáng kiến, giải pháp công nghệ năng lượng của mình.
Để có được những thành viên tốt nhất đại diện cho đội thi đại diện sinh viên Việt Nam, các trường đều tổ chức tuyển chọn kỹ càng. Với HAUI AUTO, các thành viên được tuyển chọn từ câu lạc bộ của trường, phải nộp hồ sơ dự tuyển và vượt qua bài kiểm tra tại xưởng. Trường đại học Lạc Hồng tổ chức một sân chơi chế tạo xe có phiên bản y như SEM, qua đó chọn lọc sinh viên từ 4 ngành ô tô, tự động hóa, điện - điện tử và cơ khí cho đội tuyển.
Chỉ riêng việc vượt qua vòng kiểm tra kỹ thuật của ban tổ chức để góp mặt trên đường đua đã là một thách thức lớn bởi các tiêu chí về kỹ thuật, an toàn được SEM quy định chặt chẽ và cập nhật hằng năm.
"Sau 9 tháng miệt mài chuẩn bị, đội của tôi đã hoàn thành bộ khung vỏ làm từ carbon fiber cùng một số vật liệu nhẹ và bền khác thay thế các vật liệu nặng. Thiết kế vỏ trên, đầu và đuôi xe được thay đổi để tối ưu hóa khí động học, giúp tăng hiệu quả di chuyển, bộ bánh xe vòng bi kép giúp phát huy toàn bộ công suất của xe trong khi đua. Đội tuyển cũng miệt mài nghiên cứu để đưa ra phương án bố trí phanh và chỉnh sửa góc đánh lái sao cho hiệu quả nhất", Nguyễn Hà Anh, đội trưởng HAUI AUTO, chia sẻ.
Từng giành được những thành công tại SEM trong giai đoạn 2015-2019, năm nay Trường đại học Lạc Hồng trở lại với quyết định trở thành đội tuyển Việt Nam đầu tiên dự thi với mô hình xe chạy bằng pin nhiên liệu hydrogen.
Thầy Lê Phương Long (cố vấn kỹ thuật của đội LH-EV Fuel Cell) lý giải: "Năng lượng hydrogen là loại năng lượng trong tương lai gần, bởi đây là nguồn năng lượng xanh, đa ứng dụng và sử dụng hiệu quả cho tất cả thiết bị sử dụng nguồn DC. Các nước xung quanh đã đưa vào sử dụng".
Dù chưa đạt được thành công ngay trong lần đầu tiên dự thi tại một trong những hạng mục thử thách nhất của SEM, LH-EV Fuel Cell đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá. "Trải nghiệm lớn nhất của sinh viên năm nay là thấy được thực tế mình đang ở đâu và cần phải làm gì tiếp theo. Nhóm sẽ rà soát lại tất cả các nội dung kiểm tra kỹ thuật và các lỗ hổng ở phần thi, sau đó lên phương án thực hiện để hoàn thiện tốt cho năm sau", thầy Lê Phương Long cho biết.
Cuộc chơi hôm nay - vị thế tương lai
Hơn cả một cuộc thi, SEM là nơi các sinh viên bước ra thực tế, tranh tài với những tài năng đồng lứa, từ đó định vị hướng phát triển cho bản thân nói riêng cũng như góp phần cho ngành công nghệ vận tải và năng lượng của Việt Nam nói chung.
Vừa trở về từ cuộc thi, các đội đã lập tức lên kế hoạch cho tương lai. "Chúng tôi quyết định tận dụng những kiến thức và công nghệ mới nhất để phát triển các mẫu xe tiết kiệm năng lượng. Điều này bao gồm việc sử dụng các vật liệu tái chế và phát triển các động cơ hiệu quả hơn. Đội hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ được cộng đồng ủng hộ và sử dụng rộng rãi, từ những chiếc xe gia đình cho đến các phương tiện công nghiệp", Hà Anh tiết lộ.
Trên hành trình kiến tạo tương lai xanh này, sinh viên Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Shell Việt Nam.
Ông Andreas Pradhana, Tổng giám đốc Shell Việt Nam, khẳng định: "Tại Shell, chúng tôi hướng đến việc cải tiến hiệu suất, giảm phát thải, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững hơn. Bên cạnh đầu tư vào các giải pháp năng lượng carbon thấp và công nghệ tiên tiến, chúng tôi hỗ trợ phát triển các tài năng trẻ của Việt Nam thông qua những sáng kiến như Shell Eco-marathon, qua đó góp phần kiến tạo tương lai xanh hơn cho Việt Nam".